Kỳ 3: Trung Nguyên ngày một tuột dốc, bà Thảo đau đáu “ngày về”
Từ năm 2006 đến 2014, giai đoạn bà Thảo là lãnh đạo điều hành, Tập đoàn Trung Nguyên phát triển rực rỡ. Thế nhưng sau đó, nhiều điều tồi tệ đã xảy đến mà không ai có thể ngờ tới.
8 năm phát triển như vũ bão
Từ năm 2006 đến 2014 là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của Tập đoàn Trung Nguyên. Hiệu quả kinh doanh và tài chính tại các công ty thành viên tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt từ năm 2008 Trung Nguyên chính thức thiết lập được mạng lưới kinh doanh quốc tế với trụ sở giao dịch tại Singapore. Trung Nguyên không chỉ trở thành thương hiệu quốc gia, mà còn phát triển thành công thương hiệu trên thị trường quốc tế.
Doanh số tăng trưởng vượt bậc, từ mức 1.223,6 tỷ đồng trong năm 2008 lên mức 4.177 tỷ đồng trong năm 2014, đạt mức tăng trưởng bình quân hàng năm ở mức 22,7% năm. Cùng với tăng trưởng vượt bậc về doanh số, lợi nhuận sau thuế của Trung Nguyên tăng trưởng mạnh mẽ, đỉnh cao năm 2014 với mức lợi nhuận sau thuế là 1.193,1 tỷ đồng – mức lợi nhuận cao nhất của tập đoàn từ trước đến nay.
Cùng với mức tăng trưởng vượt bậc của doanh số và lợi nhuận sau thuế, quy mô tổng tài sản trong giai đoạn này cũng tăng trưởng theo. Tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn này duy trì ở mức cao trên 52,6% năm, từ quy mô tài sản 397,2 tỷ đồng trong năm 2008 lên mức 5.024,5 tỷ đồng trong năm 2014.
Với cương vị Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Trung Nguyên, bà Thảo đã trực tiếp kiểm soát, điều hành hầu hết các khía cạnh quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của hệ thống Trung Nguyên.
Như về mặt sản xuất, bà tham gia kiểm soát điều hành các công việc từ lựa chọn nhà cung cấp, làm việc với các giám đốc nhà máy về lựa chọn phương án sản xuất tiên tiến và tối ưu.
Về kinh doanh, xây dựng hệ thống, bà chẳng những đóng góp nhiều trong việc xây dựng quan hệ với hệ thống các nhà phân phối trong ngoài nước mà còn tìm tòi, nghiên cứu các mô hình kinh doanh hiệu quả để áp dụng cho hệ thống Trung Nguyên. Một trong những mô hình kinh doanh được áp dụng đầu tiên tại Việt Nam là mô hình nhượng quyền.
Về mặt tài chính, dự án đầu tư, bên cạnh việc tham gia vào các hoạt động kinh doanh, bà dành nhiều thời gian trong công tác kiểm soát, hoạch định tài chính cho sự phát triển. Cùng với đó là các chiến lược tài chính dài hơi để tài trợ cho các dự án mang tầm vóc quốc tế.
Thiền và cột mốc làm thay đổi mọi thứ
Cột mốc vào năm 2014 có thể nói là bước ngoặt làm thay đổi mọi thứ. Mặc cho bà Thảo tìm mọi cách ngăn cản, ông Vũ vẫn đi thiền 49 ngày ở trang trại M’drak (Buôn Ma Thuột).
Ông thiền để mong mở được luân xa, để năng lượng và trí tuệ của mình tốt hơn. Kết quả, bà Thảo cho biết, sau 49 ngày tập thiền, ông Vũ sụt đi 17 cân. Kết thúc khóa thiền đó, ông phải uống thuốc ngủ mới thiền được.
Rồi ông đưa một tấm hình bảo rằng ông không chỉ là một vị chủ tịch, một ông “vua cà phê” mà còn là Người sáng thế. Khi ấy, là một người vợ đã song hành cùng chồng suốt 20 năm qua, bà Thảo đã có linh cảm rất xấu. Chuyện lục đục của gia đình và Trung Nguyên bắt đầu từ đây.
Ông Vũ gần như chỉ quan tâm đến việc thiền định và gần như không xuất hiện tại công ty và gia đình nữa. Dường như sau đợt thiền định về, ông trở thành một người khác thường và có những biểu hiện bất thường, nhiều hành động rất kỳ lạ.
