Vụ từ chức gây lục đục nội các Mỹ

Ông Trump và ông Sessions thời còn “mặn nồng”
Ông Trump và ông Sessions thời còn “mặn nồng”
(PLO) - Chỉ một ngày sau cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ chứng kiến đảng Cộng hòa mất đi quyền kiểm soát Hạ viện, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7/11 bị cho là đã yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions từ chức, mở đầu cho cuộc cải tổ nội các đã được ông thông báo trước đó 2 ngày. 

Hết mặn nồng là lạnh nhạt

Trong thư từ chức, ông Sessions khẳng định ông từ chức theo yêu cầu của tổng thống. “Theo yêu cầu của tổng thống, tôi đệ đơn từ chức”, ông nêu rõ trong đơn từ chức gửi tới Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly. Theo một nguồn tin trong giới chức Mỹ, thực ra, ông Trump không trực tiếp yêu cầu ông Sessions từ chức mà thông qua ông Kelly để truyền đạt.

Cùng ngày, trên trang Twitter cá nhân, ông Trump xác nhận việc từ chức của ông Sessions. Như vậy, ông Sessions đã trở thành bộ trưởng đầu tiên trong nội các Mỹ bị cách chức trong cuộc cải tổ nội các đã được ông Trump thông báo vài ngày trước. 

Trên thực tế, việc ông Sessions mất chức là điều nhiều người đã dự liệu từ lâu. Được coi là thành viên bảo thủ nhất trong Thượng viện Mỹ, ông Sessions là một trong những nghị sỹ đầu tiên nhận thấy rằng ông Trump - một tỷ phú không có kinh nghiệm chính trị - có thể vào được Nhà Trắng và công khai ủng hộ ông Trump tranh cử.

Trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, ông Sessions từng đóng vai trò cố vấn chính sách, thậm chí còn được ông Trump cân nhắc vào vị trí ứng viên phó tổng thống trước khi quyết định chọn ông Mike Pence. Ông cũng là người ủng hộ các chính sách nhập cư, tội phạm và thực thi pháp luật của Tổng thống. 

Song, mối quan hệ này đã đi xuống, trở thành một trong những cuộc đối đầu công khai căng thẳng nhất trong lịch sử Mỹ giữa một tổng tư lệnh và một thành viên cao cấp trong nội các. Mâu thuẫn nổ ra từ khi ông Sessions quyết định rời khỏi cuộc điều tra về cáo buộc có sự thông đồng giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump với Nga sau khi bị phát hiện đã gặp đại sứ Nga trong thời gian ông Trump vận động tranh cử. 

Chính quyết định này của ông Sessions đã dẫn tới việc Tổng thống Mỹ, cả trực tiếp và trên kênh Twitter của ông, thường xuyên công kích bản thân ông và Bộ Tư pháp do ông đứng đầu. Hồi tháng 8 vừa qua, ông Trump nói móc ông Sessions là “người lúc nào cũng sợ hãi” và không hành động, một bộ trưởng tư pháp “yếu kém, không kiểm soát được bộ do mình đứng đầu”. Trong tháng 9, Tổng thống Mỹ thậm chí từng “nói sẵng”: “Tôi chẳng có Bộ trưởng tư pháp nào!”.

Ông Trump cũng công khai thúc giục ông Sessions mở cuộc điều tra về đối thủ của ông là bà Hillary Clinton và các thành viên khác của đảng Dân chủ nhưng ông Sessions đã không làm theo. Trước những chỉ trích mình, ông Sessions thường im lặng. Tuy nhiên, cũng có một số lần hiếm hoi ông phản bác Tổng thống.

Hồi tháng 8, ông từng tuyên bố: “Chừng nào tôi còn làm Bộ trưởng Tư pháp, tôi sẽ tiếp tục thực hiện công việc của mình bằng sự liêm chính và danh dự. Bộ Tư pháp Mỹ sẽ tiếp tục thực thi công việc của mình công bằng và công tâm theo luật và Hiến pháp”.

Trong nhiều tháng qua, ông Trump đã tuyên bố muốn thay ông Sessions nhưng các nguồn tin cho biết, các cố vấn của ông Trump đã thuyết phục ông không làm vậy vì lo ngại việc sa thải Bộ trưởng Tư pháp trước bầu cử giữa kỳ sẽ dẫn tới hậu quả tiêu cực với Đảng Cộng hòa. Vì vậy nên nhiều người không bất ngờ khi ông Sessions từ chức chỉ một ngày sau cuộc bầu cử vốn chứng kiến đảng Cộng hòa chỉ giữ được quyền kiểm soát Thượng viện còn Hạ viện đã mất vào tay đảng Dân chủ.

