Vướng lao lý vì... sở thích 'bình thường'

2 khúc ngà voi châu Phi - một trong các sản phẩm ĐVHD bị người dân phát hiện tại nhà đối tượng qua livestream. (Ảnh: ENV)
2 khúc ngà voi châu Phi - một trong các sản phẩm ĐVHD bị người dân phát hiện tại nhà đối tượng qua livestream. (Ảnh: ENV)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong đời sống hàng ngày có những hành động tưởng chừng như bình thường trong mắt nhiều người: sử dụng thuốc có nguồn gốc từ động vật hoang dã (ĐVHD), đeo trang sức, trang trí nhà cửa bằng tiêu bản ĐVHD, nuôi ĐVHD ngoại lai làm thú cưng... thì đều là những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD, là mối đe dọa nghiêm trọng đến đa dạng sinh học của đất nước.

Mẹ chồng, nàng dâu và... động vật hoang dã

Vì sao lại có sự “kết hợp” lạ kỳ này? Câu trả lời đến từ hai vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây.

Cuối tháng 4 vừa qua, TAND huyện Côn Đảo vừa xét xử hai đối tượng mua trứng rùa biển, một đối tượng cung cấp và một đối tượng môi giới về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm” theo quy định tại khoản 1 Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Trước đó, tháng 6/2023, khi đi du lịch cùng gia đình tại Côn Đảo, đối tượng Lê Thị Chi (sinh năm 1992, trú tại Tây Nam Kim Giang 1, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) đã nhờ Phạm Anh Tuấn (sinh năm 1997, trú tại xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) là tài xế taxi tại Côn Đảo tìm mua giúp trứng rùa biển. Thông qua Tuấn, Lương Kiều Tính (sinh năm 1980, trú tại phường Vĩnh Lợi, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) - được biết đến là đối tượng chuyên buôn bán trái phép trứng rùa biển đã bán cho Chi 5 quả trứng rùa biển với giá 250.000 đồng/quả. Sau đó, Chi đã nhờ mẹ chồng là Đỗ Thị Lệ Hoa (sinh năm 1975, trú tại thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) cất số trứng này vào vali của bà Hoa để đưa về đất liền. Tuy nhiên, các đối tượng đã bị lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ tại Cảng Hàng không Côn Đảo. Bốn trong 5 quả trứng trên được xác định là trứng vích.

Vích (Chelonia mydas) là một trong năm loài rùa biển có phân bố tự nhiên tại Việt Nam, đồng thời được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo quy định của Việt Nam và quốc tế. Cụ thể, vích được liệt kê trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định 64/2019/NĐ-CP và Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Huyện đảo Côn Đảo tự hào là “bãi đẻ” lớn nhất của vích tại Việt Nam. Mỗi năm, có hàng trăm cá thể vích đến các bãi biển ở Côn Đảo để đẻ trứng.

Với hành vi phạm tội của mình, các đối tượng đã nhận được những bản án thích đáng. Cụ thể, đối tượng Lương Kiều Tính (cung cấp trứng rùa biển) nhận bản án 12 tháng tù. Đối tượng Đỗ Thị Lệ Hoa cùng con dâu Lê Thị Chi (mua trứng rùa biển) bị xử phạt lần lượt 500 triệu đồng và 550 triệu đồng. Tài xế taxi Phạm Anh Tuấn (môi giới bán trứng rùa biển) nhận bản án 12 tháng tù nhưng được hưởng án treo với thời gian thử thách 24 tháng.

Tang vật 5 quả trứng rùa biển mẹ chồng và con dâu mua ở Côn Đảo bị cơ quan chức năng thu giữ. (Ảnh: Báo Thanh niên)

Tang vật 5 quả trứng rùa biển mẹ chồng và con dâu mua ở Côn Đảo bị cơ quan chức năng thu giữ. (Ảnh: Báo Thanh niên)

Ngày 8/8/2023, TAND huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt đối tượng Hoàng Thị Ngọc mức án 24 tháng tù và phạt bổ sung 50 triệu đồng về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo quy định tại khoản 1 Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. Trước đó, vào ngày 23/2/2023, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Công an huyện Vũ Quang đã kiểm tra nhà riêng của đối tượng Hoàng Thị Ngọc và tịch thu 3 cá thể rắn hổ chúa (Ophiophagus hannah), 1 cá thể hổ con (Panthera tigris) đều đã bị ngâm rượu và 2 khúc ngà voi châu Phi (Loxodonta africana) có khối lượng 6,1kg đã chế tác và đang được gắn làm đồ trang trí.