Nếu như trước đây vợ chồng Trung Nguyên luôn chung tiếng nói và nắm tay nhau, còn bây giờ thì thậm chí ngay cả bà Thảo và các con cũng không thể hiểu được người chồng, người cha của mình. Nhiều người quen cũng ngỡ ngàng trước sự thay đổi đến mức tột cùng của ông Vũ.
Tháng 4/2015 sau khi đột ngột tước quyền Phó Tổng giám đốc thường trực của vợ tại Tập đoàn Trung Nguyên mà bà Thảo vẫn làm hơn chục năm qua, ông trao quyền chi tiêu, quyền điều hành cho một nhóm nhân viên khác.
Bà Thảo cho biết, từ đó nhóm nhân viên điều hành đã nổi lên thao túng, lũng đoạn tập đoàn. Họ liên tục tạo ra các tranh chấp pháp lý giữa Trung Nguyên và bà, khiến mâu thuẫn giữa hai vợ chồng ngày càng gay gắt, từ đó dễ dàng trục lợi, khiến Trung Nguyên thất thoát, mất phương hướng, rối loạn và kết quả kinh doanh ngày càng tụt dốc.
Điều phi lý nhất, bà Thảo cho hay, đó là khi bà là chủ của Trung Nguyên nhưng không được bước chân vào tập đoàn này và bị “bủa vây” bởi các đơn kiện từ tập đoàn mà khi xưa bà là người sáng lập.
Tất cả các đơn kiện, tố cáo đều nhắm vào cá nhân bà Thảo và quyền điều hành Trung Nguyên của bà, buộc bà phải bị loại ra khỏi cấu trúc tập đoàn vĩnh viễn. Thậm chí, có lúc bà uất ức tột cùng trước thông tin rằng nhóm người này bưng bít toàn bộ các thông tin liên quan tài chính, doanh thu, kinh doanh, vận hành của Trung Nguyên...
Bà nói, giờ đây động lực lớn nhất của bà là tình yêu đối với gia đình mình và trách nhiệm đối với thương hiệu Trung Nguyên. Bà quyết tâm trở về Trung Nguyên, bởi vì hơn ai hết, bà hiểu Trung Nguyên đang gặp khó khăn, bên bờ vực thẳm…
“Tôi sẽ trở về, bất kể anh – hiện giờ có thể đã như một con người khác, cùng với rất nhiều người khác – sẽ tìm cách ngăn cản tôi. Nhưng linh cảm của người vợ mách bảo rằng: Tôi sẽ giúp được anh thêm một lần nữa. Tôi sẽ nhận trách nhiệm gánh vác và bảo vệ thành quả của gia đình, để giữ gìn và tiếp tục phát triển thương hiệu cà phê Việt Nam trên thế giới. Tôi yêu cà phê Việt Nam như yêu những người thân trong gia đình, và tôi khát khao làm được những điều thực sự có ý nghĩa cho cà phê Việt Nam.”
Đối với gia đình mình, cho đến thời điểm này, bà vẫn tự tâm niệm rằng, dù chuyện gì xảy ra đi nữa, cuối cùng bà chính là người chăm sóc người chồng của mình suốt đời, chứ không phải ai khác. Vì ông là chồng, là cha của bốn đứa con thân yêu của bà và gia đình chính là tài sản vô giá, lớn hơn mọi thứ khác trên đời đối với bà.
5 năm ông Vũ lo việc thiền định trên núi, còn bà Thảo thì không thể bước vào trụ sở công ty vì bị ngăn cản, nhiều nghi vấn về bất ổn trong điều hành công ty, doanh thu không tăng trưởng nhưng chi phí tăng cao khiến lợi nhuận bị ảnh hướng xấu, chỉ còn 40% so với trước đây.
Quản lý hệ thống quán cà phê Trung Nguyên cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề khi vừa qua Trung Nguyên đã cho kỷ luật một loạt các quản lý và trưởng ca do nghi vấn thất thoát.
Trên 60 quán cà phê đã phải đóng cửa chỉ trong vòng 1 năm qua vì mất khả năng kiểm soát và sự cạnh tranh quyết liệt của ngày càng nhiều đối thủ trong thị trường chuỗi quán.
Trên trang cá nhân của mình, bà Thảo liên tục lên tiếng về bệnh tình của ông Vũ và sự lộng hành của nhiều người mà bà cho là nhóm thao túng. Bà cho biết đang hết sức nỗ lực, thậm chí nhờ cơ quan chức năng vào cuộc để “cứu chồng, cứu Trung Nguyên”.