Quyết định gây tranh cãi

Trong thông báo trên trang cá nhân, Tổng thống Mỹ thông báo Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Matthew Whitaker sẽ trở thành quyền Bộ trưởng Tư pháp. Cùng với đó, ông Trump cũng đã trao quyền giám sát độc lập cuộc điều tra đặc biệt về cáo buộc nhóm vận động tranh cử của ông thông đồng với Nga cho Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein.

Tuy nhiên, ông Whitaker dự kiến sẽ sớm tiếp nhận vai trò của ông Rosenstein. Ông Whitaker 49 tuổi là cựu công tố viên ở bang Iowa. Từng làm việc ở Bộ Tư pháp Mỹ dưới thời cựu Tổng thống George Bush, ông Whitaker được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng cho ông Jeff Sessions vào tháng 10/2017.

Nhiều người đã bày tỏ ngạc nhiên vì ông Trump không bổ nhiệm Thứ trưởng Rod Rosenstein – nhân vật thứ 2 trong Bộ Tư pháp - lên thay ông Sessions vì làm như thế mới “đúng quy trình”. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ có thể thấy ông Whitaker là người đã từng công khai chỉ trích cuộc điều tra cũng như công tố viên đặc biệt hiện đang phụ trách việc điều tra Robert Mueller.

Trong một bài viết đăng tải trên CNN tháng 8/2017, ông này cho rằng cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt đã gần như vượt “lằn ranh đỏ” khi điều tra cả những vấn đề tài chính của gia đình ông Trump. 

Ông Whitaker cũng lên tiếng bênh vực ông Donald Trump Jr. - con trai của Tổng thống – về việc gặp gỡ luật sư người Nga đã hứa hẹn cung cấp thông tin bất lợi với bà Hillary Clinton vào tháng 6/2016. “Người ta sẽ luôn luôn nhận lời một cuộc gặp gỡ như vậy”, ông này tuyên bố. Trong khi đó, ông Rod Rosenstein cũng có mối quan hệ không suôn sẻ với Tổng thống.  

Quyết định sa thải ông Sessions của ông Trump đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ đảng Dân chủ. Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi trên Twitter cho rằng việc sa thải này là “nỗ lực trắng trợn” để phá hoại và chấm dứt cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt. Bà Pelosi cũng kêu gọi quyền Bộ trưởng Tư pháp Matthew Whitaker rút khỏi cuộc điều tra. “Quốc hội cần có hành động ngay lập tức để bảo vệ pháp trị và tính liêm chính của cuộc điều tra”, bà nói. 

Ngoài ra, bà Pelosi còn cam kết sẽ mở ra “kỷ nguyên mới” trong hoạt động giám sát của quốc hội đối với các động thái của Tổng thống Donald Trump. “Chúng tôi có trách nhiệm hiến định về việc giám sát. Điều này không có nghĩa là chúng tôi tìm cách mở ra một cuộc chiến nhưng nếu chúng tôi thấy cần phải hành động thì chúng tôi sẽ hành động”, bà Pelosi nói. 

Phát biểu này đã dấy lên những đồn đoán cho rằng đảng Dân chủ tới đây sẽ khởi động các cuộc điều tra về các vấn đề có liên quan đến ông Trump. Trong đó, một số nguồn tin cho biết, chủ tịch các ủy ban của Hạ viện tới đây dự kiến sẽ dẫn đầu các cuộc điều tra về việc kê khai thu nhập để được hoàn thuế của ông Trump, về khả năng có xung đột lợi ích trong hoạt động điều hành của ông cũng như khả năng có sự thông đồng giữa Nga và nhóm vận động tranh cử của ông Trump tại cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Các nghị sỹ đảng Cộng hòa của ông Trump cũng đã đưa ra cảnh báo tương tự với tổng thống. “Có một điều chắc chắn rằng cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Mueller về cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ sẽ tiếp tục cho đến khi kết thúc vì không Bộ trưởng tư pháp mới nào có thể xác nhận việc kết thúc điều tra”, Thượng nghị sỹ Lamar Alexander của đảng Cộng hòa nhấn mạnh.

Theo một số nguồn tin, Công tố viên đặc biệt Mueller đang xem xét các vấn đề liên quan đến việc ông Sessions từ chức, trong đó có những tuyên bố đòi sa thải ông được ông Trump đưa ra trước đây và tuyên bố của ông Sessions thông báo ông từ chức theo yêu cầu của tổng thống, nhằm xác định xem liệu có phải ông Trump muốn sa thải ông Sessions nhằm thay thế người khác để có thể kiểm soát cuộc điều tra, tức có hành vi cản trở công lý hay không.

