Tại sao cùng là vàng 99.99, mà giá mỗi lượng vàng ở các cửa hàng lại khác nhau, mức chênh giữa thương hiệu này với thương hiệu kia có lúc lên đến vài triệu đồng?. Liệu các nhà vàng có đang định giá sản phẩm dựa trên giá trị thực tế của vàng?.
Cùng là vàng 99.99, nhưng giá vàng giữa các thương hiệu lại có sự chênh lệch đáng kể. Ảnh minh họa |
Mua vàng bằng tâm lý…
Hôm qua, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) chuẩn bị kế hoạch để triển khai gia công hơn 350.000 lượng vàng, tương đương 13 tấn vàng, giá vàng trên thị trường đã giảm. Tại thị trường Tp.HCM vàng SJC được niêm yết quanh mức 46,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 46,95 triệu đồng/lượng (bán ra); trong khi tại Hà Nội là 46,6 triệu đồng/lượng và 46,85 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng SJC đã rẻ đi từ 350.000-450.000 đồng/lượng so với phiên trước đó tùy giá niêm yết của từng doanh nghiệp.
Diễn biến của thị trường vàng vừa qua lại tái diễn cảnh tranh mua - tranh bán: đa phần người dân đi mua vàng khi giá vàng đang tăng với kỳ vọng vàng còn tăng giá nữa, sau đó, khi giá vàng bắt đầu giảm, người dân lại ồ ạt đi bán vì lo ngại giá vàng sẽ giảm sâu. Rất hiếm người tham khảo giá vàng thế giới hay căn cứ vào xu hướng kinh tế để quyết định việc đầu tư vàng. Ví như đợt sóng vàng vừa rồi, dù giá vàng lên tới mức kỷ lục trong vòng 1 năm, nhưng lượng người đi bán không nhiều bởi “nghe nói giá vàng còn có thể lên cao hơn nữa, tới 50 triệu vào cuối năm”.
Thế nhưng, sáng qua, khi giá vàng bắt đầu giảm do thông tin NHNN tăng nguồn cung cho thị trường, số lượng khách tới bán vàng tại Công ty vàng bạc Phú Quý (Hà Nội) lại tăng mạnh. “Người dân bán vàng ngay từ đầu giờ sáng, trong khi lực mua không có. Thông tin sắp có một lượng vàng lớn được đổ ra thị trường đã tác động mạnh tới tâm lý người dân. Họ lo giá sẽ giảm mạnh nên nhanh tay bán vàng” - một đại diện của doanh nghiệp này cho biết.
NHNN đã yêu cầu SJC chuẩn bị kế hoạch để triển khai gia công hơn 350.000 lượng vàng, tương đương 13 tấn vàng. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh Tp.HCM, đây là lượng vàng miếng SJC móp méo và vàng miếng phi SJC mà các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng đề nghị NHNN nước cho phép gia công.
Cũng theo ông Minh, với công suất gia công của SJC (mỗi ngày 2 ca) thì số vàng trên sẽ sớm được đưa ra thị trường nhằm bổ sung nguồn cung vàng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Một chuyên gia nhận định, khối lượng vàng lên đến 13 tấn này được đưa ra thị trường có thể giúp hạ khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới về quanh mức 1 triệu đồng/lượng.
... bán vàng bằng thương hiệu
Hôm qua, giá vàng SBJ và PNJ vẫn không có chênh lệch lớn so với giá vàng SJC, trong khi vàng Rồng Thăng Long tiếp tục rẻ hơn vàng SJC gần 3 triệu đồng/lượng. Tại sao có chuyện chênh giá vàng chênh lệch lớn như vậy giữa các thương hiệu vàng?
Một thực tế diễn biến lâu nay là vàng mua thương hiệu nào thì bán cho thương hiệu đó, bởi lẽ, nếu mua vàng cửa hàng A đem bán cho cửa hàng B thì tuổi vàng sẽ bị xác định lại, thường là được kết quả “non” hơn, đồng nghĩa với việc giá thấp hơn. Về nguyên tắc, vàng 99.99 phải có chất lượng đúng tiêu chuẩn quy định đối với loại vàng này, và như vậy nó phải có giá trị đồng nhất với nhau. Tuy nhiên, trên thị trường Việt Nam, “các nhà vàng đang bán chính thương hiệu của mình, và người mua bỏ tiền ra mua uy tín của thương hiệu đó, bất kể thực tế chất lượng sản phẩm thế nào” – một chuyên gia nhận định.
Bởi thế, ở những đợt sóng vàng lần trước, có thực tế khách hàng đến trả tiền thực để mua một tờ giấy ghi số lượng vàng, rồi lại đem đi bán lại chính tờ giấy đó.
Cơ quan quản lý nhà nước về thị trường vàng đang đưa ra nhiều giải pháp để thu hẹp giá vàng trong nước và thế giới. Tuy nhiên, để giải quyết được bài toán tâm lý của người mua vàng, một yêu cầu chuẩn về các sản phẩm vàng trong nước cũng phải được đưa ra áp dụng cho các DN sản xuất, kinh doanh vàng bạc, tránh tình trạng giá vàng cùng loại giữa các thương hiệu lại chênh nhau tới mức vô lý như hiện nay.
Bách Linh