Cả nước hiện có 4.575 làng nghề, trong đó, có 1.324 làng nghề được công nhận và 3.221 làng có nghề. Các loại hình sản xuất của làng nghề rất đa dạng, trong đó loại hình: thủ công mỹ nghệ chiếm 37%; chế biến lương thực, thực phẩm 24%; dệt, nhuộm, thuộc da chiếm 5%; gia công cơ khí 4%; sản xuất vật liệu xây dựng 3%; giết mổ gia súc 1%; còn lại 26% là các loại hình làng nghề khác.
Tạo việc làm cho hơn 11 triệu lao động
Các loại hình làng nghề ở miền Bắc chiếm khoảng 60% số làng nghề cả nước, tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Hồng, nhiều nhất là Hà Nội, Hà Nam, Nghệ An, Ninh Bình, Phú Thọ,… và Bắc Giang. Hoạt động sản xuất tại số làng nghề của cả nước đã tạo ra việc làm cho hơn 11 triệu lao động, thu hút khoảng 30% lực lượng lao động nông thôn, đặc biệt (ở Hà Tây cũ) có những địa phương đã thu hút được hơn 60% lao động của cả làng.
Cần phải quy hoạch làng nghề chăn nuôi ra khỏi khu dân cư và có biện pháp xử lý các loại chất thải để bảo vệ môi trường |
Việc phát triển kinh tế làng nghề đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, góp phần cơ cấu chuyển dịch kinh tế nông thôn. Thống kê tại một số làng có nghề cho thấy, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ đạt 60 – 80%; nông nghiệp chiếm 20 – 40%.
Đối mặt với các chất độc hại
Tuy nhiên, ô nhiễm chất hữu cơ tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ đang tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh rất cao. Bởi, nước thải từ khâu giết mổ gia súc, lọc, tách bã, tách bột đen của quá trình sản xuất tinh bột từ sắn, dong giềng có độ chua (pH) thấp, hàm lượng nhu cầu ô xy sinh hóa (BOD5) và nhu cầu ô xy hóa học (COD) vượt trên 200 lần quy chuẩn cho phép.
Các làng nghề mạ, tái chế kim loại thải ra nước thải có dầu thải và kim loại nặng độc hại và muối thủy ngân xyanua, oxit kim loại và các tạp chất khác vượt quá quy chuẩn Việt Nam từ 1,5 – 10 lần. |
Đối với các làng nghề dệt nhuộm, thủ công mỹ nghệ và mây tre đan, tái chế giấy, làm vàng mả, thì nước thải có hàm lượng cặn lớn và chứa nhiều chất ô nhiễm từ dung môi, dư lượng trong quá trình nhuộm, đánh bóng chứa nhiều hóa chất có độ màu lên tới 13.000 đơn vị Platinum – Cobalt (Pt-Co).
Còn tại các làng nghề mạ, tái chế kim loại thải ra nước thải có dầu thải và kim loại nặng độc hại và muối thủy ngân xyanua, oxit kim loại và các tạp chất khác vượt quá quy chuẩn Việt Nam từ 1,5 – 10 lần. Hàm lượng bụi ở khu vực sản xuất vật liệu xây dựng tại một số làng nghề vượt quy chuẩn cho phép từ 3 – 8 lần, hàm lượng sunphuarơ (SO2) có nơi vượt 6,5 lần.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT), đặc biệt là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường tương đối đầy đủ nhưng nhiều quy định thiếu tính khả thi đối với làng nghề; việc tổ chức thực hiện pháp luật của chính quyền địa phương các cấp có nhiều hạn chế; ý thức chấp hành pháp luật về BVMT của một số chính quyền các cấp, các cơ sở, các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại làng nghề chưa cao… (Trích Báo cáo kết quả giám của UBTVQH) |
Tuy nhiên, hiện trạng ô nhiễm môi trường làng nghề Việt Nam đang là thách thức lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Theo khảo sát của Tổng Cục môi trường tại 52 làng nghề cho thấy, có 46% làng nghề bị ô nhiễm nặng, 27% bị ô nhiễm vừa và 27% bị ô nhiễm nhẹ.
Vì vậy, các loại bệnh tật đang có nguy cơ đe dọa đến đời sống, sức khỏe của nhân dân khu vực làng nghề. Tính riêng tại các làng nghề sản xuất, chế biến kim loại, tỷ lệ người mắc các bệnh liên quan đến thần kinh, hô hấp, ngoài da, điếc và ung thư chiếm 60% dân số.
Còn tại các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, số người mắc bệnh về đường tiêu hóa chiếm 8 – 30%; bệnh viêm da 4,5 – 23%; bệnh về đường hô hấp 6 – 18%; bệnh dâu mắt chiếm 9 – 15%; đặc biệt đối với phụ nữ, bệnh phụ khoa chiếm 13 – 38%.
Một số đại biểu Quốc hội tại buổi thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các làng nghề, nhận định: Hiện tượng 46% làng nghề ở nước ta đang bị ô nhiễm nặng, một mặt, do cơ chế chính sách về môi trường làng nghề chưa thực sự phù hợp, các đề án xử lý môi trường làng nghề thường phân tán, thiếu trọng tâm, trọng điểm, chậm triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện. Mặt khác, ở đa số làng nghề, tình trạng thiếu vốn, công nghệ sản xuất thủ công, lạc hậu, tiêu tốn nhiều sức lao động, năng lượng, nhưng người lao động lại phải làm việc trong mặt bằng sản xuất chật hẹp; cơ sở sản xuất nằm ngay trong khu dân cư, thậm chí là chung với nhà ở, hạ tầng yếu kém này lại không có hệ thống thoát nước và xử lý nước thải. Do vậy, nguy cơ ô nhiễm môi trường gây ra một số loại bệnh tật nguy hại cho nhân dân làng nghề là hiện tượng đáng được cảnh báo. |
Trọng Hùng