Ngày 6/12, ông Mai Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chủ trì hội nghị thông tin với báo giới về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 của tỉnh.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Bắc Giang tiếp tục là điểm sáng trong “bức tranh” tăng trưởng của cả nước, ước đạt 13,45%, đứng đầu cả nước.
Quy mô GRDP của Bắc Giang được mở rộng; giá trị cả năm (giá hiện hành) ước đạt 181.900 tỷ đồng (tương đương khoảng 7,6 tỷ USD), vượt 0,3% kế hoạch (đứng thứ 12 cả nước); GRDP bình quân đầu người đạt 3.950 USD, tăng 10%, vượt 3% kế hoạch (đứng thứ 23 cả nước).
Cơ cấu kinh tế tỉnh dịch chuyển mạnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp; trong đó Công nghiệp - xây dựng chiếm 65,7%, tăng 2,7% (Công nghiệp chiếm 58,8%, tăng 3,2%; xây dựng chiếm 6,9%, giảm 0,5%); dịch vụ (bao gồm cả thuế sản phẩm) chiếm 21,3%, giảm 1%; nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 13%, giảm 1,7% so với năm 2022.
Chất lượng tăng trưởng của Bắc Giang được cải thiện; tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt 31,5%, tăng 2% so với năm 2022.
Năng suất lao động xã hội tỉnh tăng 12,5%, đạt 182,6 triệu đồng/lao động (theo giá hiện hành), vượt 5% kế hoạch đề ra.
Ngành dịch vụ của Bắc Giang có tốc độ tăng năng suất cao nhất với mức 15,9%; lâm nghiệp và thủy sản tăng 10,4%; công nghiệp – xây dựng tăng 11,2%.
Ông Mai Sơn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phát biểu tại hội nghị. |
Về kết quả thu hút đầu tư, tính đến 30/11/2023, toàn tỉnh đã thu hút được trên 3,2 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ, đạt kỷ lục từ trước đến nay. Trong đó, cấp mới 29 dự án trong nước, vốn đăng ký đạt 5.381 tỷ đồng, bằng 80% cùng kỳ năm 2022 và 89 dự án FDI với số vốn đăng ký đạt 1.531,03 triệu USD gấp 3,47 lần cùng kỳ và cao nhất từ trước đến nay.
Tính riêng thu hút đầu tư FDI, Bắc Giang xếp thứ 4 cả nước, sau các địa phương là Quảng Ninh, TP HCM và Hải Phòng. Các dự án FDI tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, gia công các sản phẩm linh kiện điện tử, may mặc, logistics....
Tính đến nay, có 30 quốc gia và lãnh thổ có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Trung Quốc là nước đầu tư lớn nhất vào tỉnh với trên 227 dự án, tổng số vốn khoảng 5,14 tỷ USD; kế đến là Hàn Quốc với gần 300 dự án và số vốn đăng ký đạt khoảng 2,1 tỷ USD.
Bên cạnh những con số ấn tượng, Bắc Giang cũng có những hạn chế còn tồn tại như tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu đề ra; kinh tế tăng trưởng cao song chưa bền vững.
Kế hoạch năm 2024, Bắc Giang tiếp tục đổi mới tư duy trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt cản trở để có những chuyển biến tích cực trong sự phát triển kinh tế.