Thông tin vụ việc do một người dân thông báo tới cơ quan chức năng sau khi theo dõi con dâu của đối tượng Ngọc livestream (phát trực tiếp) tại phòng khách của căn nhà - là nơi lưu giữ những sản phẩm từ ĐVHD nói trên. Sau khi tiếp nhận thông tin, cơ quan công an đã kiểm tra, bắt giữ đối tượng và tịch thu số tang vật kể trên. Bình rượu ngâm rắn hổ chúa và hổ con đã được chuyển giao đến Vườn Quốc gia Vũ Quang.

Theo quy định hiện hành của pháp luật, hổ, rắn hổ chúa và voi đều là những loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế. Tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng, hành vi tàng trữ trái phép cá thể, sản phẩm, bộ phận cơ thể của các loài này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt lên đến 15 năm tù đối với cá nhân hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt lên đến 360 triệu đồng đối với cá nhân. Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết, nhiều người dân vẫn thực hiện hoạt động mua bán, tàng trữ trái phép ĐVHD, sản phẩm, bộ phận từ chúng trái phép và đã phải đối diện với những hậu quả pháp lý nghiêm trọng như trường hợp của đối tượng Ngọc. Được biết, đối tượng Ngọc đã mua rắn hổ chúa và hổ con về ngâm rượu để chữa xương khớp.

Hâm mộ động vật hoang dã ngoại lai - án tù phía trước

Thời gian gần đây, nuôi động vật ĐVHD ngoại lai để làm cảnh đang trở thành trào lưu trong một bộ phận người dân và đặc biệt là giới trẻ. Người dân thường mua từ các nguồn trôi nổi trên thị trường, chủ yếu là qua các trang mạng xã hội mà không biết rằng hoạt động buôn bán trái phép là hành vi vi phạm pháp luật.

Cuối năm 2023, TAND tỉnh Đắk Lắk mở phiên tòa xét xử Bùi Bảo Trọng (sinh năm 1990, thường trú tại quận 5, TP Hồ Chí Minh) về hành vi nuôi nhốt trái phép 5 cá thể rùa Sulcata cùng 3 cá thể rùa phóng xạ. Trước đó, tháng 1/2023, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đắk Lắk kiểm tra nơi ở của đối tượng Bùi Bảo Trọng thì phát hiện đối tượng đang nuôi nhốt trái phép 5 cá thể rùa Sulcata cùng 3 cá thể rùa phóng xạ. Tòa đã tuyên phạt Bùi Bảo Trọng mức án 1 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” quy định tại Điều 244 BLHS và bị xử phạt hành chính 345 triệu đồng cho hành vi nuôi nhốt, tàng trữ trái phép các loài rùa ngoại lai (không có phân bố tự nhiên tại Việt Nam).

Rùa phóng xạ và rùa Sulcata là 2 loài rùa nguy cấp, quý, hiếm không có phân bố tự nhiên tại Việt Nam và đều được được liệt kê trong Phụ lục Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Trong đó, rùa phóng xạ được liệt kê trong Phụ lục I CITES - nghiêm cấm xuất khẩu, nhập khẩu vì mục đích thương mại và rùa Sulcata được liệt kê trong Phụ lục II CITES - các hoạt động xuất, nhập khẩu và buôn bán bị kiểm soát chặt chẽ. Việc buôn bán rùa phóng xạ có nguồn gốc từ tự nhiên bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư. Trong khi đó, việc nuôi nhốt, buôn bán rùa Sulcata đòi hỏi phải bảo đảm giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp và đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng, hành vi nuôi nhốt, buôn bán trái phép rùa phóng xạ và rùa Sulcata có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt tối đa lên đến 15 năm tù đối với cá nhân theo quy định tại Điều 234, 244 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 và/hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính với mức hình phạt tối đa lên đến 400 triệu đồng đối với cá nhân theo quy định tại Điều 21, 23 Nghị định 35/2019/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 07/2022/NĐ-CP.

Được biết, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) đã ghi nhận 158 vụ việc với hàng ngàn cá thể ĐVHD không có phân bố tự nhiên tại Việt Nam bị quảng cáo, buôn bán trên internet có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Mới đây, ngày 17/4/2024, TAND tỉnh Cao Bằng đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bốn đối tượng vận chuyển trái phép 132 cá thể ĐVHD ngoại lai, theo quy định tại khoản 2 Điều 244 và khoản 1, 2 Điều 234 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Nguyễn Văn Sơn (sinh năm 1982, trú tại tỉnh Cao Bằng) và Phạm Thế Phúc (trú tại tỉnh Hưng Yên) lần lượt nhận mức án 5 năm và 8 năm tù vì hành vi buôn bán ĐVHD trái phép. Hai lái xe Cao Huy Cường (sinh năm 1982) và Nguyễn Văn Thùy (sinh năm 1992, đều trú tại tỉnh Cao Bằng) đã bị xử phạt lần lượt là 6 năm tù và 60 triệu đồng.

