Nhiều luật sư khi được hỏi đã cho rằng những vụ đã thi hành án xong thì không nên kháng nghị giám đốc thẩm để đảm bảo tính ổn định của bản án và tránh rắc rối, phức tạp về sau. Trừ trường hợp thật sự cần thiết, như liên quan đến tính mạng con người hoặc ảnh hưởng đến nhiều người.
Nhiều vụ bị kháng nghị thiếu căn cứ khiến thi hành án bị lúng túng. |
Kháng nghị sao cho đúng pháp luật vẫn là một câu hỏi? Bởi có những vụ oan, muốn kháng nghị cũng cực khó. Ngược lại, Tòa xử đã đúng mà vẫn bị kháng nghị. Vậy, nếu kháng nghị sai có bị chế tài? Câu hỏi đang được dư luận quan tâm!
Dân khổ vì hai Vụ “đá” nhau
Trong vụ tranh chấp quyền sử dụng đất và nhà ở, ông Vương Văn Nghĩa (SN 1927) ngụ xã Tam Phước, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai là nguyên đơn, bị đơn là ông Vương Tấn Hùng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị Hòe và bà Nguyễn Thị Thanh Thúy. Theo nội dung Bản án sơ thẩm ngày 31/8/2006 của TAND huyện Long Thành và Phúc thẩm ngày 29/3/2007 của TAND tỉnh Đồng Nai đều tuyên buộc ông Hùng và bà Thúy có trách nhiệm trả lại cho ông Nghĩa giá trị tài sản là 500 triệu đồng. Do ông Hùng và bà Thúy không chịu tự nguyện thi hành án nên tài sản đã được Trung tâm Bán đấu giá tài sản mang ra bán đấu giá. Theo đó, ông Đinh Xuân Tuyến trú tại phường Tam Phước, TP. Biên Hòa là người trúng đấu giá và đã nộp đủ số tiền gần 1,25 tỷ đồng. Sau đó ông Hùng khiếu nại bản án.
Ngày 5/5/2011, VKSNDTC có Văn bản số 1168/VKSNDTC-V5 (Vụ 5) về việc trả lời đề nghị kháng nghị: Đối với Quyết định 01 của TAND huyện Long Thành và Bản án Dân sự phúc thẩm số 79/DS-PT 26, 29/3/2007 của TAND Đồng Nai theo quy định đến nay đã hết thời hiệu để xem xét thủ tục giám đốc thẩm. Bên cạnh đó, Tòa Dân sự TANDTC cũng đã có Công văn 30/TANDTC-DS ngày 21/1/2010 trả lời đương sự là không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
Vậy nhưng, bất ngờ ngày 20/6/2011, VKSNDTC lại tiếp tục có Văn bản số 1966/VKSNDTC-V10 (Vụ 10) nêu: Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy có đơn khiếu nại nên yêu cầu Chi cục THADS huyện Long Thành cung cấp hồ sơ thi hành án. Thế là mọi việc phải dừng lại, ông Nghĩa – người được thi hành án và người trúng đấu giá là ông Tuyến lại phải “đội đơn” khắp nơi: Yêu cầu được thi hành án và được giao tài sản mà ông trúng đấu giá. Trong khi, người trúng đấu giá phải được pháp luật bảo vệ tuyệt đối; Còn ông Nghĩa cũng “dở khóc, dở cười”, vì án tuyên rồi mà không được thi hành; Cơ quan THADS cũng “khổ” vì không thể thi hành! Chúng tôi cho rằng, việc kháng nghị giám đốc thẩm thiếu căn cứ xác đáng sẽ làm cho nhiều bản án không có điểm dừng, xử đi xử lại rồi lại quay về vạch xuất phát…
Kháng nghị ký lùi ngày?
Một thẩm phán chia sẻ, trong án dân sự, đương sự dù thua kiện vẫn thường có tâm lý khiếu nại “còn nước, còn tát”, ngay cả khi biết mình “đuối” lý. Phía thắng kiện phải lãnh phần thiệt trong các trường hợp lạm dụng kháng nghị bởi nguyên tắc cứ có kháng nghị là phải tạm hoãn thi hành án. Như Bản án số 123/2008/DSST ngày 10/4/2008 của TAND Bình Dương dù đã xét xử “thấu tình đạt lý” và đã được thi hành án xong nhưng vẫn bị kháng nghị ngon lành.
