Ấm tình đoàn kết tôn giáo từ những mái nhà cho người nghèo: Bài 1 - Mưa to, gió lớn không còn phải lo chui… gậm giường

Đại diện chính quyền, đoàn thể, các tôn giáo chúc mừng bà Phạm Thị Dịu có nhà mới. (Ảnh: T. Khang)
Đại diện chính quyền, đoàn thể, các tôn giáo chúc mừng bà Phạm Thị Dịu có nhà mới. (Ảnh: T. Khang)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngoài trời mưa như trút. Cơn mưa lớn do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão. Ngồi trong căn nhà nhỏ nhưng kiên cố, không sợ mưa dông, bão giật, mẹ con bà Nguyễn Thị Sáng (ở xóm 3, xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn, Ninh Bình) vẫn không thể tin, ước mơ có “gian cửa, gian nhà” nay đã thành hiện thực.

“Mỗi lần mưa gió, khiếp lắm!”

Kim Mỹ là một trong các xã ven biển nằm ở phía Tây Nam của huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình), với dân số khoảng 12.000 người, trong đó đồng bào theo đạo Công giáo chiếm tới 87%.

Có 4 người con thì 3 đã mất, bà Nguyễn Thị Sáng (80 tuổi, theo Công giáo) và người con gái lớn (không lập gia đình) sống nương tựa vào nhau. Hai người phụ nữ già cả, ốm yếu, đã thế lại bệnh tật. Bà Sáng bị bệnh, chân đứng thẳng không vững, đi đâu phải có người dìu, phải lết từng chút khó khăn. Người con gái bị bệnh tim không làm được việc nặng nhọc. Cuộc sống của hai mẹ con neo đơn phải cậy nhờ dân làng, hàng xóm. Căn nhà cấp 4 ngày càng dột nát.

“Mỗi lần mưa gió khiếp lắm, run lắm. Mưa dột, hai mẹ con rúc vào gầm giường, ôm nhau mà khóc. Tủi nhục lắm”, bà Sáng ngậm ngùi. “Hôm nào trời nắng thì hai mẹ con còn đỡ buồn chứ mưa gió thì cực lắm. Nhìn sang nhà hàng xóm, mẹ con tôi chỉ ước mong có lấy một tý nhà, có gian nhà, gian cửa cho đỡ mưa, đỡ nắng nhưng cảnh nhà túng quá, khổ quá…”, bà Nguyễn Thị Suất tiếp lời mẹ.

Trong một lần đến thăm gia đình bà Sáng, chứng kiến cảnh nghèo khó, nơi ở tạm bợ của hai mẹ con, Linh mục chính xứ Tân Khẩn (Giáo phận Phát Diệm) Lê Văn Hưởng không khỏi chạnh lòng. Ý muốn giúp đỡ gia đình bà Sáng có mái nhà kiên cố của vị linh mục đồng gặp dự định của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp tỉnh Ninh Bình, chính quyền địa phương đang triển khai mô hình chung tay hỗ trợ xây dựng những ngôi nhà ấm tình đoàn kết lương - giáo cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn.

Kết quả của sự chung tay, cuối tháng 4 năm 2023, ngôi nhà kiên cố rộng gần 60m2, với tổng giá trị trên 200 triệu đồng đã được hoàn thành. Điều đặc biệt, ngoài sự hỗ trợ của MTTQ các cấp, chính quyền, ban, ngành địa phương, mái ấm của mẹ con bà Sáng có sự chung tay của cả hai tôn giáo trên địa bàn, với sự góp công, góp sức của Linh mục Lê Văn Hưởng, của sư cô Thích Ngọc Trinh (Trụ trì chùa Thiên Phúc, xã Kim Mỹ).

“Không chỉ giúp kinh phí, cha xứ còn trực tiếp tham gia cùng bà con bê từng hòn đá, viên gạch. Mỗi ngày có hàng chục bà con trong giáo xứ, giáo họ, hàng xóm láng giềng tới giúp. Đến lúc xây xong, người cho cái giường, người cho bộ bàn ghế… Nhờ có công sức, tiền của của mọi người cùng chung tay mà mẹ con tôi mới có được cái nhà để ở. Mừng lắm!”, bà Sáng chia sẻ.

