Ông Phạm Văn Thiều – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, phát biểu tại Kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh Bạc Liêu khóa X. |
Kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh Bạc Liêu khóa X (nhiệm kỳ 2021 – 2026) diễn ra ngày 7- 8/12. Tại Kỳ họp, ông Phạm Văn Thiều – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, năm 2023, tỉnh có có 18/21 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.
Tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt khá, với mức tăng 7,24%, đứng thứ 5/13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (sau Hậu Giang, Trà Vinh, Cà Mau và An Giang) và đứng thứ 24/63 cả nước. Cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục có sự chuyển dịch đúng hướng. Cụ thể: khu vực nông nghiệp chiếm 40,14%, công nghiệp - xây dựng chiếm 19,64% và dịch vụ chiếm 35,27% trong GRDP. Tổng sản phẩm GRDP bình quân đầu người ước đạt 66,41 triệu đồng/người/năm.
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong phát triển của tỉnh; công tác phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh và điều tiết nước phục vụ sản xuất được triển khai tích cực. Sản lượng lúa đạt gần 1,23 triệu tấn, đạt 102,5% kế hoạch, tăng 2,6% so cùng kỳ. Tổng sản lượng thủy sản đạt gần 507 ngàn tấn, đạt 100% kế hoạch (tăng 16,3% so cùng kỳ). Lĩnh vực công nghiệp tiếp tục mức tăng trưởng khá, hiện tỉnh có 8 dự án điện gió với tổng công suất 469MW đang vận hành ổn định; đặc biệt kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD, đạt 100% kế hoạch (tăng 17,2% so cùng kỳ), hàng hóa xuất khẩu chủ yếu tập trung vào mặt hàng thủy sản.…
Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bạc Liêu đặt ra cho năm 2024 tới là 9 - 10%. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đã thẳng thắn phân tích những mặt chưa được. Trong đó, còn 3 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra, gồm: tăng trưởng kinh tế, cơ cấu kinh tế, tổng sản phẩm bình quân đầu người.
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp so với kế hoạch được giao (tính đến ngày 30/11 chỉ đạt gần 55%); chỉ số PCI đứng ở thứ hạng thấp (61/63 tỉnh, thành cả nước)… Việc thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp từng bước được triển khai nhân rộng, nhưng tiến độ còn chậm, quy mô còn nhỏ, chưa bền vững. Giá tôm thương phẩm giảm, trong khi giá vật tư đầu vào lại tăng cao….
Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh Bạc Liêu đã đề ra 13 nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2024 để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Theo đó, cả hệ thống chính trị sẽ phải nỗ lực, đoàn kết, tiếp tục tập trung đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả 5 trụ cột và 3 đột phá phát triển kinh tế-xã hội đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.
Cùng với đó, tỉnh Bạc Liêu đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy; cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.