Âm nhạc rất quan trọng trong việc nuôi dưỡng tâm hồn và phát triển nhân cách của trẻ em. Vậy nhưng,lâu nay có rất ít bài hát mới dành cho thiếu nhi được phổ biến và tạo trào lưu thưởng thức.
Không khó để bắt gặp một giọng ca nhí, song ca, tam ca… biểu diễn ở các sự kiện, gameshow,với một ca khúc người lớn. Từ các ca khúc Ai chung tình được mãi, Quả phụ tướng…thậm chí là các ca khúc hot hít trên Tiktok dành cho người lớn. Trích một câu nói của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã từng phát biểu rằng: “Đừng bắt thiếu nhi hát nhạc người lớn!”.Song bên cạnh đó,cũng có không ít ý kiến trái chiều cho rằng âm nhạc thiếu nhi hiện nay “đang thiếu” do hiện số lượng nhạc sĩ quan tâm sáng tác nhạc thiếu nhi không nhiều, dẫn đến hiện tượng thiếu nhi phải “gồng gánh” hát nhạc người lớn.
Về vấn đề này, nhạc sĩ Trần Lệ Chiến- Phó Tổng Biên tập Tạp chí Âm Nhạc cho hay: "Hiện nay, nhạc thiếu nhi không thiếu, rất đa dạng, chỉ có điều là chúng ta quảng bá các tác phẩm âm nhạc thiếu nhi trên các phương tiện thông tin đại chúng như thế nào mà thôi.
Trong 3 năm COVID-19 vừa qua, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã được Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận quyền tác giả 300 ca khúc thiếu nhi. Các ca khúc đều hướng đến việc dạy con trẻ những kỹ năng sống cơ bản, cách ứng xử lễ phép qua ca từ dễ hiểu, giai điệu vui tươi, nhẹ nhàng.
Trước những bức xúc về hiện tượng thiếu vắng ca khúc tốt cho thiếu nhi, nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh (2022), hội nhạc sĩ Việt Nam đã xuất bản tuyển tập 80 ca khúc mới nhất, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hà Nội cũng xuất bản một tuyển tập ca khúc thiếu nhi. Kết quả này cho thấy số người viết không ít, bài hát không thiếu mà cái thiếu hiện nay là nơi tổ chức dàn dựng và phát sóng các bài hát thiếu nhi."
Nhạc sĩ Trần Lệ Chiến có chia sẻ rằng, tại game show thiếu nhi mà thiếu nhi hát nhạc người lớn là lỗi của chương trình. Khi đưa ra game show nào cũng phải có thể lệ, quy định và tiêu chí đánh giá, trẻ con phải hát nhạc trẻ con, với lứa tuổi để phù hợp với tâm sinh lí của trẻ.
Trẻ con có nhận thức về thẩm mĩ và mọi thứ chưa được định hình về mức độ hiểu biết, những sự tìm tòi chưa đúng với lứa tuổi của mình thì cần phải có sự giám sát và hỗ trợ của gia đình nhà trường và xã hội. Chúng ta không thể trách các em mà chúng ta phải thật sự nhìn nhận lại một cách khách quan nhất là đối với cơ quan thông tấn báo chí, thông tin đại chúng cần phải nỗ lực hơn nữa để quảng bá tuyên truyền, định hướng giáo dục thẩm mĩ đối với thiếu nhi.
Nhạc sĩ Trần Lệ Chiến cũng nói rằng, bên cạnh khuyến khích và vận động những hội viên sáng tác, cổ vũ các lực lượng trong xã hội tham gia phát triển mảng âm nhạc thiếu nhi này, tổ chức giải thưởng âm nhạc thiếu nhi, tạo sân chơi cho các nhạc sĩ đưa sáng tác mới đến với công chúng. Đồng thời, phát hiện và bồi dưỡng tài năng âm nhạc nhỏ tuổi.