Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bỏ phiếu chọn Việt Nam vào vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc |
Sáng 7/6/2019, tại trụ sở LHQ ở thành phố New York, Mỹ, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu nhằm chọn 5 nước vào vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ). Việt Nam là ứng viên duy nhất của châu Á và đã trúng cử với 192/193 phiếu.
Việc Việt Nam nhận được số phiếu ủng hộ áp đảo như vậy đã đáp ứng được kỳ vọng, mong mỏi của tất cả người dân Việt Nam, đồng thời cũng cho thấy những đóng góp tích cực, thực chất, có trách nhiệm của Việt Nam với Liên Hợp quốc nói chung và HĐBA nói riêng trong nhiều năm qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Cũng trong năm 2019, tại Lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và lễ chuyển giao vai trò chủ tịch ASEAN 2020 diễn ra ở Trung tâm hội nghị Grand Diamond Ballroom, thủ đô Bangkok (Thái Lan) ngày 4/11/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận chiếc búa chủ tịch luân phiên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) từ nước chủ nhà Thái Lan.
2. Việt Nam kiên quyết đấu tranh pháp lý để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia
Năm 2019, trước những diễn biến phức tạp trên biển Đông, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã lên tiếng mạnh mẽ, thể hiện sự chung sức, đồng lòng, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Đảo Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa (Ảnh Lê Văn Hùng) |
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) khai mạc ngày 31/7/2019 tại Thái Lan, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị đã phát biểu, nêu đích danh nhóm tàu Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Luật biển 1982.
Tiếp đó, phát biểu tại Phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV ngày 21/10/2019, khi nói về những diễn biến phức tạp, trong đó có việc vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế, trái với Tuyên bố DOC và các thỏa thuận cấp cao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Đảng và Nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước".
Trên môi trường internet, những biểu hiện vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam như ô tô đem triển lãm có bản đồ định vị "đường lưỡi bò", phim hoạt hình có "đường lưỡi bò" vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam... đều bị dư luận cực lực phê phán và yêu cầu xử lý nghiêm.
3. Ký Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu
Ngày 30/6/2019, tại Hà Nội, Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam đã chính thức ký kết Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - EU (IPA) sau hành trình 9 năm đàm phán. Đây được coi là sự kiện đi vào lịch sử của mối quan hệ giữa Việt Nam và EU; mở ra những lợi ích chưa từng có cho các công ty, người tiêu dùng và người lao động ở châu Âu và Việt Nam.
Lễ ký kết Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - EU (IPA) |
4. Chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng nhanh nhất thế giới
Theo báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, năm 2019, Việt Nam đứng thứ 67 trong 141 nền kinh tế với mức tăng 10 bậc và 3,5 điểm. Mức tăng của Việt Nam là nhiều nhất về điểm số và cũng là duy nhất trên thế giới. WEF đánh giá Việt Nam đang thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài để trở thành một trung tâm thương mại của khu vực.
Điểm đánh giá với 12 cột trụ của WEF |
Trong 12 trụ cột của WEF, điểm số và vị trí xếp hạng của Việt Nam về Chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật (chỉ số B1) nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 nâng lên 17 bậc so với năm 2018. Những kết quả tích cực về điểm số và vị trí xếp thứ hạng Chỉ số B1 đã góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; tạo tiền đề thuận lợi để Chính phủ tiếp tục có sự quan tâm, chỉ đạo và đề ra những nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục duy trì, cải thiện Chỉ số B1 và cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, thu hút đầu tư trong những năm tiếp theo.
5. Khai trương Cổng dịch vụ công Quốc gia
Lễ khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia |
Sau 9 tháng tích cực triển khai, ngày 9/12, lễ khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia (địa chỉ: dichvucong.gov.vn) được tổ chức với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử.
Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG) được thiết lập tại một địa chỉ duy nhất, là đầu mối cung cấp thông tin, hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), dịch vụ công (DVC) trực tuyến và giám sát, đánh giá việc giải quyết TTHC.
Ước tính, khi cổng dịch vụ công quốc gia đi vào hoạt động có thể tiết kiệm hơn 4.222 tỷ đồng mỗi năm, trong đó, tính riêng chi phí tiết kiệm được do thực hiện qua Cổng mang lại khoảng 1.736 tỷ đồng, đồng thời sẽ hạn chế được tình trạng phải " bôi trơn" , "tham nhũng vặt "
Việc xây dựng Chính phủ điện tử mà trọng tâm là xây dựng Cổng DVCQG là bước đi rất quan trọng trong cải cách hành chính khi kết nối các dịch vụ công của các Bộ, ngành, địa phương lên một địa chỉ duy nhất là Cổng DVCQG. Đây cũng là việc làm thể hiện tinh thần Chính phủ lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Cũng trong năm 2019, Văn phòng Chính phủ đã khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia nhằm tạo môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, giảm thời gian, tăng tính kịp thời, hiệu quả trong xử lý công việc.
6. Tăng cường kiểm soát quyền lực, xử nghiêm cán bộ cấp cao vi phạm
Ngày 23/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Quy định 205-QÐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền (có hiệu lực từ 23/9/2019), trong đó có nhiều nội dung nổi bật như: Xử lý vi phạm cả những người đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu; xác định cụ thể 6 hành vi chạy chức, chạy quyền; Các biện pháp xử lý cán bộ, đảng viên có hành vi chạy chức, chạy quyền..
Cũng trong năm 2019, nhiều cán bộ cao cấp vi phạm pháp luật và tham nhũng đã bị thi hành kỷ luật và đưa ra xét xử như kỷ luật thức cảnh cáo với ông Vũ Văn Ninh, nguyên Phó Thủ tướng nhiệm kỳ 2011-2016. Liên quan đến vụ Vũ “Nhôm”, hai cựu Thứ trưởng Bộ Công an bị đưa ra xét xử.