Lễ cắt băng khánh thành ngôi nhà “Ấm tình đoàn kết lương - giáo ” cho gia đình bà Nguyễn Thị Sáng. (Ảnh: MTTQ huyện Kim Sơn)

Lễ cắt băng khánh thành ngôi nhà “Ấm tình đoàn kết lương - giáo ” cho gia đình bà Nguyễn Thị Sáng. (Ảnh: MTTQ huyện Kim Sơn)

Rời nhà bà Sáng, chúng tôi tìm đến nhà bà Phạm Thị Dịu, ở xóm 9, xã Định Hóa, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Với hơn 7.000 nhân khẩu, Định Hóa có 2 tôn giáo lớn là Phật giáo và Công giáo. Trong đó, Công giáo chiếm khoảng 51% dân số.

Là hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, tuổi cao sức yếu, sống một mình. Nhiều năm nay, bà Dịu sống trong căn nhà được xây từ những năm 1980 đã xuống cấp trầm trọng, luôn thường trực nỗi lo mất an toàn nhất là khi mùa mưa bão đến. “Hơi nghe bão gió là khiếp, không ăn không ngủ được. Cát vôi lâu năm bở rơi rụng rầm rầm. Đến lúc bão tan mới yên tâm”, bà Dịu cho biết.

Chia sẻ với hoàn cảnh của gia đình bà, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Kim Sơn đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân quyên góp xây dựng cho bà ngôi nhà mới (khánh thành tháng 3/2024). Căn nhà có kinh phí gần 200 triệu đồng, trong đó Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình hỗ trợ 100 triệu đồng; Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa và An sinh xã hội” của huyện 5 triệu đồng… Đáng nói, mái ấm có sự chung tay của Đại đức Thích Minh Trí, Trụ trì chùa Lưu Phương (huyện Kim Sơn) 20 triệu và của Linh mục Nguyễn Văn Phương, Chính xứ Hóa Lộc, xã Định Hóa (5 triệu đồng).

“Từ ngày được ở trong căn nhà kiên cố, tôi vui lắm. Còn sống ngày nào mừng ngày đó. Mưa bão không còn sợ. Sống thêm được mấy tuổi”, bà Dịu phấn khởi cho biết.

Không phân biệt tôn giáo

Bà Dịu đã yên tâm khi có ngôi nhà kiên cố, có nơi thờ cúng chồng, không còn phải lo khi mưa, bão. (Ảnh: HG)

Bà Dịu đã yên tâm khi có ngôi nhà kiên cố, có nơi thờ cúng chồng, không còn phải lo khi mưa, bão. (Ảnh: HG)

Hộ gia đình bà Nguyễn Thị Sáng, bà Phạm Thị Dịu chỉ là hai trong nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ về nhà ở - với sự chung tay của đại diện các tôn giáo trong những năm qua.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” và Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều giải pháp huy động nguồn lực xã hội cùng cấp ủy, chính quyền chăm lo cho người nghèo. Đặc biệt, Ninh Bình đã có cách làm hay, sáng tạo khi MTTQ trở thành “cầu nối” để các chức sắc, chức việc, đại diện các tôn giáo cùng tham gia chung sức lo cho người nghèo hiện thực hóa giấc mơ an cư.

Có thể kể đến rất nhiều gia đình khác đã có được niềm vui có căn nhà kiên cố che mưa, che nắng như gia đình chị Phạm Thị Sen, ở xóm 4, xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh (có con bị bại não bẩm sinh). Năm 2022, căn nhà có trị giá hơn 360 triệu đồng của gia đình chị đã được khánh thành. Ngoài sự hỗ trợ của MTTQ tỉnh từ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa và An sinh xã hội”, căn nhà còn có sự chung tay của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Yên Khánh (hỗ trợ 30 triệu đồng), của Giáo xứ Tín Thuận (30 triệu đồng).

Chung niềm vui, nhiều hộ gia đình ở xã Quảng Lạc, huyện Nho Quan như gia đình các ông: Bùi Văn Thạch, Bùi Văn Sơn, Bùi Tân Mùi… hay gia đình anh Phạm Văn Toàn, bà Trần Thị Lũy (ở xã Gia Lập, huyện Gia Viễn), gia đình ông Nguyễn Đức Cậy (ở thôn Dưỡng Hạ, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư); gia đình ông Ngô Đức Lung (ở thôn Thổ Hoàng, xã Yên Hòa, huyện Yên Mô)… cũng được hỗ trợ nhà đại đoàn kết nhờ sự chung tay góp sức của cộng đồng, trong đó có phần đóng góp của đại diện các tôn giáo.

