Sinh ra trong gia đình thuần nông lại đông con, từ nhỏ anh Lai đã theo bố mẹ ra đồng, trên những thửa ruộng trũng bùn ngập gần đến đầu gối. Anh tâm sự: “Hình ảnh người dân quê hì hục nhiều ngày liền vẫn không sửa được máy bơm nước để tiêu úng cho ruộng lúa đang bị ngập sâu, kêu thợ sửa chữa không có... làm tôi ám ảnh mãi. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông tôi chọn thi vào một trường trung cấp cơ khí ở TP. Huế. Sau 2 năm học trường nghề rồi tốt nghiệp loại ưu, tôi được nhận vào làm tại một xưởng cơ khí ở trung tâm thành phố với thu nhập ổn định”.
Rồi nỗi trăn trở trước những vất vả của người nông dân ở quê nhà đã khiến anh quyết định về quê lập nghiệp sau 4 năm làm ở thành phố. Thời gian đầu, anh mở xưởng sửa chữa máy móc và nhận được nhiều đơn sửa chữa các loại máy phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nhất là thời điểm phát triển thủy sản tăng cao. Vì thế, xướng cơ khí của anh Lai ngày một phát triển.
Tùy nhiên, đến năm 2004, cơ sở của anh gặp khó khăn khi mô hình thủy sản ở Quảng Điền liên tiếp thất bại vì dịch bệnh, nông dân rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất. Anh Lai lại bước sang giai đoạn thăng trầm khác khi quyết định vào Nam lập nghiệp một thời gian.
Đến năm 2008, khi Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên -Huế có dự án đầu tư, chế tạo các loại máy móc có tính hữu dụng cao phục vụ người dân, với tiền vốn được hỗ trợ là 29,5 triệu đồng, anh đã bắt tay vào nghiên cứu sản xuất máy ép củi trấu. Sau nhiều lần thất bại cuối cùng chiếc máy ép củi từ vỏ trấu do anh Lai chế tạo mới được hoàn thiện. Hiện, giá bán ra của một máy ép củi từ vỏ trấu có giá khoảng 72 triệu đồng, sản phẩm củi trấu được bán giá 1.400 đồng/kg, công suất hoạt động của máy là 300kg củi trấu trên giờ.
Chiếc máy ép củi từ vỏ trấu được các công nhân chuẩn bị hoàn thiện |
Từ thành công trong việc sản xuất máy ép củi trấu, anh tiếp tục nghiên cứu sáng chế ra hàng loạt loại máy móc khác như: máy sấy mùn cưa, máy cắt nước đá liên hoàn, máy sấy thực phẩm đa năng, máy hút thổi liệu, máy thái rau, máy ép viên thức ăn chăn nuôi, máy sấy lúa đa năng...rất ưu việt và phù hợp với hoàn cảnh nhà nông hơn.
“Ở quê thường làm việc được 2 vụ mùa nên đến thời điểm rảnh rỗi tôi lại nảy sinh ý định sáng chế ra các sản phẩm nông cụ phục vụ cho nhu cầu của người dân. Bước đầu, nhận thấy vỏ trấu ở quê rất dồi dào, vì vậy tôi mới nảy sinh ra ý tưởng tận dụng phế phẩm này ép lại thành sinh khối để đốt” - anh Lai chia sẻ.
Thấy được lợi ích của việc sử dụng củi trấu làm chất đốt, khách hàng từ trong Nam đến ngoài Bắc từ chỗ sử dụng sản phẩm củi trấu của anh Lai dần chuyển sang đặt mua máy ép củi trấu do anh sản xuất. Từ năm 2009 đến nay, bình quân mỗi năm cơ sở của anh bán ra thị trường gần 50 máy ép củi trấu. Loại máy này không chỉ được tiêu thụ ở hầu khắp các tỉnh thành trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài, như Lào và Campuchia.
Hiện tại, xưởng cơ khí của anh Lai đã phát triển thành quy mô của một doanh nghiệp tư nhân sản xuất cơ khí đóng trên địa bàn huyện Quảng Điền với doanh thu mỗi năm khoảng 4 tỷ đồng và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều lao động ở địa phương với mức thu nhập bình quân hơn 6 triệu đồng/người.
Sản phẩm máy ép củi từ vỏ trấu do anh Lai chế tạo ra đã đạt giải thưởng “Công nghiệp tiêu biểu cấp Quốc gia năm 2015” và đạt giải nhì tại Hội thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên- Huế năm 2012. Đặc biệt năm 2017 được Hội nông dân Việt Nam công nhận và bình chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.