Sáng 5/12, Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam - VDPF 2015 với chủ đề “Hướng tới cạnh tranh, tăng trưởng toàn diện và bền vững” khai mạc tại Hà Nội.
Phát biểu tại Diễn đàn, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao quan hệ hợp tác hiệu quả giữa Chính phủ và các đối tác phát triển, đồng thời vui mừng thấy rằng nhiều khuyến nghị của VDPF 2013 và 2014 đã được cụ thể hóa thành những hành động cụ thể trên thực tế và đạt được những kết quả tích cực.
Thủ tướng cám ơn các ý kiến phát biểu góp ý rất thiện chí, xây dựng của các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế, hoan nghênh chủ đề của Diễn đàn 2015 là một nội dung phù hợp với trọng tâm chính sách của Việt Nam thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết 5 năm qua (2011-2015), bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của toàn dân cùng với sự ủng hộ, hợp tác, hỗ trợ hiệu quả của bạn bè và cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Nhận thức rõ khó khăn
Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đạt được, Việt Nam cũng nghiêm túc thấy còn nhiều hạn chế, khó khăn, yếu kém. Những hạn chế, yếu kém này cũng đã được các đại biểu tại Diễn đàn đề cập; Chính phủ Việt Nam cũng đã báo cáo trước Quốc hội và nhân dân.
Trong 5 năm tới (2016-2020), bên cạnh thời cơ, thuận lợi, Việt Nam cũng phải nỗ lực để vượt qua những khó khăn thách thức không nhỏ.
“Chúng tôi nhận thức rõ rằng, những bước phát triển sắp tới của chúng tôi có nhiều thời cơ thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt và vượt qua không ít khó khăn, thách thức”, Thủ tướng nói.
Cụ thể, về khách quan, đó là sự phục hồi chậm và còn nhiều khó khăn của kinh tế thế giới. Tình hình diễn biến phức tạp, căng thẳng, rất khó lường ở khu vực và trên thế giới. Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng, một mặt đem lại thời cơ thuận lợi cho đất nước phát triển nhưng mặt khác, Việt Nam cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh rất quyết liệt, gay gắt trong khi đó kinh tế phát triển chưa thật bền vững, sức cạnh tranh của nền kinh tế, năng suất lao động còn chưa cao.
Các yêu cầu phát triển rất còn rất lớn, nhất là yêu cầu phát triển hạ tầng, đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống của người dân, yêu cầu về phát triển giáo dục, y tế, bảo đảm quốc phòng-an ninh ngày càng lớn trong khi nguồn lực của Việt Nam còn hạn chế; thêm vào đó là những hạn chế về quản trị của Nhà nước đối với nền kinh tế; những hạn chế về cơ cấu kinh tế, về thể chế luật pháp, cơ chế chính sách vẫn chưa đáp ứng kịp với yêu cầu cho sự phát triển và hội nhập quốc tế.
“Đây là những khó khăn thách thức rất lớn và chúng tôi đã nhận thức điều này một cách sâu sắc. Chúng tôi không chủ quan, thoả mãn với những kết quả đạt được. Chúng tôi sẽ quyết tâm vượt lên và rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của tất cả quý vị và các bạn. Việt Nam luôn sẵn sàng đối thoại với các bạn một cách thiện chí và chân thành”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Phát triển với 4 trụ cột và thực hiện 3 đột phá chiến lược
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, mục tiêu phát triển 5 năm tới (2016-2020) của Việt Nam là phải phát triển nhanh hơn, bền vững hơn 5 năm trước (2011-2015) với 4 trụ cột.
Trước hết là tăng trưởng kinh tế phải cao hơn, bền vững hơn. Nếu như giai đoạn 5 năm (2011-2015) tăng trưởng bình quân gần 6%/năm thì mục tiêu 5 năm tới (2016-2020) Việt Nam đưa ra là từ 6,5%-7%/năm trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định.
Trụ cột thứ hai là cùng với tăng trưởng kinh tế phải phát triển văn hoá, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, từng bước nâng cao phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống người dân, lấy con người là mục tiêu, là trung tâm của sự phát triển.