Mẹ con bà Nguyễn Thị Sáng an tâm trong ngôi nhà mới nhờ sự chung tay của cộng đồng, sự góp sức của đại diện các tôn giáo. (Ảnh: HG)

Mẹ con bà Nguyễn Thị Sáng an tâm trong ngôi nhà mới nhờ sự chung tay của cộng đồng, sự góp sức của đại diện các tôn giáo. (Ảnh: HG)

Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình, trên cơ sở những kết quả tốt đẹp từ việc vận động các chức sắc, chức việc các tôn giáo cùng tham gia các hoạt động vì cộng đồng, trong đó có việc xây dựng nhà đại đoàn kết cho người nghèo, ngày 16/3/2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 136/KH-MTTQ-BTT xây dựng mô hình “Vận động chức sắc, chức việc các tôn giáo chung tay hỗ trợ xây dựng những ngôi nhà ấm tình đoàn kết lương - giáo” cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch 136 nói trên là sự cụ thể hóa Quyết định số 334-QĐ/TU ngày 29/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2021 - 2025”; Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10/01/2018 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về công tác tôn giáo trong tình hình mới và Kế hoạch số 26-KH/ĐĐMT ngày 10/10/2018 của Đảng đoàn Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về việc tổ chức thực hiện Đề án “Tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo ở nước ta hiện nay”.

Theo ông Lê Văn Kiên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình: Mô hình những ngôi nhà ấm tình đoàn kết lương - giáo không chỉ nhằm tăng cường sự đồng thuận xã hội, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy truyền thống yêu nước mà còn phát huy những giá trị tốt đẹp của các tôn giáo, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đồng bào tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Những ngôi nhà ấm tình đoàn kết của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình là biểu hiện sinh động cho đường hướng “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, tinh thần hộ quốc an dân của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; “Sống tốt đời, đẹp đạo”, “Sống phúc âm trong lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” của Giáo hội Công giáo Việt Nam”, góp phần phát huy vai trò của các tổ chức, chức sắc, chức việc, đồng bào có đạo và nhân dân trong các hoạt động xã hội; vận động các nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Kết quả triển khai mô hình “Vận động chức sắc, chức việc các tôn giáo chung tay hỗ trợ xây dựng những ngôi nhà ấm tình đoàn kết lương - giáo” cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, trong 2 năm (2022, 2023) đã xây dựng được 48 căn nhà với tổng kinh phí gần 9,5 tỷ đồng. Trong đó, các chức sắc Phật giáo hỗ trợ hơn 1,3 tỷ đồng, các chức sắc Công giáo hỗ trợ gần 1,1 tỷ đồng. Ngoài ra là nguồn trích từ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa và An sinh xã hội”, nguồn tự có của hộ gia đình, hỗ trợ của anh em, dòng họ và các nguồn hỗ trợ khác.

Đọc thêm

Học sinh Thủ đô và niềm vui cống hiến cho cộng đồng

Người tham gia “The Hunger Games 2024” giao các suất ăn tới CLB Thanh, thiếu niên khuyết tật vườn Hướng Dương. (Ảnh: Hanoi Food Rescue)
(PLVN) - Với lòng nhiệt huyết và trái tim đầy yêu thương, các bạn học sinh Thủ đô đã cùng nhau chung tay thực hiện nhiều hoạt động cộng đồng ý nghĩa. Những hoạt động này không chỉ góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp mà còn lan tỏa niềm vui tới mọi người xung quanh, đồng thời khiến các bạn học sinh tìm thấy hạnh phúc từ chính những việc làm của mình.

Bảo vệ trẻ em trước “bóng ma xâm hại” trên không gian mạng

Trẻ em dễ trở thành đối tượng bị bạo lực và lạm dụng tình dục trên mạng. (Ảnh: Getty)
(PLVN) - Năm 2016, “Thử thách cá voi xanh” (Blue Whale Challenge) từng là hiện tượng mạng nhanh chóng lan rộng ra khắp các nền tảng phổ biến khác trên toàn thế giới như Facebook, Instagram, Snapchat… Khi tham gia “Thử thách cá voi xanh”, trong vòng 50 ngày, người chơi sẽ phải làm theo những nhiệm vụ mà những “người quản lý” đưa ra, với mức độ từ dễ đến khó theo thời gian, cao nhất là tự sát. Đa số những người quản lý và người chơi đều ở độ tuổi đang đi học và đã có rất nhiều đứa trẻ đã chết khi tham gia “Thử thách cá voi xanh”…

Những bài học đau xót vì “anh hùng bàn phím”

Một trong những đối tượng bị tổn thương nhiều nhất do lực lượng “anh hùng bàn phím” trên mạng chính là các em thiếu niên. (Nguồn: TL)
(PLVN) - Trong thời đại số hóa, mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Tuy nhiên, mặt trái của không gian ảo đang lộ rõ qua vấn nạn bạo lực mạng. Những lời chỉ trích, mỉa mai, hay công kích vô căn cứ từ những “anh hùng bàn phím” không chỉ gây tổn thương mà còn để lại những hậu quả khủng khiếp đối với tâm lý, tinh thần và sức khỏe của nạn nhân, đặc biệt là các bạn trẻ.

