Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong khi nhập khẩu giảm, Việt Nam đã có tháng hai tháng liên tiếp xuất siêu kể từ đầu năm. Tiếc là khi phân tích ra thì thành tích xuất khẩu chủ yếu từ đóng góp của khối doanh nghiệp ngoại, còn giảm nhập khẩu là vì nhiều doanh nghiệp nội thu hẹp quy mô hoạt động, đối phó với tình cảnh sản xuất khó khăn.
Nhóm hàng túi xách, ví, va li, mũ và ô dù của Việt Nam đang nhắm đến “câu lạc bộ” xuất khẩu 2 tỷ USD. (Ảnh minh họa) |
Năm 2012, nhóm hàng túi xách, ví, va ly, mũ và ô dù của Việt Nam chính thức tham gia “câu lạc bộ” xuất khẩu 1 tỷ USD. Đây là mặt hàng có kim ngạch lớn thứ 18 trong tổng số 22 thành viên của “câu lạc bộ” xuất khẩu 1 tỷ USD. Trong 2 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tiếp tục tăng mạnh, ước đạt 282 triệu USD, tăng hơn 43% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là tín hiệu khả quan hứa hẹn kim ngạch xuất khẩu túi xách, ví, vali, mũ, ô dù sẽ đạt kỷ lục mới trong năm 2013 và mặt hàng này có thể vượt lên tham gia “câu lạc bộ” các mặt hàng có kim ngạch đạt 2 tỷ USD trở lên. Còn vui hơn khi phân tích cơ cấu thị trường, khi phần lớn sản phẩm của chúng ta lại xuất sang các thị ường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức... Những thị trường này nhập tới 1,4 tỷ USD tiền hàng, chiếm 89,7% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng túi xách, ví, vali, mũ và ô dù của Việt Nam.
Bà Phạm Thị Ngọc Chi – Phó Tổng giám đốc Công ty CP sản xuất dịch vụ thương mại sản phẩm da LADODA cho biết, năm nay, LADODA sẽ xuất sang Mỹ giá trị hàng hóa chừng 50 nghìn USD/tháng, với các sản phẩm chủ yếu là túi đựng cát (dùng để tập thể thao) và các túi đựng thiết bị y tế... Bên cạnh đó, sản phẩm va li tay đẩy của công ty cũng được các nước rất ưa chuộng.
“Bên cạnh việc giữ các bạn hàng xuất khẩu truyền thống, ba năm gần đây, chúng tôi chú trọng thị trường nội địa, 70% sản phẩm của chúng tôi hiện cung cấp cho người tiêu dùng trong nước. Nhiều sản sản phẩm của LADODA đã định vị được trên thị trường, như cặp học sinh và giày da. Năm nay chúng tôi đang tiếp tục chiến dịch đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa; nhìn chung các sản phẩm đều bán rất chạy vì được người tiêu dùng ưa chuộng. Cùng với những dòng sản phẩm ba lô, túi xách vài trăm nghìn/chiếc, chúng tôi còn phục vụ cả phân khúc thị trường bình dân, như các sản phẩm túi xách giá chỉ 50.000-60.000 đồng/chiếc” - bà Chi chia sẻ.
Tại cuộc họp báo ngành Công Thương vừa qua, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, kim ngạch xuất khẩu tháng 2/2013 ước đạt 7,5 tỷ USD, tuy giảm 34,6% so với tháng trước song tính chung 2 tháng đầu năm xuất khẩu đạt 18,97 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ. Trong đó, khối doanh nghiệp FDI tiếp tục là trụ cột trong tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nói chung khi đạt hơn 11 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ.
Còn về nhập khẩu, tháng 2 ước đạt 6,6 tỷ USD, giảm 38,3% so với tháng trước, tính chung 2 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 17,3 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ. Theo đó, hai tháng đầu năm, Việt Nam ước xuất siêu 1,676 tỷ USD, bằng 8,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Như vậy, sau khi xuất siêu khoảng 200 triệu USD vào tháng 1 thì đây là tháng thứ hai liên tiếp Việt Nam xuất siêu.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo PLVN về ngyên nhân xuất siêu, ông Trần Thanh Hải cho hay, trong hai tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng cần kiểm soát như đá quý, kim loại quý, các sản phẩm, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được giảm tới 8,8%, đồng thời nhóm hàng cần thiết nhập khẩu, các nguyên, vật liệu phục vụ cho các ngành sản xuất, dù so với cùng kỳ có tăng trưởng nhưng mức tăng cũng chậm lại, góp phần kéo lùi kim ngạch nhập khẩu xuống. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng mạnh, chính vì vậy, tạo ra chênh lệch khá lớn giữa xuất khẩu và nhập khẩu. Đặc biệt phải kể đến là chúng ta đang dần chủ động được nguồn nguyên, vật liệu đối với một số ngành hàng, góp phần giảm nhu cầu nhập khẩu.
Về cán cân thương mại năm 2013, ông Hải nhận định, các doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tiếp tục đóng góp tỷ trọng lớn cho kim ngạch xuất khẩu cả nước. Còn các doanh nghiệp trong nước, khả năng sản xuất, kinh doanh vẫn khó khăn, do vậy sẽ hạn chế nhập khẩu nguyên, vật liệu. Như vậy, trong năm 2013, Việt Nam vẫn có thể xuất siêu.
Mai Hoa