Theo dự thảo, phạm vi áp dụng của Nghị định này là trình tự thủ tục lập hồ sơ, xem xét, quyết định áp dụng BPXLHC; trình tự thủ tục lập hồ sơ, xem xét, quyết định chuyển sang áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình đối với người chưa thành niên; thi hành quyết định áp dụng BPXLHC và quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình.
Bộ Tư pháp cho biết, so với các quy định hiện hành, dự thảo đã có nhiều điểm mới để phù hợp với thực tiễn và với Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Cụ thể, dự thảo sẽ làm rõ hơn về nội dung quy định “2 lần trở lên trong 6 tháng” là điều kiện áp dụng BPXLHC; bổ sung quy định áp dụng BPXLHC đối với 2 trường hợp sau:
Thứ nhất, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đã hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 6 tháng về một trong các hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép mà không phải là tội phạm;
Thứ hai, người từ đủ 18 tuổi trở lên đã hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 6 tháng về một trong các hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép, hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình mà không phải là tội phạm; bỏ đối tượng là người nghiện ma túy và bổ sung đối tượng là người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
Cùng với đó, một số quy định về thẩm quyền quyết định áp dụng BPXLHC; điều kiện chuyển sang áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình cũng được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với Luật số 67/2020/QH14 (bổ sung thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã nơi phát hiện người từ đủ 18 tuổi trở lên không có nơi cư trú ổn định có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy lần thứ ba; bổ sung đối tượng được xem xét, quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi sử dụng trái phép chất ma túy).
Dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định về “Người được giao quyền đứng đầu hoặc phụ trách UBND cấp xã có thẩm quyền áp dụng BPXLHC như Chủ tịch UBND xã” (khoản 3 Điều 6 dự thảo Nghị định) để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong những trường hợp xã, phường, thị trấn chưa kịp bổ sung chức danh Chủ tịch UBND với các lý do như: nghỉ hưu, thôi việc, được điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức hoặc tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật; chết; bị Tòa tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích; bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử…
Dự thảo Nghị định quy định các nội dung về việc sửa đổi, bổ sung, đính chính, hủy bỏ và ban hành mới quyết định áp dụng BPXLHC và quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình.