Ngày 6/10/2022, Trung ương đã có quyết định cấp đổi bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Cao Á. |
“Mất người, mất hồ sơ, mất luôn cả mồ chôn”
Cách đây 33 năm, gia đình cụ Cao Mạn (SN 1929) di cư từ huyện miền núi Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình vào lập nghiệp, xây dựng kinh tế mới tại xã Đạ Ploa (huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng). Trong hành lý mang theo, có tấm bằng Tổ quốc ghi công luôn được nâng niu.
Tấm bằng Tổ quốc ghi công là của anh trai cụ Mạn - liệt sĩ Cao Á (SN 1926, quê thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) tham gia kháng chiến chống Pháp năm 1947, thuộc Đại đội 7 Quảng Bình. Tháng 1/1949 người lính trẻ hy sinh trong một trận đánh, được đơn vị và gia đình an táng tại quê nhà. “Ngày 1/1/1956 anh trai tôi được Bộ Quốc phòng cấp bằng Tổ quốc ghi công, ngày 6/3/1958 được Nhà nước truy tặng Huy chương chiến thắng hạng Nhất, đều do Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký, cấp”, cụ Mạn kể.
Năm 1989, gia đình cụ Mạn chuyển vào Lâm Đồng xây dựng kinh tế mới. Mãi đến 1997, gia đình cụ mới hay Chính phủ có Nghị định 28/CP ngày 29/4/1995 quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ. Theo đó, những bằng Tổ quốc ghi công do Bộ trưởng Quốc phòng ký phải cấp đổi sang bằng Tổ quốc ghi công do Thủ tướng ký. Hành trình cũng bắt đầu từ đây.
Tháng 4/1997, con trai cụ Mạn là ông Cao Thanh Sơn cùng cha ra Quảng Bình làm thủ tục cấp đổi bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Cao Á. Hồ sơ được nộp lên UBND thị trấn Quy Đạt rồi chuyển đến UBND Quảng Bình. “Nộp đơn xong, chúng tôi phải vào lại Lâm Đồng chăm lo vườn tược. Năm 2000, tiếp tục về Quảng Bình, mới biết rằng hồ sơ bị trả lại do không có hồ sơ gốc lưu để đối chiếu”, ông Sơn nhớ lại.
Mỗi bữa cơm, nhìn người cha bỏ dở bát đũa vì buồn bã chuyện chưa thể cấp đổi tấm bằng Tổ quốc ghi công cho gia đình, ông Sơn lại quyết tâm. Năm 2005, mang theo tấm bằng Tổ quốc ghi công, ông lại ngược ra miền Trung. Lần này ông được Ban chính sách thị trấn Quy Đạt hướng dẫn làm lại hồ sơ hoàn chỉnh.
Nhưng chờ mãi không thấy hồi âm, 4 năm sau quay ra Quảng Bình hỏi, mới hay hồ sơ bị thất lạc. Ông làm đơn lên Sở LĐ-TB&XH thì được trả lời không có hồ sơ gốc của liệt sĩ Cao Á; sang Tỉnh đội Quảng Bình nhờ lục tìm cũng không có hồ sơ lưu, được hướng dẫn về Huyện đội Minh Hóa tìm hỏi.
Trên đường từ TP Đồng Hới (Quảng Bình) lên huyện Minh Hóa, ông Sơn loé lên hy vọng khi sực nhớ bác ruột cùng 3 liệt sĩ khác được di dời từ nghĩa trang Quy Đạt về nghĩa trang Đồng Lê, huyện Tuyên Hoá từ 1990. Ông vào nghĩa trang Đồng Lê tìm kiếm từng ngôi mộ, nhờ cán bộ quản lý nghĩa trang dò tìm danh sách nhưng đều không thấy tên liệt sĩ Cao Á. Thất vọng nối tiếp thất vọng, người đàn ông chỉ biết quỳ gối ôm mặt khóc. “Gia đình tôi mất người, mất hồ sơ, mất luôn cả mồ chôn, vậy mà cấp đổi lại tấm bằng cho đúng quy định hiện hành lại gian nan đến vậy”, ông kể lại.
Tới huyện Minh Hóa, các cán bộ đưa ra giả thiết liệt sĩ Cao Á hy sinh khi chưa lập gia đình, bố mẹ đều đã mất, theo quy định lúc đó không có người hưởng tiền tuất, có thể vì vậy mà hồ sơ không chuyển về địa phương. Từ suy đoán này, ông Sơn làm đơn gửi đến Bộ Quốc phòng và Quân khu 4, các cơ quan Trung ương.
Cụ Mạn và con trai Cao Thanh Sơn hạnh phúc khi tâm nguyện chính đáng của gia đình thành hiện thực. |
Ông Sơn bên chồng thư gửi cơ quan chức năng suốt 25 năm. |
Sự đồng hành của Đoàn ĐBQH Lâm Đồng
Nhưng những lá đơn gửi đi chờ mãi không có hồi âm. Trong lúc bế tắc ấy, năm 2012, tia hy vọng lại lóe lên khi Đoàn ĐBQH Lâm Đồng về tiếp xúc cử tri khu vực xã Đoàn Kết (huyện Đạ Huoai). Cụ Mạn lúc này đã 82 tuổi vẫn cố gắng tìm gặp các ĐBQH trình bày sự việc. Sau đó Đoàn ĐBQH có nhiều văn bản gửi Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH, cơ quan trung ương đề nghị xem xét, giải quyết đơn của cụ Mạn. Đã bắt đầu có những văn bản trả lời qua lại giữa các cơ quan chức năng.