Ngày 26/2/2023, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Cao Bằng đã phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Cao Bằng kiểm tra 3 xe ô tô, phát hiện và tịch thu 132 cá thể ĐVHD ngoại lai, trong đó bao gồm 75 cá thể vẹt cổ hồng, 10 cá thể vẹt xám châu Phi, 5 cá thể vẹt mào vàng, 16 cá thể chồn Meerkat và nhiều loài ĐVHD ngoại lai khác.

Nuôi nhốt rùa phóng xạ là hành vi vi phạm pháp luật. Ảnh minh họa. (Ảnh: ENV)

Nuôi nhốt rùa phóng xạ là hành vi vi phạm pháp luật. Ảnh minh họa. (Ảnh: ENV)

Theo thông tin từ ENV, nằm ở khu vực giáp ranh biên giới Trung Quốc với nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối mở Cao Bằng đang dần trở thành tuyến đường vận chuyển quan trọng bị các đối tượng lợi dụng để vận chuyển, buôn bán ĐVHD trái phép từ Việt Nam sang các quốc gia láng giềng và ngược lại. Chỉ từ đầu năm 2022 đến nay, đã ghi nhận khoảng 10 vụ vận chuyển, buôn bán trái phép ĐVHD phát hiện trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Phần lớn vụ án được phát hiện tại các khu vực giáp ranh biên giới Trung Quốc hoặc trên đường đến các khu vực gần cửa khẩu.

Tình trạng buôn bán ĐVHD ngoại lai diễn biến phức tạp đòi hỏi giải pháp toàn diện để có thể xử lý triệt để, góp phần ngăn chặn các mối nguy hại của hoạt động này đối với sức khỏe con người, đa dạng sinh học của Việt Nam và công tác bảo tồn ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm trên toàn cầu. Không chỉ thế, hoạt động nuôi ĐVHD ngoại lai để làm cảnh còn tiềm ẩn nguy cơ lan truyền các dịch bệnh có nguồn gốc từ ĐVHD gây ảnh hưởng đến quần thể loài bản địa nếu loài ngoại lai được thả về môi trường, đồng thời tác động xấu đến công tác bảo tồn các loài quý, hiếm trên toàn cầu.

Do đó, theo bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc ENV, các cơ quan chức năng và cơ quan tiến hành tố tụng cần nêu cao tinh thần quyết tâm trong công tác xử lý tội phạm về ĐVHD và xử phạt nghiêm minh các hành vi nuôi nhốt trái phép, buôn bán ĐVHD ngoại lai, để qua đó cho thấy pháp luật sẽ không khoan nhượng với các vi phạm về ĐVHD nói chung và vi phạm liên quan đến loài ngoại lai nói riêng.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Lập khống phiếu cấp nhiên liệu, chiếm đoạt hơn 8 tỷ đồng

Lập khống phiếu cấp nhiên liệu, chiếm đoạt hơn 8 tỷ đồng
(PLVN) - Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) vừa phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 7 đối tượng về tội “Tham ô tài sản”.

Điều tra vụ nghi bạo hành trẻ em tại TP Vũng Tàu

Điều tra vụ nghi bạo hành trẻ em tại TP Vũng Tàu
(PLVN) - Trong quá trình trông giữ, quản lý các cháu, bà T.T.B đã có những hành vi như dùng tay đánh đập vào miệng, vào mặt, giật tóc; dùng thìa inox, chiếc điều khiển của tivi đập vào miệng các cháu bé nhằm mục đích ép các cháu ăn, uống.

Bạc Liêu: Cảnh giác “tín dụng đen” dịp cuối năm

Bạc Liêu: Cảnh giác “tín dụng đen” dịp cuối năm
(PLVN) - Cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng, vay vốn làm ăn của người dân tăng cao. Đây cũng là thời điểm mà các đối tượng “tín dụng đen” lợi dụng, tung các chiêu trò dụ dỗ người dân với phương thức mới: cho vay thông qua các phần mềm, ứng dụng online trên điện thoại di động, các website, mạng xã hội Facebook, Zalo.