Kết quả thanh tra chuyên ngành ở một số địa phương cho thấy, nhiều việc tồn đọng do phân loại, xác minh điều kiện thi hành án (THA) chưa chuẩn.
Theo Thanh tra Bộ Tư pháp, số lượng hồ sơ chưa có điều kiện THA tại một số địa phương được thanh tra chiếm tỷ lệ trung bình (khoảng 20%) trong tổng số hồ sơ phải thi hành; trong đó, cao nhất có đơn vị lên tới 37% và thấp nhất là 10%.
Ảnh minh họa |
Những hồ sơ chưa có điều kiện chủ yếu là hồ sơ hình sự thuộc diện chủ động ra quyết định THA nhưng người phải đi tù không có tài sản, không có người thân trong gia đình. Với những hồ sơ này, cơ quan THA theo dõi riêng và 6 tháng phải xác minh lại, tuy nhiên việc làm này chỉ mang tính chiếu lệ. “Tỷ lệ hồ sơ chưa có điều kiện THA vẫn còn ở mức cao”, Thanh tra Bộ đánh giá.
Xác minh chưa đúng đã “vội” quy không có tài sản
Cũng theo đánh giá của Thanh tra Bộ Tư pháp, vấn đề nổi cộm nhất là tác nghiệp của chấp hành viên chưa đảm bảo chặt chẽ. Một số hồ sơ THA mà người phải THA là doanh nghiệp chưa được thực hiện theo đúng trình tự thủ tục, cụ thể là doanh nghiệp; nhưng THA lại vận dụng cách xác minh thông thường như với cá nhân (xác minh qua tổ trưởng dân phố, cảnh sát khu vực) nên thu thập thông tin không chính xác, thậm chí không có thông tin của doanh nghiệp nhưng vẫn kết luận doanh nghiệp không có tài sản để THA.
Ngoài ra, khi giải quyết hồ sơ mà người phải THA là doanh nghiệp nhưng đang làm thủ tục phá sản, giải thể, nhiều chấp hành viên rất lúng túng, xác minh chỉ dựa trên hồ sơ photo do doanh nghiệp cung cấp mà không tiến hành làm việc với các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết doanh nghiệp phá sản, giải thể.
Ngược lại với các trường hợp nêu trên, trong một số trường hợp địa phương cung cấp là người phải THA có nhà, đất nhưng chấp hành viên lại cho rằng, tài sản đó có giá trị quá lớn so với nghĩa vụ đương sự phải thi hành nên không cần xác minh tiếp nhà đất là của ai. Có trường hợp người phải THA làm nghề tự do, không có căn cứ xác định thu nhập nhưng chấp hành viên không tiến hành xác minh phương tiện lao động mà người phải THA đang sử dụng là sở hữu của ai.
Bên cạnh đó là những trường hợp Chấp hành viên THA không tiến hành trực tiếp xác minh tại địa phương, mà chỉ thông qua lời trình bày của người phải THA, nhân thân của người phải THA để “kết” vụ việc chưa có điều kiện thi hành; việc này trái với Khoản 2, Điều 44 Luật THADS
Chậm xác minh điều kiện THA
Ngoài những “lỗi” kể trên, Thanh tra Bộ Tư pháp còn chỉ rõ: Một số hồ sơ thể hiện Chấp hành viên còn chậm xác minh điều kiện THA. Trong khi Luật quy định, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày chủ động ra quyết định THA hoặc từ ngày nhận được đơn yêu cầu xác minh của người được THA, Chấp hành viên phải xác minh. Tuy nhiên, một số trường hợp chấp hành viên tiến hành xác minh lần đầu sau 3 tháng, thậm chí sau 1 năm kể từ ngày ra quyết định THA.
Cũng là lỗi về nghiệp vụ nhưng lại là “tác nhân” dẫn đến khiếu nại, theo Thanh tra Bộ Tư pháp một số hồ sơ chưa có điều kiện THA thuộc diện trả lại đơn yêu cầu chưa được gửi cho người được THA. Một số chấp hành viên còn tư tưởng đương sự không thúc giục yêu cầu THA, không khiếu nại thì không cần phải theo dõi việc gửi quyết định trả đơn yêu cầu.
THA theo đơn yêu cầu, nhưng Chấp hành viên chỉ quan tâm đến việc tống đạt các quyết định cho người phải THA mà không gửi các văn bản này cho người được THA, người có quyền, lợi ích liên quan.
Qua thanh tra công tác phân loại án tại một số địa phương, Thanh tra Bộ kiến nghị: Cần có quy định về thời hạn xác minh đối với những trường hợp chưa có điều kiện THA do người phải THA không có địa chỉ, không có nhà hoặc tài sản tại nơi tòa án tuyên địa chỉ cư trú. Bên cạnh đó, cần phối hợp với Bộ Công an ban hành văn bản quy định cụ thể về việc trại giam nơi tiếp nhận người phải THA chấp hành hình phạt tù có trách nhiệm thông báo cho cơ quan THA có thẩm quyền. |