Chiều nay, 16/12, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Trong số các Bộ luật và Luật được thông qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Một trong những điểm mới của Luật này là bổ sung và giao Chính phủ quy định cụ thể đối với cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác (áp dụng đối với cả người có hành vi vi phạm trước 1/7/2020) thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm, gắn hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.
Theo quy định này, ngoài việc bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm.. thì cán bộ, công chức đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu còn bị xử lý cả quyền lợi vật chất kèm theo. Vậy “quyền lợi vật chất kèm theo” này là những gì?
Giải thích vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, mọi hành vi vi phạm của cán bộ, công chức trong thời gian công tác đều bị xử lý nghiêm theo pháp luật. Theo đó, việc xử lý kỷ luật này cũng phải gắn hệ quả pháp lý tương ứng.
“Hệ quả pháp lý thì liên quan đến cả vật chất và tinh thần, và đây là vấn đề rất phức tạp…Đối với lương hưu, do tính trên cơ sở đóng và hưởng nên không thể tính chuyện này được. Rồi một số lợi ích vật chất gắn với chức vụ đó, như khám chữa bệnh, khen thưởng…
Anh giữ chức vụ đó thì anh được Bằng khen, Huân chương, bây giờ bị xử lý kỷ luật thì có thể xem xét chỗ này. Đó là cả về chất và tinh thần. Tinh thần quan trọng nhất là danh dự, tức là tư cách chức vụ, thì cái này Quốc hội giao cho Chính phủ quy định cụ thể….
Bộ Nội vụ sẽ phối hợp, thống nhất với Ban Tổ chức Trung ương xem chế độ như thế nào, cả vấn đề xe, khám chữa bệnh… để xử lý sao cho hợp lý. Và Chính phủ sẽ quy định chi tiết vấn đề này”- Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết thêm.