Một tòa án hình sự Iraq kết án tử hình vắng mặt bằng hình thức treo cổ đối với phó tổng thống đang bỏ trốn Tareq al-Hashemi ngày 9/9.
Ông Hashemi bị buộc tội điều hành các nhóm sát thủ chống lại lực lượng an ninh, sát hại một luật sư và một chuẩn tướng. Thư ký và là con rể của ông al-Hashemi là Ahmed Qahtan cũng bị kết án tử hình.
Phiên tòa bắt đầu hồi tháng 5 và xem xét khoảng 150 cáo buộc đánh bom, ám sát cùng nhiều vụ tấn công khác xảy ra từ năm 2005 – 2011 đối với Phó Tổng thống Tareq al-Hashemi và các vệ sĩ của ông này. Nạn nhân, theo cáo trạng, bao gồm quan chức chính phủ, tướng lĩnh an ninh và giới giáo sĩ dòng Shiite. Tuy nhiên, ông Tareq al-Hashemi, một người theo dòng Sunni, phủ nhận mọi cáo buộc, cho rằng đó là âm mưu trả thù chính trị đối với ông.
Phó tổng thống Hashemi bị xử tử vắng mặt ngày 9/9. Ảnh: AP |
Trước đó, một tuyên bố đăng trên trang web của ông Tareq al-Hashemi hôm 10/8 cho biết ông đang ở Doha (Qatar). Ông Tareq al-Hashemi đã trốn tới khu tự trị người Kurd ở Iraq khi bị cáo buộc các tội danh trên hồi tháng 12/2011, sau đó chạy sang Thồ Nhĩ Kỳ.
Trong một diễn biến khác, ít nhất 92 người thiệt mạng, 360 người bị thương trong ít nhất 21 vụ bạo lực xảy ra trên khắp Iraq ngày 9/9, một trong những ngày đẫm máu nhất năm nay. Theo AP, có vẻ các vụ tấn công tại 13 thành phố khác nhau đều xảy ra vào buổi chiều khi bản án dành cho ông Hashemi được đưa ra. Chỉ riêng Baghdad đã có 42 người chết và 120 người bị thương.
Vụ đánh bom nghiêm trọng nhất ngày 9/9 xảy ra gần thành phố Amara, cách thủ đô Baghdad 300 km về phía nam, khi hai chiếc xe bom phát nổ bên ngoài một thánh đường của người Shiite và một khu chợ, làm ít nhất 16 người thiệt mạng.
Hiện trường vụ đánh bom ở Basra, cách Baghdad khoảng 340 km, ngày 9/9. Ảnh: AP |
Trong khi đó, chiếc xe bom phát nổ bên ngoài lãnh sự Pháp tại thành phố vốn yên bình Nassiriya, cách Baghdad 300 km về phía nam, làm một cảnh sát bảo vệ thiệt mạng và 4 người bị thương.
Các vụ đánh bom gây thương vong khác cũng xảy ra tại nhiều địa phương của Iraq như Dujail, Kirkuk, Baquba, Samarra, Basra và Tuz Khurmato. Hiện chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm nhưng Bộ Nội vụ Iraq đổ lỗi cho nhánh al-Qaeda tại nước này gây ra.
Theo Người lao động/AP