Sau hai năm rưỡi khởi tố, điều tra, truy tố, vụ án cố ý làm trái, tham ô tài sản xảy ra tại Công ty Điện báo - Điện thoại tỉnh Bạc Liêu đã được xét xử sơ thẩm vào đầu năm 2011 với kết quả Giám đốc, Trưởng phòng Tài vụ lãnh 3 năm tù treo, còn nguyên Phó phòng Tài vụ lĩnh 7 năm tù. Đơn kêu oan tiếp tục được gửi đến cơ quan chức năng
Quan điểm bất đồng
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Bạc Liêu, trong năm 2006, Quách Văn Đồng, Giám đốc Cty Điện báo - Điện thoại Bạc Liêu (Cty ĐBĐT), Nguyễn Minh Trí (Trưởng phòng Kế toán) và Đặng Thanh Phương (Phó trưởng phòng Kế toán) đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, sử dụng tài sản là tiền của công chi sai nguyên tắc với số lượng lớn. Trong đó, Đồng chỉ đạo sai nguyên tắc số tiền 301 triệu đồng, Trí 420 triệu đồng. Riêng Phương đã chiếm đoạt hàng hóa về sử dụng cho mục đích cá nhân số tiền hơn 70 triệu đồng. Quá trình điều tra, các bị can đã nộp khắc phục toàn bộ thiệt hại về tài sản.
Bản án Sơ thẩm số 02/2011 ngày 21/1/2011 của TAND tỉnh Bạc Liêu tuyên phạt: Đồng và Trí mỗi bị cáo 3 năm tù treo, thử thách 5 năm về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Phương bị phạt 7 năm tù về tội tham ô tài sản. Bị cáo Phương kháng cáo kêu oan để được xét xử phúc thẩm.
Trước đó, trong quá trình điều tra Phương liên tục kêu oan. Trong khi cơ quan tố tụng cũng có nhiều quan điểm bất đồng về vụ án: Phương bị khởi tố ngày 25/9/2008; Đến ngày 8/12/2008, VKSND tỉnh Bạc Liêu đã có quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can của Cơ quan CSĐT – CA Tỉnh Bạc Liêu đối với Phương về tội tham ô tài sản do Phó Viện trưởng VKSND tỉnh ký. Thế nhưng, ngày 24/12/2008, VKSND tỉnh Bạc Liêu lại có Quyết định hủy bỏ Quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can của VKSND tỉnh Bạc Liêu do Viện trưởng VKSND tỉnh ký. Vậy là chỉ trong 2 tuần, VKSND tỉnh Bạc Liêu đã ra hai quyết định có quan điểm trái ngược nhau.
Cần một phán quyết khách quan
Bản án sơ thẩm nhận định: Trong năm 2006, Phương đặt mua hàng hóa của các công ty sau đó nhận hàng hóa nhưng không nhập kho hoặc chuyển cho các bộ phận chức năng của Cty để sử dụng với số tiền qua 8 hóa đơn là trên 70 triệu đồng. Vì thế, Phương bị kết tội tham ô tài sản.
Nhưng theo bị cáo Phương, việc mua hàng về (công cụ, dụng cụ, văn phòng phẩm, vật liệu sửa chữa thay thế, vật liệu rẻ tiền mau hỏng) đều thực hiện đúng quy trình của Bưu điện tỉnh Bạc Liêu. Cụ thể, hàng hóa mua về trị giá dưới 10 triệu đồng đều được cấp cho nhân viên sử dụng ngay, không cần phải làm các thủ tục nhập kho rồi mới xuất hàng vì hầu hết những hàng hóa này chỉ sử dụng trong một thời gian ngắn rồi tự hỏng.
Bị cáo Phương kháng cáo cho rằng mình bị oan |
Tòa án cũng như quá trình điều tra, truy tố, các cơ quan này đều không chứng minh được tài sản đó đã Phương bị chiếm đoạt như thế nào. Những người mua hàng, nhận hàng cũng không được điều tra, đối chất để làm rõ hành vi của Phương.
Hơn nữa, Phương là cấp dưới của Đồng và Trí, nên mọi việc của Phương làm đều có sự chỉ đạo, xem xét rồi ký duyệt chi của Quách và Đồng. Trong bút lục 222 tại CQĐT, ông Đồng khai: Phương ký duyệt chứng từ rất nhiều… là có sự phân công của kế toán trưởng. Nếu kế toán trưởng không phân công thì khi ký duyệt chứng từ, kế toán trưởng sẽ không đồng ý cho Phương ký duyệt và Phương sẽ không ký chứng từ thanh toán. Các chứng từ kế toán đều phải qua kiếm tra, giám sát của kế toán trưởng.
Bên cạnh đó, Bưu điện Bạc Liêu từ 2007 trở về trước áp dụng Quy chế tài chính số 68/QĐ- BBT ngày 10/4/2003, quy định mua sắm tài sản trên 10 triệu đồng mới phải làm đầy đủ thủ tục như báo giá, hợp đồng, hóa đơn tài chính. Do đó, việc mua sắm qua 8 hóa đơn của Phương thực hiện không sai quy định này.
Ngay bị cáo Trí cũng khai trong năm 2006 được thay thế 1 máy tính mới, 1 máy in do Phương mua sắm… Các cán bộ, cá nhân khác trong Bưu điện Bạc Liêu cũng thừa nhận năm 2006 nhân viên phòng kế toán, trong đó, có Phương đã mua sắm hàng hóa, dụng cụ mang về cho đơn vị sử dụng.
Có thể thấy, vụ án không quá phức tạp, số tiền bị coi là thất thoát không lớn, nhưng kéo dài, bị cáo kêu oan, đang đặt ra trong dư luận nhiều nghi hoặc, nhất là phần kết án nặng nhất cho bị cáo có cương vị thấp nhất. Bởi vậy, một phán quyết khách quan, đúng đắn từ cấp phúc thẩm theo đúng yêu cầu cải cách tư pháp là mong đợi của người dân địa phương.
Trần Đông