Kỳ tiếp xúc cử tri năm 2013 của Đoàn ĐBQH Lâm Đồng, cụ Mạn tiếp tục kiến nghị vướng mắc sự việc. Đoàn ĐBQH tiếp tục phản ánh đến các cơ quan chức năng, đưa sự việc ra diễn đàn Quốc hội.
Trong hai năm 2018, 2019, sau khi có phản hồi từ Bộ LĐ-TB&XH, ông Sơn lặn lội ra tận Hà Nội, đến Cục Người có công hỏi về thủ tục làm lại hồ sơ cấp đổi bằng Tổ quốc ghi công. “Tôi lại được hướng dẫn về Quảng Bình, rồi cũng đến các cơ quan trước đây như Tỉnh đội, Huyện đội Minh Hóa, thị trấn Quy Đạt hoàn thiện hồ sơ. Nộp hồ sơ xong tôi vào lại Lâm Đồng chờ đợi, tới 2021 nhận được tin hồ sơ lại bị thất lạc”, ông Sơn kể.
Tại lần tiếp xúc cử tri tháng 3/2022, cụ Mạn tiếp tục trình bày sự việc với Đoàn ĐBQH Lâm Đồng. Trong một văn bản gửi Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Quốc phòng do ông Nguyễn Tạo, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, ký, có đoạn: “Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tiếp tục nhận được đơn của cử tri Cao Mạn. Vụ việc này Đoàn ĐBQH tỉnh từ khoá XII nhiều lần chuyển đơn, chất vấn đến các cơ quan Trung ương và địa phương. Vụ việc đã được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH quan tâm chỉ đạo nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm… Đây là vụ việc đã kéo dài gần 10 năm, cử tri đã cao tuổi, đảng viên 70 năm tuổi Đảng. Do vậy, Đoàn ĐBQH khoá XV tỉnh Lâm Đồng đề nghị đồng chí Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét giải quyết dứt điểm”.
Đoàn ĐBQH Lâm Đồng khoá XV cũng gửi công văn đến Ban Dân nguyện Quốc hội đề nghị xem xét giải quyết sự việc. Ngày 22/7/2022, Ban Dân nguyện Quốc hội có Văn bản 663/BDN gửi Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề nghị xem xét chỉ đạo giải quyết đơn thư của cụ Mạn, nêu rõ, gia đình cụ Mạn đã hơn 20 năm gửi nhiều lần đơn đến cơ quan chức năng đề nghị cấp đổi bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Cao Á nhưng vẫn chưa được cơ quan thẩm quyền xem xét, giải quyết dứt điểm.
Sau nhiều nỗ lực của gia đình và Đoàn ĐBQH Lâm Đồng, tin vui “bay” đến đến với gia đình cụ Mạn đúng dịp Tết Quý Mão 2023. Ngày 6/10/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định cấp đổi bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Cao Á.
Cụ Mạn chia sẻ, gia đình xin cấp đổi bằng Tổ quốc ghi công không phải vì để hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ bởi suốt 25 năm qua, chi phí, công sức ra vào Lâm Đồng - Quảng Bình - Hà Nội không biết bao nhiêu mà kể. “Bố tôi hàng chục năm qua luôn đau đáu phải cấp đổi được bằng Tổ quốc ghi công cho anh trai, như vậy thì bác tôi mới được công nhận liệt sĩ. Nếu không thực hiện được thì bố tôi chết không nhắm mắt, bởi vậy bằng mọi cách tôi phải thực hiện tâm nguyện đó”, ông Sơn nói.
“Tôi vui lắm, cuối cùng anh trai tôi đã được cấp bằng Tổ quốc ghi công theo quy định mới. Đó là sinh mạng, xương máu, danh dự của gia đình tôi”, cụ Mạn nói.
Lá thư gia đình cụ Mạn cảm ơn Đoàn ĐBQH Lâm Đồng. |
Tổng kết lại quá trình giúp đỡ, đồng hành của Đoàn ĐBQH Lâm Đồng, trong thư cảm ơn gửi Đoàn ĐBQH Lâm Đồng ngày 17/11/2022, cụ Mạn viết: “Từ tháng 10/2012, thông qua các đợt tiếp xúc cử tri tại huyện Đạ Huoai, tiếp thu ý kiến của gia đình chúng tôi, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng khoá XIII, XIV và nhất là Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng khoá XV đã có nhiều kiến nghị, đề nghị thiết thực lên các cơ quan chức năng từ Quảng Bình, Quân khu 4, Bộ Quốc phòng, Bộ LĐ-TB&XH, Ban Dân nguyện của Quốc hội; được Bộ LĐ-TB&XH xử lý, giải quyết; chúng tôi đã được UBND xã Đạ Ploa, Phòng LĐ-TB&XH huyện Đạ Huoai, Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng hướng dẫn lập hồ sơ cấp đổi bằng Tổ quốc ghi công”.
“Đây thực sự là niềm vui, niềm tự hào của gia đình chúng tôi và cũng là niềm an ủi cho tuổi già của tôi. Chúng tôi đã được sự đồng hành của quý Đoàn trong suốt hơn 10 năm qua với một tinh thần trách nhiệm cao nhất trước cử tri, hướng dẫn, động viên, giúp đỡ để cùng cử tri đi đến kết quả cuối cùng. Chúng tôi xin gửi đến quý Đoàn sự biết ơn sâu sắc”, bức thư có đoạn viết.