Lễ hội năm nay có chủ đề “Cây dừa trên đường hội nhập và phát triển bền vững”, dự kiến tổ chức trong 7 ngày, từ 14 đến 20-11 tại thành phố Bến Tre. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập cho biết, thông qua lễ hội, tỉnh Bến Tre mong muốn đạt được mục đích tăng cường quảng bá, giới thiệu ngành dừa, sản phẩm dừa Bến Tre nói riêng và của Việt Nam nói chung với du khách trong nước và quốc tế; tạo cơ hội để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm dừa giữa các nông dân, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, từng bước nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm dừa Bến Tre và Việt Nam.
Điểm nhấn của lễ hội là chương trình Tuần văn hoá, nghệ thuật, du lịch với các hoạt động: Nghệ thuật đường phố, biểu diễn trang phục dừa trên phố đi bộ; cuộc thi Người đẹp xứ dừa; tổ chức các tour du lịch “Trải nghiệm sông nước, miệt vườn - xứ dừa”, kết hợp với quảng bá về các tour, tuyến điểm du lịch sinh thái; tổ chức trò chơi vận động…
Ban tổ chức cho biết, tại cuộc thi Người đẹp xứ dừa sẽ không có hoạt động thi trang phục áo tắm mà thay thế bằng trang phục áo bà ba nhằm tôn vinh nét đẹp văn hoá truyền thống của người dân Bến Tre. Đặc biệt, tại hoạt động đường phố sẽ có hoạt động trình diễn áo bà ba với sự tham gia của 1.000 người.
Lãnh đạo tỉnh Bến Tre cho biết, kinh phí 20 tỷ đồng để tổ chức Lễ hội Dừa lần thứ 5 sẽ vận động xã hội hoá tối đa, không sử dụng kinh phí từ ngân sách.
Với 71.000 ha dừa và 163.000 hộ trồng dừa, tỉnh Bến Tre có diện tích dừa chiếm 50% diện tích dừa cả nước và 80% diện tích dừa của Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, tỉnh Bến Tre đã sản xuất được khoảng 300 sản phẩm thương mại làm từ dừa, trong đó có khoảng 50 sản phẩm đã xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Trong số đó, những nhóm sản phẩm đang được ưa chuộng ở thị trường quốc tế gồm: Sữa dừa, cơm dừa đảo sấy, kẹo dừa, dầu dừa làm mỹ phẩm...