Chữa lành tổn thương từ “không gian ảo”

Cần phải tách bản thân ra khỏi “thế giới ảo”, gần gũi với thiên nhiên, cuộc sống thực để chữa bệnh do mạng xã hội gây ra. (Ảnh minh họa - Nguồn: Trekking-Camping)
(PLVN) - Theo thống kê, có khoảng 73% người Việt Nam sử dụng Internet. Trong đó, có rất nhiều người thường xuyên dùng các tài khoản mạng xã hội. Đây là một không gian tiện lợi để mọi người trò chuyện, kết nối, nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro. Trong đó, không ít cá nhân đã bị tổn thương tâm lý từ cộng đồng “ảo” trên mạng xã hội.

Khởi công Đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành

Khởi công Đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành
(PLVN) - Ngày 14/12, tại tỉnh Bình Phước diễn ra Lễ động thổ khởi công công trình Đường cao tốc TP HCM -Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đoạn qua tỉnh Bình Phước và công bố giai đoạn 2 Khu công nghiệp Becamex Bình Phước, đồng thời khánh thành giai đoạn 1 nhà máy sản xuất lốp ô tô của Công ty TNHH HAOHUA (Việt Nam). Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự các sự kiện.

Công đoàn Việt Nam: Phấn đấu thực hiện tốt chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy

Công đoàn Việt Nam: Phấn đấu thực hiện tốt chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy
(PLVN) - Tại Hội nghị Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam lần thứ 6 (Khoá XIII) diễn ra sáng 13/12, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã phát động phong trào thi đua yêu nước tới các cấp Công đoàn, đoàn viên và công nhân, viên chức, lao động cả nước.

Dấu hiệu giúp phụ huynh nhận biết con đang sử dụng thuốc lá điện tử

Việc hút thuốc lá ở độ tuổi thanh thiếu niên gây ra nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất và sức khoẻ tâm thần.
(PLVN) - Thuốc lá điện tử ngày càng trở nên phổ biến trong giới trẻ với hình thức hiện đại và hương vị đa dạng. Tuy nhiên, đằng sau vẻ ngoài “ vô hại ” ấy lại là hàng loạt nguy cơ đối với sức khỏe thể chất và tâm thần. Ths. Bác sĩ Nguyễn Thành Long, chuyên gia tại Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) đưa ra những cảnh báo và biểu hiện giúp các bậc phụ huynh nhận biết và ngăn chặn kịp thời việc con em mình sử dụng loại sản phẩm nguy hiểm này.

Hà Nội thí điểm thực hiện vùng phát thải thấp: Giảm ô nhiễm không khí mang đến nhiều lợi ích

Quận Hoàn Kiếm dự kiến chọn khu vực không gian đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận, khu vực phố cổ để thí điểm vùng LEZ. (Ảnh minh họa: PV)
(PLVN) - Ngày 12/12, tại Kỳ họp thứ 20, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy định thực hiện vùng phát thải thấp (LEZ) trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó, từ năm 2025 đến năm 2030 sẽ thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và Ba Đình.

Cần đẩy mạnh công tác phòng, chống lao trong trại giam

Ảnh minh họa: Ngọc Nga
(PLVN) - Tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh lao của phạm nhân trong các trại giam của nước ta vẫn cao, nhận thức của phạm nhân về bệnh lao, đặc biệt là lao/HIV, lao đa kháng thuốc còn hạn chế nên nguy cơ lây nhiễm trong môi trường này rất lớn...

Bãi biển đẹp nhất Quảng Ngãi bị sạt lở, uy hiếp đường giao thông

Bãi biển đẹp nhất Quảng Ngãi bị sạt lở, uy hiếp đường giao thông
(PLVN) - Bờ biển Mỹ Khê (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) được xem là bãi biển đẹp nhất tỉnh nhưng đang bị nước biển xâm thực, sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sản xuất của người dân. Sạt lở bờ biển cũng uy hiếp các công trình hạ tầng đường giao thông, dầu khí, đồn biên phòng…