Al Rihla – trái bóng đặc biệt tại World Cup 2022

Al Rihla – trái bóng đặc biệt tại World Cup 2022
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hình ảnh trái bóng Al Rihla phải cắm sạc như những chiếc điện thoại di động trước mỗi trận đấu đã gây bão cộng đồng mạng.

Với lịch sử là nhãn hàng độc quyền thiết kế bóng cho giải bóng đá lớn nhất hành tinh, 'Al Rihla' là quả bóng chính thức thứ 14 mà Adidas thiết kế trong lịch sử World Cup. Quả bóng “bay nhanh nhất” trong lịch sử giải đấu là những gì mà Adidas tuyên bố.

Trong tiếng Ả Rập, Al Rihla có nghĩa là 'chuyến hành trình'. Thiết kế của quả bóng lấy cảm hứng từ phong cách kiến trúc độc đáo của Dhow, một loại thuyền truyền thống của Ả Rập, với tông màu xanh lam, đỏ và vàng tượng trưng cho phong cảnh của Qatar.

So với các trái bóng tại các kỳ World Cup trước, Al Rihla tích hợp nhiều công nghệ hiện đại nhất hiện nay. Đây cũng là quả bóng World Cup đầu tiên được sản xuất độc quyền bằng mực và keo gốc nước, ít gây hại cho môi trường.

Trái bóng Al Rihla được cắm sạc trước mỗi trận đấu.

Trái bóng Al Rihla được cắm sạc trước mỗi trận đấu.

Mới đây, hình ảnh những trái bóng Al Rihla được cắm sạc trước mỗi trận đấu khiến cộng đồng mạng thích thú. Những trái bóng này được trang bị công nghệ cao đến mức chúng không chỉ cần được bơm đầy hơi mà còn cần sạc điện.

Theo đó, mặc dù Al Rihla do hãng Adidas sản xuất, nhưng các công nghệ bên trong quả bóng lại được thiết kế bởi KINEXON - công ty hàng đầu thế giới trong mảng theo dõi hiệu suất của một số môn thể thao. Những công nghệ này đã được phát triển và thử nghiệm trong 6 năm trước khi nhận được chứng nhận đầy đủ của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA).

Một cụm thiết bị đặc biệt được tích hợp bên trong trái bóng Al Rihla. Với trọng lượng chỉ vỏn vẹn 14 gram, các thiết bị này thực chất là cụm cảm biến riêng biệt hoạt động đồng thời.

Thiết bị đầu tiên là cảm biến băng thông siêu rộng (UWB). Nó được sử dụng để cung cấp dữ liệu vị trí chuẩn xác chưa từng có, vượt trội hoàn toàn so với Bluetooth hoặc GPS.

Cận cảnh công nghệ treo cảm biến của Adidas. (Ảnh: Adidas)

Cận cảnh công nghệ treo cảm biến của Adidas. (Ảnh: Adidas)

Số dữ liệu được thu thập sẽ được truyền theo thời gian thực để liên tục theo dõi vị trí của quả bóng trong trận đấu.

Thiết bị thứ hai là cảm biến đơn vị đo lường quán tính (IMU) - loại cảm biến dùng để phát hiện các chuyển động sắc thái của một vật thể trong không gian.

Vì vậy, bất cứ khi nào trái bóng Al Rihla được đá, đánh đầu, ném hoặc thậm chí chỉ là chạm vào, các cảm biến sẽ thu nhận và xử lý dữ liệu với tốc độ siêu nhanh nhằm bổ sung cho VAR và các chương trình đánh giá việt vị.

Mọi cảm biến bên trong bóng được cung cấp năng lượng bằng một loại pin nhỏ mà theo Adidas, nó có thể sử dụng liên tục trong 6h hoặc tối đa 18 ngày nếu không sử dụng.

Chính nhờ các cảm biến bên trong trái bóng Al Rhila, FIFA có cơ sở chắc nịch để tước bàn thắng của Cristiano Ronaldo. Trong trận đấu Bồ Đào Nha với Uruguay, nhận quả tạt từ biên của Bruno Fernandes, Cristiano Ronaldo di chuyển khôn khéo, rồi đánh đầu tung lưới thủ môn Sergio Alvarez để mở tỷ số. Đây cũng là pha lập công thứ 9 của Ronaldo ở World Cup, giúp anh san bằng kỷ lục của cựu danh thủ Eusebio trong màu áo Bồ Đào Nha.

FIFA công bố cảm biến trong tình huống tranh cãi bàn thắng của Ronaldo (Ảnh: FIFA)

FIFA công bố cảm biến trong tình huống tranh cãi bàn thắng của Ronaldo (Ảnh: FIFA)

Tuy nhiên, người hâm mộ bóng đá đã gửi bằng chứng và tranh cãi rằng Ronaldo không phải người ghi bàn. Sau khi nhận tranh cãi, FIFA đã đưa ra thông báo sau khi xác nhận từ hãng sản xuất quả bóng chính thức cho World Cup 2022: “Cảm biến IMU 500 Hz gắn bên trong quả bóng cho phép chúng tôi phân tích rất chính xác và đo được ngoại lực tác động lên quả bóng, trong khi ở tình huống (Cristiano Ronaldo) chúng tôi không đo được bất cứ cảm biến nào xảy ra”.

Như vậy, Ronaldo đã bị từ chối bàn thắng. Tất cả là nhờ công nghệ đặt bên trong trái bóng Al Rihla, ban tổ chức trận đấu xác định số 7 của Bồ Đào Nha chưa chạm được vào bóng trước khi bóng bay vào lưới Uruguay. Bruno Fernandes, tác giả của đường tạt bóng, mới là chủ nhân thực sự của bàn thắng.

Đọc thêm

Sự nghiệp dư ở V.League

CLB Sông Lam Nghệ An đang khởi đầu mùa giải rất tệ (Ảnh SLNA)
(PLVN) - Việc đến hay không đến của Công Vinh với Sông Lam Nghệ An cho thấy sự nghiệp dư của giải đấu.