7. Ban hành nhiều quy định mới liên quan người lao động và viên chức
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức. Một trong những nội dung đáng chú ý là từ thời điểm luật có hiệu lực (1/7/2020), tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sẽ ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn. Các đối tượng viên chức đã được tuyển dụng trước thời điểm 1/7/2020, cơ bản không có sự thay đổi về chế độ hợp đồng làm việc so với hiện hành.
Người lao động sẽ có thêm một ngày nghỉ Lễ |
Cũng tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa 14 đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng tăng thêm một ngày nghỉ lễ trong năm so với quy định hiện hành.
8. Nâng cao vai trò của tư pháp trong bảo vệ quyền con người
Cuối tháng 11/2019, Viện trưởng Viện KSND tối cao có kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm năm 2008 của TAND tỉnh Long An và bản án phúc thẩm năm 2009 của tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP HCM đã tuyên bị cáo Hồ Duy Hải tử hình về tội “giết người”, “cướp tài sản”, để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật. Vụ án tử tù Hồ Duy Hải phạm hai tội giết người và cướp tài sản đã kéo dài 12 năm qua với nhiều quan điểm tranh cãi trái chiều. Đây là vụ án chấn động dư luận vì có hàng loạt tình tiết mâu thuẫn không được làm rõ và Hồ Duy Hải được tạm dừng thi hành án ngay trước khi ra pháp trường theo yêu cầu của Chủ tịch nước.
Tại Khánh Hòa, sáng 24/12/2019, VKSND TP Nha Trang đã tổ chức xin lỗi công khai ông Thái Xuân Đàn sau 18 năm người đàn ông này bị mang án oan sai về tội Cố ý gây thương tích.
VKS TP Nha Trang đã tổ chức xin lỗi công khai ông Thái Xuân Đàn sau 18 năm người đàn ông này bị mang án oan sai về tội Cố ý gây thương tích |
Cũng trong năm 2019, Viện KSND Vĩnh Phúc đã tổ chức xin lỗi, cải chính công khai với 3 người bị bắt oan sai với cáo buộc giết người từ những năm 1980. Ba người gần 40 năm kêu cứu tại Vĩnh Phúc được minh oan là các ông Trần Ngọc Chinh (78 tuổi), ông Trần Trung Thám (đã mất, em trai ông Chinh) và ông Khổng Văn Đệ (86 tuổi, cùng trú thôn Vạn Thắng, xã Đồng Thịnh) trong vụ án sát hại Bí thư chi bộ thôn Vạn Thắng xảy ra năm 1980.
Ông Trần Ngọc Trinh, người bị cáo buộc là chủ mưu trong vụ án giết người, đã được minh oan sau gần 40 năm chịu oan sai |
Trong vụ án oan sai này, Báo PLVN đã có nhiều bài viết phản ánh, đồng hành cùng thân phận của người dân.
9. Nhiều vấn đề pháp lý đặt ra trong bảo vệ môi trường
Sự cố cháy Nhà máy của Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. |
Ngày 28/8/2019, Nhà máy của Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông bị cháy trên diện rộng. Những thông tin mâu thuẫn do chính quyền các cấp và Rạng Đông đưa ra sau vụ việc càng khiến vụ việc trở nên phức tạp. Ngày 5/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu khám sức khỏe miễn phí cho người dân, nhanh chóng mời chuyên gia nước ngoài đến giám định, xác định ô nhiễm. Hai ngày sau đó, Rạng Đông ra văn bản xin lỗi chính thức.
Một tháng sau đó, khi những lo lắng về nhiễm độc thủy ngân chưa lắng xuống, nhiều người dân Hà Nội tiếp tục phải chịu ảnh hưởng vì vụ nước sinh hoạt từ Công ty nước sạch sông Đà (Viwasupco) bị nhiễm dầu thải.
Những vụ việc trên cho thấy còn nhiều lỗ hổng pháp lý trong quản lý Nhà nước với sản phẩm và dịch vụ công ích. Các biện pháp xử lý được cho là còn lúng túng, bị động và chậm trễ, khiến cuộc sống của nhiều gia đình bị đảo lộn. Điều này đặt ra yêu cầu phải tăng cường công tác quản lý, giám sát đối với những sản phẩm, dịch vụ thiết yếu; đẩy nhanh tiến trình di dời các nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi các khu vực nội đô. Các vụ việc này cũng được xem là bài học về cách ứng xử của chính quyền trước các sự cố môi trường; có những kịch bản ứng phó với các sự cố môi trường ở quy mô lớn từ các cấp khác nhau...
10. Vai trò của luật sư trong cải cách tư pháp ngày càng được khẳng định
Năm 2019 tổng kết 15 năm thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 33-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tổ chức luật sư và nghề luật sư. Kết quả tổng kết sẽ là cơ sở để tiếp tục thực hiện công cuộc cải cách tư pháp ở Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến 2045, từ đó sẽ góp phần cho công cuộc đổi mới đất nước đạt được mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại.
Vai trò của luật sư trong cải cách tư pháp ngày càng được khẳng định |
Theo báo cáo tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Liên đoàn Luật sư Việt Nam (2009-2019), trong 10 năm qua (từ 2009 - 2019), đội ngũ luật sư đã tham gia vào hơn 133.000 vụ án hình sự; trên 114.000 vụ việc dân sự; hơn 51.000 vụ việc trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh, thương mại... Đội ngũ luật sư đã đảm nhận 100% việc bào chữa trong các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu với chất lượng bào chữa trong các vụ án này ngày càng được nâng cao.