Theo đó, án tuyên chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn Đảo và cụ Nguyễn Thị Si gồm toàn bộ tài sản là bất động sản (hơn 2.500m2) cùng tài sản gắn liền trên đất tại phường Phú Thọ, TX Thủ Dầu Một, Bình Dương. Theo đó, ông Nguyễn Văn Trúng được quyền sử dụng hơn 1,1 nghìn m2, được sở hữu nhà chính…tổng trị giá tài sản gần 3 tỷ đồng. Ông Trúng có nghĩa vụ hoàn lại cho ông Nguyễn Văn Khỉa hơn 1,4 tỷ đồng, ông Nguyễn Văn Bia hơn 6,7 triệu đồng và được sử dụng hơn 700 m2 đất trồng cây lâu năm (trị giá hơn 1,4 tỷ đồng), gia đình bà Nguyễn Thị Năm gần 48 triệu đồng. Bà Năm và các con gồm: Nguyễn Thị Rê, Nguyễn Thị Ngoạn, Nguyễn Thị Lợi và Nguyễn Văn Lộc cùng được quyền sử dụng hơn 690 m2 đất trồng cây lâu năm (trị giá gần 1,4 tỷ đồng).
Án phúc thẩm do TANDTC ban hành có hiệu lực thi hành và cơ quan THADS đã thi hành xong, nhưng sau đó lại “lù lù” kháng nghị. Quyết định kháng nghị được ban hành ngày 6/4/2011, tức chỉ còn 4 ngày nữa là hết thời hiệu kháng nghị. Ngày 14/6/2011, kháng nghị mới được gửi đi và ngày 20/6 các cơ quan chức năng mới nhận được. Nhiều luật sư cho rằng, quyết định kháng nghị được phát hành sau 70 ngày kể từ ngày ký là trái luật bởi Kháng nghị phải gửi ngay. Thứ nữa là thời hiệu kháng nghị cũng đã hết. Vậy có hay không câu chuyện ký lùi ngày (lùi hơn 2 tháng) để hợp thức hóa kháng nghị?!
Thi hành án xong, “lòi ra” kháng nghị
Bản án phúc thẩm ngày 20/5/2008 TAND tỉnh D. xử “tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất” giữa nguyên đơn bà Mari Yah (SN 1974) – ông Jaki Gia (SN 1974) cùng ngụ huyện T, tỉnh D. với bị đơn là ông Mohamach Aly (SN 1917) ngụ huyện T, tỉnh D. Theo đó, cấp phúc thẩm tuyên chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của ông Mohamach Aly, sửa án sơ thẩm của TAND huyện T: Ông Mohamach Aly giao lại gần 24 nghìn m2 đất và toàn bộ tài sản (nhà, cây trái, ao cá gắn liền với đất, GCNQSDĐ do bà Mari Yah đứng tên cho bà Mari Yah và ông Jaki Gia sở hữu sử dụng; Bà Mari Yah và ông Jaki Gia thanh toán lại cho ông Mohamach Aly hơn 114 triệu đồng. Gần 3 tháng sau, THADS huyện T. “kết thúc việc thi hành án”. Tưởng mọi việc đã ổn, đùng một cái, ngày 23/6/2011 (hơn 3 năm sau), THADS huyện T. nhận được Quyết định Kháng nghị số 292/2011/KN-DS ngày 12/5/2011 của TANDTC đối với Bản án của TAND tỉnh D. Do có kháng nghị, nên TAND huyện T. tiếp tục xử sơ thẩm lần 2 và cũng y như bản án trước đó. Một chấp hành viên “kêu”: Nếu Tòa xử lại mà khác với kết quả đã thi hành án thì không biết giải quyết ra sao, bởi thi hành án đã xong?!
Một thẩm phán TAND TP.HCM bức xúc: Có vụ xử sơ thẩm đến lần thứ ba, Tòa cũng không thể tuyên khác được; Lên cấp phúc thẩm cũng không thay đổi kết quả, nhưng rồi không hiểu sao cứ bị kháng nghị; Đối với những vụ đã thi hành án xong, không nên kháng nghị để đảm bảo tính ổn định của bản án và tránh rắc rối, phức tạp về sau, trừ những trường hợp thật cần thiết. |
Trần Tố