4 tuần nằm viện mất gần trăm triệu đồng?

Hầu hết cơ sở y tế đã rủ nhau tăng giá, dù gần 1 tháng nữa, Thông tư quy định điều chỉnh khung giá viện phí một số dịch vụ khám chữa bệnh mới có hiệu lực. “Quay đi quay lại, 4 tuần nằm viện của con trai đã “nghiến” của vợ chồng tôi gần trăm triệu rồi...” - anh Nguyễn Văn Tân (quê Hạ Long, Quảng Ninh) thở dài ngao ngán.

Còn gần 1 tháng nữa Thông tư quy định điều chỉnh khung giá viện phí một số dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) mới có hiệu lực. Thế nhưng, hầu hết cơ sở y tế đã rủ nhau tăng giá. Tình trạng lan nhanh hơn cả dịch bệnh...

Một phòng bệnh có giá tiền triệu ở Khoa Khám bệnh tự nguyện, Bệnh viện Nhi TƯ.
Một phòng bệnh có giá tiền triệu ở Khoa Khám bệnh tự nguyện, Bệnh viện Nhi TƯ.

Tăng để... đón đầu

Mặc dù không phải là đối tượng điều chỉnh của Thông tư liên bộ Y tế - Tài chính (Thông tư 04/2012/TTLT-BYT-BCT) nhưng từ khi bắt đầu nghe phong phanh về sự điều chỉnh một số dịch vụ y tế trong các cơ sở KCB công lập, không ai bảo ai các phòng khám tư đều đồng loạt công bố khung giá mới. 
Khảo sát một loạt các phòng mạch tư nhân trên địa bàn Thủ đô, phóng viên đều tìm được đáp số chung về sự tăng giá. Hầu hết các phòng khám tư có thương hiệu một chút đều tăng từ 100.000 đồng/lần khám lên 120.000-150.000 đồng/lần khám. Phòng khám có quy mô nhỏ hơn một chút và nằm xa nội thành cũng nâng từ 50.000 đồng lên 80.000 đồng/lần khám.
Theo phản ánh của một số bệnh nhân, tại nhiều phòng khám sản phụ khoa tư nhân trên phố Kim Ngưu, dịch vụ khám cũng mới được điều chỉnh tăng từ 100.000 đồng lên 120.000 đồng/lần khám, siêu âm tăng từ 120.000 đồng lên 150.000 đồng/lần. Nhiều phòng khám tư trên đường giải phóng, dịch vụ siêu âm cũng tăng giá từ 100.000 đồng lên 120.000 đồng/lần.
Không chỉ có vậy, trước thắc mắc của chúng tôi về sự gia tăng bất thường này, các chủ phòng khám tiết lộ: “Đây chỉ là đợt tăng giá nhẹ để…đón đầu(!). Tới đây, khi các cơ sở công chính thức áp dụng khung giá mới, các phòng khám sẽ có sự điều chỉnh tiếp”. Lý giải về sự thay đổi giá này, một bác sĩ khẳng định: “Các dịch vụ trong bệnh viện sử dụng cơ cở vật chất công, nhân lực công cũng tăng giá, còn phòng khám tư chúng tôi phải đầu tư từ A-Z nên tăng giá là chuyện đương nhiên”. 
Bốn tuần nằm viện mất gần 100 triệu đồng
Tại Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu của BV Bạch Mai, ngay bàn tiếp đón có niêm yết bảng giá các loại hình dịch vụ. Phía góc phải bảng giá có dán một tờ thông báo mới về việc điều chỉnh giá khám bệnh. Theo đó, Giáo sư khám là 200.000 đồng/lần (trước là 150.000 đồng),  Phó Giáo sư khám là 150.000 đồng/lần (trước là 120.000 đồng), Tiến sĩ khám là 120.000 đồng/lần (trước 100.000 đồng)...
Theo các nhân viên đón tiếp ở khu vực khám bệnh ở đây cho hay, giá khám bệnh đã được điều chỉnh theo hướng tăng lên từ hơn một tháng nay. Không chỉ giá khám, hầu hết loại hình dịch vụ khác như chụp X-quang, xét nghiệm, siêu âm, điện tim, chụp cắt lớp, cộng hưởng từ... đều có sự tăng giá nhẹ và sẽ tiếp tục điều chỉnh theo giá thị trường.
Tuy nhiên, bất chấp sự tăng giá, lượng người xếp hàng chờ KCB tự nguyện ở BVĐK hạng nhất này vẫn không ngớt. Thậm chí, người dân còn ngày càng tín nhiệm dịch vụ khám tự nguyện nằm trong các BV lớn hơn là các phòng khám tư nhân bên ngoài, dẫu giá cả của nó cũng sánh ngang với các cơ sở y tế tư nhân. Và tiêu chí: uy tín, chất lượng; khám nhanh, được đối xử tử tế và không phải đưa phong bì là lý do chính đáng của sự lựa chọn này.
Trước cửa khu vực KCB tự nguyện của BV Nhi T.Ư, số người vào, ra cũng không ngừng tăng. Có bệnh thì phải chữa - người ta quan niệm vậy. Thế nhưng, việc giá cả tăng chóng mặt như hiện nay là ngoài sức tưởng tượng của họ. Để được hưởng các dịch vụ chất lượng cao, bác sỹ tốt người bệnh phải nghiến răng bỏ ra một số tiền không hề nhỏ.
Theo các bệnh nhân đang nằm điều trị ở Khu Điều trị tự nguyện A cho hay, giá một lần khám chuyên khoa khu này 680.000 đồng, khám đa khoa 390.000 đồng. Tiền phòng cấp cứu thì thấp nhất cũng phải trên 2 triệu đồng/giường/ngày.
Còn tại Khu điều trị tự nguyện B, giá giường bệnh cũng nhảy vọt từ 300.000 đồng/giường/ngày lên 600.000 đồng/giường/ngày từ một tuần trở lại nay. Thậm chí, một lãnh đạo BV này cho biết, sẽ cân nhắc để tiếp tục tăng giá các dịch vụ khác ở Khu tự nguyện và Khoa Khám bệnh theo yêu cầu của BV khi giá viện phí chính thức thay đổi. 
“Quay đi quay lại, 4 tuần nằm viện của con trai đã “nghiến” của vợ chồng tôi gần trăm triệu rồi. Cứ thế này, chắc phải đưa cháu về nhà điều trị ngoại trú thôi...”, anh Nguyễn Văn Tân (quê Hạ Long, Quảng Ninh) thở dài ngao ngán.
Cũng với khuôn mặt đầy đau khổ và lo lắng, chị Bùi Thị Toan (ở Thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai) đang chăm sóc con tại Khoa khám bệnh theo yêu cầu, BV Nhi TƯ than vãn: “Đưa con xuống đây cấp cứu và nhập viện, tôi cũng không kịp hỏi giá cả. Đến lúc thanh toán thì mới ngã ngửa vì khoản tiền phải đóng quá lớn. Biết thế này, cho nó nằm BV tỉnh cho xong”.
Không tránh khỏi hoài nghi 
Ngoài hai BV lớn trên, các BV khác như BV Phụ sản TƯ, Phụ sản Hà Nội, BV Thanh Nhàn... cũng đang trong giai đoạn “nghe ngóng” để cân nhắc việc tăng giá ở khu vực điều trị dịch vụ. Còn tại các cơ sở y tế cấp cơ sở, theo phản ánh của các lãnh đạo, thời điểm tăng giá các dịch vụ y tế có khả năng sẽ muộn hơn cơ sở tuyến TƯ 2-3 tháng, vì phải đợi lãnh đạo địa phương phê duyệt khung giá mới.
Như vậy, chậm nhất cũng chỉ đến tháng 6, cơ sở y tế cuối cùng sẽ công bố bảng giá mới. Tuyên bố này chắc chắn sẽ là cú sốc lớn đối với không ít người, nhất là những người mắc bệnh nan y mà túi tiền không rủng rỉnh.
Tuy nhiên, cái mà người ta quan tâm nhiều nhất vẫn là vấn đề chất lượng KCB có tăng, khi viện phí được điều chỉnh? Câu hỏi này đã được tân Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời rất nhiều lần, rằng: “Tăng giá từ 3.000 đồng/lần khám lên 20.000 đồng/lần khám thì chất lượng đương nhiên sẽ tăng!”. Tuy nhiên, trước những thực tế và quy trình KCB còn quá nhiều bất cập như hiện nay, chúng ta không thể tránh khỏi “hoài nghi” về điều đó.

