Phát biểu tại Đại hội thi đua yêu nước ngành Tài chính lần thứ V (2021-2025), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, nhờ dư địa tài khóa tích lũy được trong quá trình cơ cấu lại NSNN giai đoạn 2016-2019, nên mặc dù thu NSNN năm 2020 gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn cân đối được đủ nguồn ngân sách để kịp thời triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid 19 và các nhiệm vụ cấp bách phát sinh do thiên tai, dịch bệnh...
Tính đến hết tháng 10/2020, đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, phí, giảm tiền thuê đất gần 100 nghìn tỷ đồng cho 128.619 doanh nghiệp và 56.268 hộ, cá nhân kinh doanh; chi khoảng 17,8 nghìn tỷ đồng cho mua sắm vật tư, thiết bị y tế, thực hiện chế độ đặc thù cho các lực lượng y tế, quân đội, công an tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ cho gần 12,8 triệu đối tượng bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; chi thực hiện phòng, chống dịch tả lợn châu Phi là 10.068 tỷ đồng; trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ 5.795 tỷ đồng. Đồng thời, tính chung 5 năm, về cơ bản chúng ta đã hoàn thành và hoàn thành vượt mục tiêu các nhiệm vụ đề ra.
Điểm lại kết quả thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN trong giai đoạn vừa qua, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, tổng thu NSNN 5 năm đạt khoảng 6,7 triệu tỷ đồng, gấp 1,58 lần so với giai đoạn 2011-2015; bình quân đạt khoảng 24,5%GDP (giai đoạn 2011-2015 là 23,6%GDP), vượt mục tiêu đề ra là 23,5%GDP. Tỷ lệ thu từ thuế, phí khoảng 20,4%GDP.
“Đây là kết quả tích cực khi mà tỷ trọng thu NSNN từ dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu giảm mạnh, đồng thời giảm các nghĩa vụ thu thuế thu nhập doanh nghiệp nhanh hơn so với lộ trình, tăng mức chiết trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân, xóa bỏ khoảng 340 khoản phí, lệ phí...” - Bộ trưởng đánh giá.
Cùng với đó, cơ cấu thu NSNN chuyển biến tích cực, đến năm 2020, tỷ trọng thu nội địa dự kiến đạt trên 84% tổng thu NSNN, đạt kế hoạch đề ra là 84-85%; tính chung cả giai đoạn 2016-2020, tỷ trọng thu nội địa khoảng 81,6% (giai đoạn 2011-2015 là 68,7%), tỷ trọng thu cân đối xuất nhập khẩu và dầu thô giảm mạnh, bình quân khoảng 17,8% (giai đoạn 2011-2015 là 30%).
Theo phân cấp, thu ngân sách địa phương (NSĐP) có xu hướng tăng dần, quy mô thu giai đoạn 2016-2020 gấp khoảng 1,87 lần giai đoạn 2011-2015 (cao hơn mức tăng thu NSNN chung là khoảng 1,58 lần), tăng tính chủ động cho địa phương”,
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, ngành Tài chính đã có nhiều đổi mới trong quản lý chi ngân sách, triển khai kế hoạch tài chính trung hạn; đẩy mạnh khoán chi, đấu thầu, đặt hàng; tăng cường phân cấp, trao quyền tự chủ; thực hiện cơ chế tài chính đặc thù đối với các thành phố lớn; siết chặt kỷ luật tài chính – ngân sách...
Minh chứng là tổng chi NSNN 5 năm 2016-2020 ước đạt khoảng 7,5 triệu tỷ đồng, bình quân khoảng 27,5%GDP, trong phạm vi thu và giảm dần mức bội chi NSNN (giai đoạn 2011-2015 là 29,5%GDP).
Bước đầu cơ cấu lại chi NSNN theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 25 của Quốc hội, trong đó ưu tiên nguồn lực tăng chi đầu tư ngay từ khâu dự toán; tỷ trọng chi đầu tư phát triển thực hiện đạt 27-28% tổng chi NSNN (mục tiêu là 25-26%); giảm tỷ trọng dự toán chi thường xuyên xuống mức 64% năm 2020 (loại trừ chi tạo nguồn cải cách tiền lương, thì giảm còn 60,5%), trong khi vẫn bảo đảm kinh phí thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, điều chỉnh tăng lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp người có công khoảng 7%/năm; đảm bảo quốc phòng, an ninh trong tình hình mới...
Cùng với đó, bội chi NSNN đã được kiểm soát chặt chẽ; bình quân các năm 2016-2019 ở mức 3,5%GDP, trong đó, các năm 2017-2019 bội chi còn 2,95%GDP, giảm mạnh so với giai đoạn 2011-2015 là 5,4%GDP.
Năm 2020, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, dự kiến bội chi NSNN bằng 4,99%GDP. Tính chung cả giai đoạn 2016-2020, bội chi khoảng 3,8%GDP, đạt mục tiêu dưới 3,9%GDP theo Nghị quyết 25 của Quốc hội.
Nhờ kiểm soát tốt bội chi ngân sách, các khoản vay và bảo lãnh của Chính phủ, kết hợp với việc cơ cấu lại mạnh mẽ, nên nợ công cuối năm 2020 khoảng 57,4%GDP, giảm mạnh so với mức 63,7%GDP cuối năm 2016, trong giới hạn an toàn; kỳ hạn phát hành TPCP bình quân 10 tháng đầu năm 2020 là 13,66 năm (năm 2016 là 8,7 năm), lãi suất phát hành bình quân là 2,92%/năm (năm 2016 là 6,49%)...