TP Hồ Chí Minh dự báo tăng trưởng âm
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển Kinh tế xã hội và đầu tư công năm 2022 Vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chiều 15/9, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông đã nhấn mạnh, các tỉnh, thành phố của Vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng, thu ngân sách, xuất nhập khẩu của cả nước.
“Tuy nhiên, các tỉnh, thành phố phía Nam triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2021 trong điều kiện có thể nói bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cả nước, dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, thời gian giãn cách dài đã gây rất nhiều khó khăn cho mọi hoạt động của đời sống nhân dân, đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ của vùng Đông Nam Bộ và lĩnh vực nông nghiệp của vùng ĐBSCL, đã làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 02 vùng…” - Thứ trưởng lưu ý.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến với các tình Đông Nam bộ và ĐBSCL |
Dự báo khả năng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của vùng Đông Nam Bộ, Bộ KH&ĐT cho biết, trong 12 chỉ tiêu có 5 chỉ tiêu năm nay không đạt được, trong đó có chỉ tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước GRDP thậm chí tăng trưởng âm (-0,13%). “Đóng góp” cho kết quả tăng trưởng âm nhiều nhất là TP Hồ Chí Minh và Bình Dương- 02 trung tâm sản xuất lớn của vùng và cả nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết dịch bệnh COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh. “Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ước tính lần 1 giảm 2,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 1,39%) và không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2021 là 6%)” - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Giải ngân đầu tư công đứng “đội sổ”
Báo cáo của Bộ KH&ĐT cũng cho biết, công tác giải ngân trong 8 tháng năm 2021 của vùng Đông Nam Bộ thấp hơn mức bình quân chung của cả nước là 40,6% và thấp hơn mức bình quân chung của khối địa phương là 42,92%. Trong đó TP Hồ Chí Minh giải ngân thấp nhất, mới đạt 24,5%.
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, ông Võ Văn Hoan phát biểu tại Hội nghị |
Tại Hội nghị, lãnh đạo UBND TP Hò Chí Minh cho biết, tính đến hết ngày 10/9/2021, tỷ lệ giải ngân đã đạt là 31% tổng kế hoạch đã giao, tuy nhiên vẫn chưa đạt được yêu cầu của Chính phủ, của Lãnh đạo thành phố (đạt 60% tổng kế hoạch vốn giao đến 30/9/2021)
Phân tích nguyên nhân chậm giải ngân vón đầu tư công, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, ông Võ Văn Hoan cho rằng có 2 vướng mắc lớn nhiều năm nay liên quan đến thủ tục đầu tư, thủ tịch giải ngân, riêng năm nay lại thêm nguyên nhân dịch COVID-19.
Do đó, đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công, TP Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ KH&ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ với diễn biến của tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố phức tạp như hiện nay, trước mắt để tập trung cho công tác triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố đạt hiệu quả; kiến nghị cho phép Thành phố không áp dụng việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 60% đến ngày 30/9/2021 và đạt 95%-100% đến hết niên độ kế hoạch năm 2021 để làm cơ sở đánh giá việc quản lý điều hành, thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 của TP Hồ Chí Minh theo mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ, không điều chuyển hoặc cắt giảm các nguồn vốn Ngân sách TW đã phân bổ cho Thành phố.
”Thành phố sẽ tiếp tục nỗ lực trong việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công vào các năm tiếp theo, phấn đấu đạt các mục tiêu đã đề ra theo đúng quy định...” - Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cam kết.
Giải pháp nào?
Trước những khó khăn chưa có tiền lệ, tại Hội nghị, lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị 4 giải pháp:
Thứ nhất, đề nghị Chính phủ thành lập tổ công tác đặc biệt về phục hồi kinh tế sau đại dịch để đề ra những quyết sách tổng hợp mang tầm quốc gia. “Quá trình phục hồi cần nguồn lực rất lớn, từng địa phương sẽ không thể tự làm. Chúng tôi ước tính riêng TP Hồ Chí Minh cần khoảng 8 tỷ USD và 6-9 tháng để phục hồi kinh tế”, ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
Thứ hai, kiến nghị Bộ KH&ĐT tham mưu Chính phủ sớm thông qua đề án điều tiết ngân sách cho TP Hồ Chí Minh ngay trong năm 2022 ở mức 22% thay vì 18% như hiện nay. “Thực ra đề xuất này trước đây TW đã cho triển khai nhưng do dịch bệnh nên chậm, Phần để lại sẽ ưu tiên cho công tác phục hồi, có phục hồi thì mới có đong góp cho trung ương…”- Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh thuyết phục.
Thứ ba, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư trong y tế, giáo dục… thông qua việc cho phép TP Hồ Chí Minh thí điểm việc đấu giá cho đất công đã có quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội để có thêm nguồn lực đầu tư cho công tác phòng chống dịch.
Thứ tư, ưu tiên bố trí vốn trung ương cho 3 dự án trọng điểm mà TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị.
Xác định nhiệm vụ trọng tâm của TP Hồ Chí Minh trong năm 2022 là triển khai hiệu quả phòng chống, dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế; Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cho biết, TP Hồ Chí Minh đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế tại Quyết định số 3204/QĐ-UBND ngày 01/9/2021 nhằm xây dựng các kịch bản và giải pháp cho công tác phòng chống dịch, công tác an sinh xã hội, giải pháp phục hồi kinh tế và thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư.
Trong các nhóm giải pháp, TP Hồ Chí Minh xác định nguyên tắc quan trọng nhất là mở cửa an toàn từng bước tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh kế của người dân TP Hồ Chí Minh trên nguyên tắc “đảm bảo an toàn mới cho mở lại và cho mở lại phải đảm bảo an toàn”. Quá trình phục hồi kinh tế theo hướng dần thích nghi với trạng thái dịch bệnh với thông điệp “Sống khỏe trong môi trường có dịch”.
Trong trung hạn, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cho biết, TP Hồ Chí Minh đang rà soát kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và xây dựng các kịch bản phù hợp.
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"