Vụ Gang thép Thái Nguyên: Các bị cáo gây thiệt hại nghiêm trọng

Các bị cáo tại phiên tòa chiều 14/4. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Các bị cáo tại phiên tòa chiều 14/4. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong phiên xét xử sáng 17/4, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đưa ra nhiều luận điểm quan trọng, đối đáp lại các nội dung tranh luận của luật sư bào chữa và các bị cáo.

Sáng 17/4, tại phiên tòa xét xử vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO), đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đưa ra nhiều luận điểm quan trọng, đối đáp lại các nội dung tranh luận của luật sư bào chữa và các bị cáo.

Các bị cáo không thực hiện quyền và trách nhiệm được giao

Đối với nhóm 3 bị cáo nguyên là thành viên Hội đồng quản trị TISCO (gồm Nguyễn Chí Dũng, Hoàng Ngọc Diệp, Đoàn Thu Trang) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng,” quá trình tranh luận, 3 bị cáo và luật sư bào chữa cho rằng các bị cáo không phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” nên không phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Về ý kiến này, công tố viên nêu quan điểm, 3 bị cáo nói trên là các thành viên Hội đồng quản trị, có quyền quyết định cao nhất tại TISCO; có quyền quyết định phương án đầu tư, dự án đầu tư trong thẩm quyền và giới hạn theo quy định; đại diện cho TISCO để quyết định mọi vấn đề liên quan đến mục đích, quyền lợi của công ty.

Do vậy, khi thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ được giao, các bị cáo phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật và Điều lệ của Công ty để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của TISCO và Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS).

Tuy nhiên, khi nhận được Tờ trình số 405/Tr-GTTN ngày 4/11/2009 của TISCO đề nghị phê duyệt điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư của phần C Hợp đồng EPC số 01# (tăng 15,57 triệu USD so với Hợp đồng EPC số 01# đã ký kết), các bị cáo chỉ căn cứ vào Văn bản số 1343/VNS-ĐTPT của VNS (có nội dung: Chấp nhận điều chỉnh lại cơ cấu tổng mức đầu tư dự án như nội dung Tờ trình số 220/TTr-GTTN ngày 19/8/2009; giao người đại diện vốn của VNS tại TISCO phê duyệt (hoặc biểu quyết phê duyệt) về việc điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư dự án (cho phần C Hợp đồng EPC là 15,57 triệu USD) như nội dung Tờ trình nói trên đảm bảo tuân thủ theo các quy định hiện hành của Nhà nước) để cho ý kiến đồng ý với nội dung Tờ trình số 405.

Ba bị cáo nêu trên đã không thực hiện quyền của thành viên Hội đồng quản trị TISCO để yêu cầu lãnh đạo doanh nghiệp cung cấp các thông tin, tài liệu về tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh của công ty và của các đơn vị trong công ty để có các thông tin, tài liệu nghiên cứu, xem xét việc điều chỉnh tăng chi phí 15,57 triệu USD cho phần C của Hợp đồng EPC số 01# có cơ sở pháp lý, đảm bảo tuân thủ theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

Thay vào đó, các bị cáo đồng ý với việc điều chỉnh tăng 15,57 triệu USD cho phần C không có căn cứ, không đúng quy định của pháp luật về Hợp đồng EPC theo hình thức trọn gói, dẫn đến việc TISCO điều chỉnh tăng giá gói thầu của Hợp đồng trái pháp luật, dẫn đến gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản của Nhà nước.

Không có căn cứ để đổi tội danh

Quá trình tranh luận, một số luật sư bào chữa cho nhóm bị cáo bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" cho rằng thân chủ của mình không có lỗi cố ý, hành vi của bị cáo trong vụ án là buộc phải thực hiện theo ý kiến đã được phê duyệt thực hiện từ cơ quan chủ quản, từ ý kiến tham vấn của các bộ, ngành…

Do vậy, những luật sư này đề nghị Hội đồng xét xử, đại diện Viện Kiểm sát đổi tội danh cho các bị cáo từ tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” sang tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.”

Đối đáp với quan điểm này, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, các bị cáo thuộc TISCO và VNS đều biết giá trị Hợp đồng số 01# là giá trọn gói, không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng.

Mặt khác, quá trình thực hiện hợp đồng, các bị cáo này cũng biết rõ Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) vi phạm nhiều nội dung như: Chưa lựa chọn và ký hợp đồng với nhà thầu phụ, chưa hoàn thành thiết kế chi tiết các hạng mục, không đặt hàng chế tạo máy móc thiết bị, không triển khai thi công các hạng mục của gói thầu…

Tuy nhiên, Trần Trọng Mừng (nguyên Tổng Giám đốc TISCO), Mai Văn Tinh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị VNS) và các cá nhân có liên quan của TISCO, VNS đã không dừng hợp đồng mà lại chỉ đạo, bàn bạc, trao đổi, đề xuất, thống nhất để tiếp tục ký các văn bản đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh chi phí (dự toán) phần C Hợp đồng EPC số 01#, TISCO tham gia ký hơp đồng thầu phụ theo hình thức đơn giá, TISCO trực tiếp nghiệm thu, thanh toán cho nhà thầu phụ thực hiện phần C, tự chịu mọi rủi ro…

