Theo kế hoạch, mỗi năm Tiểu đoàn Thiết giáp 47 Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đều tổ chức luyện tập, huấn luyện dã ngoại. Đợt hành quân dã ngoại năm 2011 luyện tập dưới nước là lần thử sức mới, qua đó bồi dưỡng trình độ chuyên môn kỹ thuật, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Trong các ngày 13-17/6, Tiểu đoàn Thiết giáp 47 đã tổ chức huấn luyện bổ túc lái bơi trên xe thiết giáp BTR- 60 PB tại hồ bơi xe của Trung đoàn bộ binh cơ giới 102 - Sư đoàn 308. Đây là nội dung huấn luyện mới, được Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chỉ đạo nhằm góp phần nâng cao khả năng cơ động, sẵn sàng chiến đấu và trình độ khai thác sử dụng trang bị kỹ thuật của bộ đội trong mọi địa hình và điều kiện thời tiết, nhất là khi mùa mưa bão đang đang tới gần.
Những ngày tháng sáu. Nắng như đổ lửa, ngồi trên xe giống như ngồi trong một chiếc lò hơi nhưng dù luyện tập dài ngày và căng thẳng các anh em vẫn hăng say luyện tập. Hồ bơi có độ sâu khoảng 7-8 m, đoạn đường bơi dài 325m, nhưng chỉ sau 10 phút dời bến, chiếc xe đầu tiên đã lướt sóng cập bến an toàn.
Khi chúng tôi tò mò về chuyện làm sao một cái xe nặng như vậy có thể bơi được trên mặt nước, Đại úy Thiều Trung Đô - Chỉ huy phó kỹ thuật của Tiểu đoàn giải thích: “Các xe sẽ bơi ở 3 trạng thái: Bằng hệ thống chân vịt (lắp ở đuôi xe); bơi kết hợp giữa chân vịt và bánh lốp; bơi bằng bánh lốp. Thường khi bơi bằng chân vịt, xe có tốc độ ổn định khoảng 8km/giờ. Nếu bơi kết hợp, tốc độ có thể lên tới 10km/giờ. Còn nếu chỉ bơi bằng bánh lốp thì tốc độ đạt khoảng 3 km/giờ”.
Đại tá Vũ Văn Khiển, trưởng phòng Tăng Thiết Giáp-người trực tiếp kiểm tra các xe ở lượt bơi đầu tiên cho biết: “Việc huấn luyện sẽ từng bước được nâng cao. Mức độ khó sẽ tăng theo kế hoạch huấn luyện từng ngày. Để đảm bảo tốt công tác huấn luyện, các xe đều bố trí thêm giáo viên ngồi cạnh trợ giáo. Cùng với trợ giúp của giáo viên, Tiểu đoàn cử 6 đồng chí lái xe có trình độ khá nhất trực tiếp làm trợ giáo trong quá trình huấn luyện. Công tác đảm bảo an toàn trong huấn luyện và vệ sinh công nghiệp được chú trọng, tổ trực cứu kéo, cứu hộ ở trên bờ làm nhiệm vụ giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời khi có tình huống xấu”.
Bước ra từ buồng lái với những giọt mồ hôi lăn dài trên má, Đại úy Nguyễn Bá Ngàn tâm sự: “Đây là lần đầu tiên đơn vị thực hành nội dung lái, bơi xe thiết giáp. Anh em lần đầu thực hiện nội dung này nên khó tránh khỏi lúng túng. Song với sự chỉ bảo tận tình của giáo viên thuộc Binh chủng Tăng thiết giáp và sự cố gắng nỗ lực hết mình, các học viên đã biết thao tác khi sử dụng hệ thống lái bơi, phương pháp làm kín bằng mỡ chịu nước, tín hiệu chỉ huy xe trong quá trình thực hành lái bơi, thực hành ngâm xe trong bể ngâm; học nguội và lái bơi xe dưới nước… ”.
Nếu như ở trên cạn, người lái có tầm quan sát rộng, tránh được chướng ngại vật dễ dàng thì khi xuống nước các yếu tố đó đã bị hạn chế, xử lý kỹ thuật cũng khó hơn. Để hoàn thành tốt các bước khi thực hành lái bơi, Đại úy Nguyễn Minh Hải, giáo viên phụ trách huấn luyện chia sẻ: “Ngoài việc nắm bắt được kỹ thuật xử lý, học viên còn đòi hỏi phải có kinh nghiệm “trận mạc”. Sau lần thử sức dưới nước này, tôi tin rằng tổ lái đã “bỏ túi” được những kinh nghiệm đáng kể”.
Hữu Thu