Trong Chương trình Phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm qua cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (phòng chống tham nhũng) năm 2013.
Hầu hết các ý kiến thảo luận tại buổi làm việc đều cho rằng, mặc dù việc phát hiện và xử lý được tăng cường nhưng tình hình tham nhũng vẫn rất nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực gây bức xúc, bất bình trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng của các cơ quan có thẩm quyền chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra hiện nay.
Theo Báo cáo của Chính phủ do Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tại buổi làm việc cho biết, trong năm 2013 đã có 36 trường hợp người đứng đầu bị xử lý hình sự, 28 người đã bị xử lý kỷ luật hành chính, 4 trường hợp khác đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý về hành vi có dấu hiệu tham nhũng.
Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính trong năm 2012 đối với niên độ ngân sách 2011 là 14.710,8 tỷ đồng, kiến nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm để xử lý theo quy định của pháp luật đối với 27 cá nhân; chuyển hồ sơ 6 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra, cơ quan thanh tra.
Trong những tháng đầu năm 2013, ngành Thanh tra phát hiện 73 vụ, 80 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 117 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 115 tỷ đồng; đã thu 59 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 4 tập thể, 28 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra hình sự 11 vụ, 34 đối tượng. Lực lượng Cảnh sát điều tra đã thụ lý 371 vụ án, 847 bị can phạm tội tham nhũng. Trong đó, khởi tố mới 223 vụ, 568 bị can (tăng 11 vụ, 97 bị can so với cùng kỳ); thiệt hại khoảng 9,260 tỷ đồng.
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, Báo cáo vẫn chưa nêu được cụ thể những bộ, ngành, địa phương đã làm tốt và chưa làm tốt công tác phòng chống tham nhũng hoặc những nơi để xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng để khen thưởng, động viên kịp thời ở những nơi làm tốt hoặc xử lý trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, tổ chức ở những đơn vị làm chưa tốt.
Hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế, một số biện pháp còn chậm được triển khai hoặc hiệu quả thấp. Ở một số nơi, cán bộ, công chức vẫn lợi dụng thủ tục hành chính rườm rà để nhũng nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân để vụ lợi. Việc củng cố, tăng cường phẩm chất, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ, nhất là tổ chức nhân sự, chế độ trách nhiệm công vụ, chế độ khen thưởng, kỷ luật.
Có những vụ đủ căn cứ để khởi tố, xử lý hình sự những vẫn xử lý hành chính. Việc xử lý hình sự thường bị kéo dài, trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều lần, không thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng về xác định tội danh, hình phạt. Việc đình chỉ bị can, miễn trách nhiệm hình sự còn nhiều bất cập. Thực trạng xử lý một số vụ tham nhũng chưa tạo được lòng tin của nhân dân vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Buổi làm việc ghi nhận nhiều ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần bổ sung đánh giá tình hình công tác phòng chống tham nhũng của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng để có cái nhìn tổng thể, thống nhất về nội dung này, trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.
Nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các cơ quan báo chí trong phòng chống tham nhũng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đề nghị cần có đánh giá vai trò, hiệu quả của báo chí trong đấu tranh phòng chống tham nhũng bởi hầu hết các vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý từ kênh thông tin báo chí.
Quang Vũ