Hoàn thiện hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng
Thực hiện Nghị quyết của Đại hội, ngày 13/8/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch hành động số 26-KH/TU “Về thực hiện khâu đột phá về phát triển hạ tầng giai đoạn 2021 - 2025”. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển các lĩnh vực hạ tầng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm, có tính kết nối, liên kết vùng cao và hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp (KCN), hạ tầng đô thị.
Thông tin từ Tỉnh ủy Thanh Hóa, từ năm 2021 đến hết tháng 5 năm 2023, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được quan tâm, ưu tiên đầu tư với tổng số vốn thực hiện là 5.696 tỷ đồng; đã thực hiện đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ, đường tỉnh, các tuyến đường lớn, quan trọng với tổng chiều dài 133,9 km, đạt 95,7% mục tiêu kế hoạch (trong đó: đường quốc lộ dài 56 km, tỉnh lộ dài 77,9 km); đầu tư mới khoảng 154,2 km, đạt 49,7% mục tiêu kế hoạch.
Đã thi công hoàn thành, đưa vào sử dụng một số dự án hạ tầng quan trọng như: Đường giao thông nối thị xã Sầm Sơn với Khu kinh tế Nghi Sơn; Đại lộ Đông - Tây thành phố Thanh Hóa đoạn từ thị trấn Rừng Thông đến Quốc lộ 1A...; khởi công xây dựng một số dự án lớn như: Đường giao thông từ Khu công nghiệp Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa; đường Vạn Thiện đi Bến En; đường nối Quốc lộ 1A và Quốc lộ 45 từ xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hóa đến xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa…
Hoàn thành việc lập và công bố quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hệ thống cảng biển (cảng tổng hợp, cảng nước sâu) được quy hoạch và đầu tư, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2 cảng biển là Cảng Lễ Môn và Cảng Nghi Sơn; đã hoàn thành việc bổ sung Cảng biển Lạch Sung vào quy hoạch cảng biển quốc gia.
Hoàn thành, đưa vào sử dụng một số dự án hạ tầng đã góp phần quan trọng để bảo đảm an toàn giao thông, tăng năng lực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Thanh Hóa.
Hoàn thiện hạ tầng công nghiệp, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư
Xây dựng và phát triển các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), luôn nhận được sự quan tâm của Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Thanh Hóa; sự phối hợp, hỗ trợ của các sở, ban, ngành, cấp ủy chính quyền địa phương, qua đó góp phần thúc đẩy tốc độ phát triển của cả tỉnh.
Giai đoạn 2021-2023, tỉnh Thanh Hóa đã huy động được tổng số vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn là 4.747 tỷ đồng; trong đó, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng một số dự án như: Đường Đông Tây đoạn nối đường Bắc Nam 1 với đường Bắc Nam 3 - KKT Nghi Sơn; Đường Đông Tây 4 đi Cảng Nghi Sơn; Cải dịch sông Tuần Cung… Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng hoàn thành 10 khu tái định cư phục vụ di dân, tái định cư, phục vụ giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án trong Khu kinh tế Nghi Sơn.
Ảnh minh họa. |
Trong giai đoạn này, tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN) ước đạt 1.913 ha, bằng 63,7% mục tiêu kế hoạch. Trong đó, các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Nghi Sơn là 1.249 ha, đạt 62,4% mục tiêu kế hoạch; các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh là 664 ha, bằng 66,4% mục tiêu kế hoạch. Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút được nhiều dự án đầu tư, tỷ lệ lấp đầy được nâng lên, cụ thể: KCN Lễ Môn đạt 100%; KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga đạt 94,07%; KCN Bỉm Sơn đạt 66,15%.... Trong KKT Nghi Sơn, đã có 4 khu công nghiệp thu hút được nhà đầu tư hạ tầng, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp trong Khu kinh tế được nâng lên, cụ thể: KCN Luyện Kim đạt 58,89%, KCN Đồng Vàng đạt 6,67%, KCN số 1 đạt 75,77%. Các công trình ngoài hàng rào các khu công nghiệp được đầu tư nhằm tạo sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo tính kết nối với các vùng kinh tế động lực của tỉnh.
Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập mới 15 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 755,22 ha, nâng tổng số cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 44 cụm với tổng diện tích 1.642,96 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 11.654,36 tỷ đồng; trong đó, có 2 cụm công nghiệp đã hoàn thành toàn bộ hạ tầng kỹ thuật (gồm: CCN Thái - Thắng, huyện Hoằng Hóa; CCN thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa); 3 cụm công nghiệp đã hoàn thành hạ tầng theo giai đoạn, đủ điều kiện thu hút dự án thứ cấp (gồm: CCN Bắc Hoằng Hóa, huyện Hoằng Hóa; CCN Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc; CCN thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định); 7 CCN đang triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật; 5 CCN đang tiến hành thủ tục giải phóng mặt bằng để đầu tư hạ tầng kỹ thuật; 27 CCN đang hoàn thiện thủ tục hồ sơ.
Xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, có tính kết nối, liên kết vùng cao và hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng đô thị là nền tảng quan trọng để Thanh Hóa hiện thực hóa mục tiêu phát triển trong từng giai đoạn cụ thể, góp phần thúc đẩy địa phương này dần trở thành một cực tăng trưởng mới trong tứ giác phát triển phía Bắc.