Trong một phát biểu trước cuộc bầu cử giữa kỳ, ông Trump nói rằng các Chính phủ trước đây thường thay đổi nhân sự nội các sau bầu cử và Chính phủ của ông có thể cũng sẽ thực hiện các bước đi tương tự. Theo các nhà quan sát, sau ông Sessions, một số quan chức cùng phụ tá cấp cao khác của ông Trump cũng có thể ra đi ngay trong năm nay.

Trong số những nhân vật được cho là có thể sẽ mất chức có Bộ trưởng an ninh Kirstjen Nielsen – người từng bị ông Trump dọa thay vì cho rằng bà xử lý không tốt vấn đề biên giới. Một vị trí khác cũng có thể sẽ phải rời nội các là Bộ trưởng Nội vụ Ryan Zinke. 

Cũng trong thời gian tới, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer được cho là sẽ thay thế Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross – người từng bị ông Trump nhận xét đã “qua thời đỉnh cao”. Sự chú ý cũng đang dồn vào Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis dù ông Trump trong phát biểu vài ngày trước có nói không tính đến việc thay thế ông này.

Trước đây, cũng có những đồn đoán về việc Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly sẽ rời đi vào cuối năm. Ngoài ra, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley cũng đã thông báo sẽ từ chức vào cuối năm nay.

Đọc thêm

Thông tin về lễ nhậm chức của Tổng thống Nga Putin

Tổng thống Nga Putin. Ảnh: TTXVN.
(PLVN) - Ông Andrey Klishas, Chủ tịch Ủy ban Lập pháp, Hiến pháp và xây dựng Nhà nước thuộc Hội đồng Liên bang, tức Thượng viện Nga cho biết, lễ nhậm chức của Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ diễn ra vào ngày 7/5 tới.

Độc đáo tác phẩm kêu gọi hành động vì Ngày Trái Đất

Độc đáo tác phẩm kêu gọi hành động vì Ngày Trái Đất
Từ trên không trung nhìn xuống những ngọn đồi nhấp nhô gần cây cầu Hebden, miền Bắc nước Anh, một tác phẩm nghệ thuật khổng lồ độc đáo đã được trình bày trên đồng cỏ xanh rộng lớn kèm với một lời kêu gọi hành động vì môi trường nhân Ngày Trái Đất 22/4.

Kiều bào tại Ba Lan trúng cử vào Hội đồng quận Ochota, Thủ đô Warsaw

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng trao thư chúc mừng bà Cao Hồng Vinh.
(PLVN) - Tối 20/4, tại tiệc chiêu đãi do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), Bộ Ngoại giao tổ chức chào mừng các đại biểu kiều bào về dự Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2024, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Thu Hằng đã trao Thư chúc mừng bà Cao Hồng Vinh (kiều bào ta tại Ba Lan) vừa trúng cử vào Hội đồng quận Ochota, Thủ đô Warsaw, Ba Lan.

Gần 70 đại biểu kiều bào tham dự Giỗ tổ Hùng Vương 2024

Đoàn chụp ảnh lưu niệm trước cổng Đền Hùng.
(PLVN) - Ngày 20/4 (tức ngày 12/3 Âm lịch), nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Giáp Thìn 2024, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), Bộ Ngoại giao tổ chức Đoàn kiều bào gồm gần 70 đại biểu trở về từ hơn 20 quốc gia trên thế giới do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Thu Hằng dẫn đầu, hành hương về Đền Hùng - Phú Thọ.

Văn hóa đọc đặc trưng tại các quốc gia

Hội chợ sách sách lớn nhất thế giới Frankfurt năm 2022. (Ảnh: DW)
(PLVN) - Đã gần 5.000 năm kể từ khi cuốn sách đầu tiên ra đời, cũng là ngần ấy thời gian hình thành nên văn hoá đọc - cầu nối đến kho tàng tri thức quý báu của nhân loại. Tại mỗi quốc gia, văn hoá đọc có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống xã hội, luôn được quan tâm đặc biệt và thúc đẩy trong dân chúng.

IMF cảnh báo mối nguy toàn cầu nếu tịch thu tài sản của Nga

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Ông Alfred Kammer - Giám đốc khu vực châu Âu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, bất kỳ bước đi nào nhằm tịch thu nguồn tài sản đang bị đóng băng của Nga đều cần được hỗ trợ về mặt pháp lý để tránh nguy cơ làm suy yếu hệ thống tài chính toàn cầu.

Dubai chìm trong nước

Dubai chìm trong nước
(PLVN) - Lượng mưa một ngày tương đương một năm gây ra ngập lụt khủng khiếp ở Dubai vào ngày 16/4.