Không thể có hiện tượng trải chiếu cho bệnh nhân nằm điều trị!

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, điều chỉnh giá viện phí lần này thực chất mới thu 3 trong 7 yếu tố tạo nên giá gồm: Thuốc, dịch truyền và những chi phí khám chữa bệnh trực tiếp. Điều chỉnh trước mắt, rõ nhất là tiền khám và tiền giường bệnh phân theo tuyến. Đối với tiền giường bệnh, nếu phải nằm ghép 02 người thì chỉ được thu 50%, trường hợp phải nằm ghép 03 người thì chỉ thu 30%. Một số dịch vụ KCB cũng có sự điều chỉnh so với mức ban hành trước đó để góp phần nâng cao chất lượng KCB. Đặc biệt, “thời gian tới nhất định không thể có hiện tượng trải chiếu cho bệnh nhân nằm điều trị”.

Hải Long

Đọc thêm

Dùng thêm thuốc ngoài đơn bác sĩ, người đàn ông rơi vào nguy hiểm

Người bệnh nhập viện trong tình trạng tổn thương da nghiêm trọng (Ảnh: Ngọc Phúc)
(PLVN) - Trong thời gian sử dụng thuốc theo đơn điều trị xương khớp, bệnh nhân N.Đ.T (nam, 65 tuổi, trú tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) liên tiếp sử dụng nhiều loại thuốc khác ngoài đơn của bác sĩ. Người bệnh sau đó bị tổn thương da 70% kèm theo loét niêm mạc miệng, mắt và bộ phận sinh dục...

Đau đầu kéo dài, bé gái 9 tuổi được phát hiện có khối u não lớn

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi.
(PLVN) - Bệnh viện E vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhi nữ 9 tuổi, có khối u màng não lớn. Đây là ca bệnh khó vì người bệnh nhỏ tuổi, kích thước khối u lớn, nằm ở vị trí nguy hiểm, buộc phải phẫu thuật nếu không sẽ đe dọa đến chức năng thần kinh và tính mạng người bệnh.

Bộ Y tế thông tin về vaccine COVID-19 của AstraZeneca có thể gây máu đông

Bộ Y tế thông tin về vaccine COVID-19 của AstraZeneca có thể gây máu đông
(PLVN) - Trước thông tin AstraZeneca lần đầu tiên thừa nhận vaccine COVID-19 có thể gây cục máu đông, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, đây là tác dụng phụ hiếm gặp mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã từng cảnh báo khi tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca.

"Không gian cho em” dành cho các bệnh nhi đang xạ trị

Khánh thành khu vui chơi và học tập cho bệnh nhi tại Trung tâm Ung bướu.
(PLVN) - Chiều 3/5, Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức lễ khánh thành khu vui chơi và học tập với tên gọi “Không gian cho em” dành cho các bệnh nhi đang điều trị tại khoa Xạ trị 2, Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Trung ương Huế.