Đại diện Viện Kiểm sát xác định đề xuất này là không có căn cứ, làm phá vỡ nguyên tắc thực hiện hợp đồng theo hình thức trọn gói của Hợp đồng EPC số 01#, gây bất lợi cho TISCO khi nhà thầu phụ không hoàn thành phần C thì không ràng buộc được trách nhiệm, tạo điều kiện để MCC có lý do chối bỏ trách nhiệm thực hiện Hợp đồng EPC, chấp thuận không có căn cứ Tổng Công ty xây dựng công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) không đủ năng lực đề thực hiện phần C của Hợp đồng, dẫn đến hậu quả VINAINCON không thể hoàn thành các phần việc của phần C theo thời hạn và hợp đồng đã ký.

Hệ quả của việc này là VINAINCON đã phải trả lại các phần việc chưa khởi công, chưa thi công cho TISCO và TISCO phải ký tiếp 13 hợp đồng thầu phụ với 13 nhà thầu phụ khác để tiếp tục thực hiện phần C dưới hình thức hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh.

Nhưng đến thời điểm hết hạn hợp đồng (ngày 31/5/2011) vẫn không thể hoàn thành công việc của phần C và dự án đã phải dừng thi công.

Đại diện Viện Kiểm sát kết luận, đây chính là nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ, làm phát sinh tăng lãi vay, tăng chi phí đầu tư, gây thất thoát, lãng phí đặc biệt nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước.

Do vậy, có đủ căn cứ xác định các bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” với lỗi cố ý; không có căn cứ xác định các bị cáo này phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” như đề nghị của một số bị cáo và luật sư bào chữa đã nêu.

Sau phần đối đáp của đại diện Viện Kiểm sát, các luật sư bào chữa đã tiếp tục tham gia đối đáp lại với đại diện Viện Kiểm sát. Trong đó, các luật sư tập trung nêu và phân tích thêm nhiều luận điểm xoay quanh nội dung các bị cáo thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, việc ký Tờ trình số 405, trách nhiệm trong việc thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên…

Đọc thêm

Vụ án Ban quản trị chung cư Miếu Nổi “tham ô”, “lợi dụng chức vụ”: Tự ý tiêu xài nhiều tỉ đồng đóng góp của cư dân

Đối tượng Phương và Đại khi bị bắt. (Ảnh: Công an cung cấp)
(PLVN) - Cơ quan CSĐT Công an TP HCM vừa ban hành kết luận điều tra (KLĐT) bổ sung vụ án xảy ra tại chung cư Miếu Nổi (quận Bình Thạnh). CQĐT đề nghị truy tố Phạm Phương, Đinh Việt Cường cùng về tội "Tham ô tài sản", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; Phan Dương Đại, Lê Văn Bình, Nguyễn Phước Nguyên tội "Tham ô tài sản"; Tôn Ngọc Bạch, Nguyễn Thị Đào về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Sơ thẩm vụ 'Trốn thuế' ở Phú Giáo (Bình Dương): VKS đề nghị phạt tiền với 3 bị cáo

VKS đề nghị HĐXX phạt tiền các bị cáo về tội “Trốn thuế”.
(PLVN) - Hôm qua (12/12), TAND huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) mở phiên sơ thẩm với bị cáo Nguyễn Thị Phương Huệ (SN 1967), Trần Thanh Tài (SN 1997, con trai bà Huệ, cùng ngụ huyện Phú Giáo) và Võ Đức Quang (SN 1993, ngụ Chơn Thành, Bình Phước) về tội “Trốn thuế”. Cả ba bị cáo buộc trốn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) khi khai giá mua bán đất thấp hơn giá thực tế.

Tuyên án vụ Xuyên Việt Oil

Các bị cáo tại phiên xử. (Ảnh: Quỳnh Trần)
(PLVN) - Hôm qua (29/11), TAND TP HCM công bố bản án với cựu Bí thư tỉnh Bến Tre Lê Đức Thọ; cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải; Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Cty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil Mai Thị Hồng Hạnh; cùng 12 bị cáo khác.

Đánh người suýt mất mạng, 4 thanh niên lĩnh 31 năm tù

Các bị cáo tại phiên tòa.
(PLVN) - Ngày 27/11, TAND tỉnh Kiên Giang đã tuyên phạt 4 bị cáo: Nguyễn Tấn Tường (21 tuổi), Trần Xuân Tuyến (23 tuổi), Trần Hữu Tèo (29 tuổi); Nguyễn Văn Khanh (23 tuổi), tổng cộng 31 năm tù về tội “Giết người”. Nạn nhân trong vụ án này là N.T.D (18 tuổi, ngụ TP Phú Quốc), hiện bị tổn thương cơ thể do các bị cáo gây ra là 44%.