Trụ cột thứ ba là bảo vệ và cải thiện môi trường sống mà Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế và đã, đang triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này.
Trụ cột thứ tư là phải bảo đảm môi trường hoà bình, ổn định, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Đồng thời, Việt Nam nhất quán thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược. Thứ nhất là tiếp tục hoàn thiện thể chế, đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường và thể chế xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tất cả mọi quyền lực của Nhà nước thuộc về nhân dân.
Đột phá thứ hai là phát triển giáo dục-đào tạo, nhất là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao theo yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế, gắn với ứng dụng khoa học-kỹ thuật tiên tiến, hiện đại.
Đột phá thứ ba là có chính sách phù hợp trong huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực của xã hội, của tư nhân, nguồn lực trong nước và ngoài nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, tiên tiến, hiện đại.
Triển khai 5 nhóm giải pháp
Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, Việt Nam xác định và sẽ triển khai thực hiện hiệu quả một số nhóm giải pháp lớn.
Trước hết, tiếp tục tập trung, bảo đảm tăng trưởng, đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm vững chắc hơn các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thực hiện quyết liệt, hiệu quả tái cơ cấu trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong đó tập trung mạnh vào tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước với nội dung trọng tâm là cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp nhà nước, đặt doanh nghiệp nhà nước hoạt động thật sự cạnh tranh, bình đẳng trong cơ chế thị trường; thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, thị trường tài chính, thị trường vốn phát triển bền vững, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế.
Chú trọng tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; giữ bội chi ngân sách giai đoạn 2016-2020 trung bình dưới 4% năm theo Luật Ngân sách mới; bảo đảm an ninh tài chính, an toàn nợ công, bảo đảm an toàn quỹ bảo hiểm xã hội.
Nhóm giải pháp thứ 2 là tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Thực hiện đầy đủ hơn, hiện đại hơn, hiệu quả hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế về thể chế kinh tế thị trường; thực hiện tạo lập và phát triển các định chế của kinh tế thị trường để vận hành hiệu quả, đồng bộ trong đó có thị trường đất đai, thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ và các loại thị trường khác. Ưu tiên phát triển kinh tế tư nhân.
Nhóm giải pháp thứ ba là chủ động hội nhập quốc tế, trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam hiện có 14 hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương (đã và sắp có hiệu lực) với 55 quốc gia có nền kinh tế phát triển, trong đó có 15 nước G20. Việt Nam có quan hệ thương mại với hầu hết các quốc gia trên thế giới, và đã có hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư vào Việt Nam.
Nhóm giải pháp thứ tư là cùng với phát triển kinh tế, tiếp tục tập trung phát triển văn hoá, bảo đảm tốt hơn tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, cải thiện tốt hơn đời sống người dân, nhất là người dân sống ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, không để khoảng cách phát triển quá xa trong cộng đồng các tầng lớp nhân dân. Việt Nam coi phát triển con người, lấy lợi ích của người dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là trung tâm của sự phát triển. Nâng cao công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, bảo vệ môi trường và ứng dụng khoa học kỹ thuật.
Nhóm giải pháp thứ năm là tiếp tục nâng cao năng lực quản trị quốc gia, quản trị nền kinh tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền, tập trung hoàn thiện thể chế luật pháp bảo đảm quyền dân chủ tự do, quyền sở hữu của người dân, quyền con người, quyền công dân mà Hiến pháp 2013 đã hiến định. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống quản lý hành chính Nhà nước. Tăng cường năng lực giải đáp, giải trình, đối thoại với người dân, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Tập trung cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cho công dân và các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các nhà đầu tư nước ngoài và bạn bè quốc tế đến làm ăn, sinh sống tại Việt Nam.
Việt Nam luôn nhất quán thực hiện chính sách đối ngoại hoà bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển bình đẳng cùng có lợi với tất cả các quốc gia, dân tộc. Việt Nam luôn mong muốn là bạn, là đối tác tin cậy của các quốc gia, dân tộc trên thế giới, của các đối tác phát triển.
“Chúng tôi chân thành cảm ơn sự giúp đỡ hiệu quả của các đối tác phát triển, các quốc gia đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ, hợp tác của tất cả các bạn”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ.