Chỉ còn 3 ngày nữa, cử tri cả nước sẽ nô nức đi bỏ phiếu lựa chọn những người xứng đáng nhất đại diện cho mình vào Quốc hội, HĐND các cấp. Công tác chuẩn bị cơ bản đã hoàn tất, trong đó đặc biệt ở các xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới và hải đảo, không khí của “một ngày hội lớn” đang ngập tràn.
Xã Minh Thanh (Sơn Dương, Tuyên Quang) những ngày này, đâu đâu cũng là không khí náo nức chuẩn bị ngày bầu cử. Tại Hội trường thôn Mới - “thủ phủ” của các cơ quan Chính phủ những ngày đầu cách mạng - danh sách ứng viên được niêm yết ngay tại Nhà văn hóa.
Ông Trưởng thôn Mới Nguyễn Văn Nhuận hồ hởi: “Cán bộ xã, thôn đã đến từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân đi bầu cử. Mọi người đều hiểu đây là cơ hội để họ lựa chọn những người đại diện cho mình, nói lên tiếng nói của mình để đất nước nói chung, đồng bào vùng cao nói riêng có cuộc sống khá hơn”.
Ở Điện Biên, mặc dù là nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn song công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử cũng diễn ra khá chu đáo. Ngoài các hình thức tuyên truyền cho bà con dân tộc, tỉnh còn lưu ý đến những người không biết tiếng phổ thông, những cử tri thuộc diện di dân tái định cư thủy điện Sơn La tại các điểm định cư thực hiện được quyền bầu cử.
Tại huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) khắp nơi cờ hoa, biểu ngữ, băng rôn… rợp trời. Nắng mới đầu hè cũng làm cho không khí rộn ràng hơn với sắc màu trang phục của người dân tộc thiểu số. Với gần 9 ngàn người dân tộc Khmer sinh sống trên địa bàn, để chuẩn bị cho cuộc bầu cử sắp tới, chính quyền các cấp, các ban ngành đã cùng vào cuộc để người dân hiểu rõ hơn về quyền lợi cũng như nghĩa vụ của mình.
Huyện đã huy động các cán bộ là người bản địa, biết tiếng Khmer đến từng cuộc họp thôn bản, đến từng gia đình để tuyên truyền về bầu cử. Hàng trăm chuyến xe lưu động cũng đến từng ngõ xóm, từng vùng hẻo lánh để công khai lý lịch, tiểu sử các ứng viên.
Ở Cù Lao Chàm (thuộc xã đảo Tân Hiệp, TP. Hội An, Quảng Nam), không khí cũng đang rộn ràng cho ngày bầu cử. Cách Hội An 19km, là nơi xa đất liền nhưng công tác chuẩn bị cho bầu cử ở đây rất chu đáo. Với đặc thù là xã đảo, người dân chủ yếu sống bằng nghề biển nhưng họ đã biến khó khăn này thành lợi thế khi sử dụng chính những chiếc bộ đàm đi biển để kết nối những thông tin về ngày bầu cử.
Chính quyền đã tuyên truyền về ngày bầu cử trên hệ thống loa truyền thanh, tuyên truyền trực tiếp bằng các cuộc họp của thôn xóm. Để đề phòng sự cố, xã còn chuẩn bị cả máy phát điện, ca nô kịp đưa những người đi biển về bỏ phiếu đúng giờ.
Đảm bảo cho cuộc bầu cử thực sự là “ngày hội của toàn dân”, ở những nơi vùng cao, biên giới, hải đảo, những nơi nhận thức và điều kiện sống của người dân còn nhiều hạn chế, các địa phương đều đã có sự chuẩn bị khá chu đáo, có cả những phương án đề phòng tình huống xấu. Ngày hội bầu cử đang đến rất gần, tất cả đã sẵn sàng cho một “ngày hội lớn”.
P.V