Năm 2012, lần đầu tiên doanh thu của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đạt 140 nghìn tỷ đồng, trong khi doanh thu của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) là 130,5 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận của Viettel cũng cao gáp 3 lần lợi nhuận của VNPT.
Minh họa Anh Sơn |
Viettel “thắng” nhờ “nội công, ngoại kích”
Tại hội nghị tổng kết năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, doanh thu của Viettel năm 2012 đạt 140 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận là 27 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng gần 40%, vượt kế hoạch 21%. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt trên 40%, nộp ngân sách nhà nước 11.400 tỷ đồng, tăng 24%, thu nhập bình quân người lao động tăng 12% so với năm 2011.
Liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài, ông Hùng cho biết, hiện Viettel đang đầu tư và kinh doanh tại 7 nước, với thị trường 110 triệu dân, gồm 3 nước ở châu Á, hai nước ở châu Phi và hai nước ở châu Mỹ. 4 nước đã kinh doanh và có lãi với tổng số thuê bao đạt 10 triệu thuê bao. Doanh thu riêng về dịch vụ viễn thông tại nước ngoài của Viettel đạt gần 600 triệu USD, tăng trưởng 45%, lợi nhuận mang về nước năm 2012 là 76 triệu USD, tăng trưởng 85%.
Dự kiến năm 2013, Viettel đặt mục tiêu tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng 18%, riêng thị trường nước ngoài tăng trưởng 50%, đồng thời nghiên cứu chế tạo thêm 10 thiết bị điện tử viễn thông “made in Việt Nam”. “Trong chiến lược giai đoạn tới, Viettel sẽ đẩy mạnh truy cập Internet băng rộng, nâng tốc độ truy cập lên 100 MGb/s, đưa truyền hình tới các hộ gia đình, phổ cập smartphone đến mọi người dân Việt Nam” – ông Hùng nói – “Về cơ bản mục tiêu phổ cập này sẽ được thực hiện vào năm 2018”.
Đại diện Viettel cho biết, sẽ đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài, mục tiêu sau 2015, thị trường của Viettel tại nước ngoài sẽ lớn hơn trong nước. Theo đó, mục tiêu thị trường nước ngoài của Viettel từ 400- 500 triệu dân vào năm 2015, sẽ tiến tới 1 tỷ dân vào năm 2020.
VNPT tự trách mình
Liên quan đến kết quả sản xuất kinh doanh trong năm, ông Phạm Long Trận, Chủ tịch Hội đồng Thành viên (VNPT), cho biết, doanh thu năm 2012 của VNPT đạt 130.500 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với năm 2010, lợi nhuận đạt 8.500 tỷ đồng. Như vậy, đây là lần đầu tiên doanh thu của VNPT ít hơn so với Viettel. Nếu so sánh với năm 2011, lợi nhuận năm 2012 của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT đã giảm 1.500 tỷ đồng.
“Trong năm 2012, VNPT đã đưa ra những kế hoạch để doanh nghiệp ngày càng phát triển tốt hơn nhưng kết quả đạt được không tốt và Tập đoàn đã có cố gắng rất nhiều” - ông Phạm Long Trận cho biết – “Mức tăng trưởng lợi nhuận của VNPT năm 2012 tuy ở mức trung bình của doanh nghiệp viễn thông trên thế giới, nhưng kém so với nhiều doanh nghiệp viễn thông khác làm ăn tốt”.
Lý giải nguyên nhân, ông Trận cho rằng, 2012 là năm đặc biệt khó khăn, nhất là đối với các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có VNPT, do vậy đã đã tác động đến sản xuất kinh doanh, đến khả năng phát triển của doanh nghiệp, khiến kết quả kinh doanh của VNPT không được như mong muốn. “Khách hàng, thuê bao của VNPT “có tính chất đặc thù”, nhiều doanh nghiệp là thuê bao của VNPT trong năm qua làm ăn thua lỗ, phá sản nên đã tác động rất lớn tới doanh thu của tập đoàn” – ông Trận nói.
Nguyên nhân tiếp theo là do điện thoại cố định là mạng chủ lực của VNPT từ xưa đến nay, mang lại nhiều doanh thu và đóng vai trò quan trọng, nhưng đến giai đoạn hiện nay đã giảm đi nhanh chóng nên doanh thu cũng từ đó giảm theo.
Bên cạnh đó, nguyên nhân nữa là vì VNPT phải hoàn thành các nhiệm vụ viễn thông công ích, những dịch vụ Nhà nước giao trong lĩnh vực an ninh, chống thiên tai, bão lụt… nên cũng tác động đến tăng trưởng lợi nhuận, doanh thu.
“Tuy nhiên, tác động lớn nhất là tự bản thân VNPT, vì VNPT tiền thân là một doanh nghiệp nhà nước nên mô hình cấu trúc, bộ máy, kể cả phương pháp, thái độ phục vụ còn đâu đó mang tính chất không được đổi mới cho nên chậm chạp, phục vụ không tốt. Đặc biệt mô hình tổ chức là vấn đề rất lớn, tác động đến sản xuất kinh doanh, lợi nhuận” – ông Trận thẳng thắn.
Năm 2013, VNPT “chỉ dám” đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 10% so với năm 2012. Lãnh đạo VNPT kỳ vọng, mô hình sản xuất kinh doanh mà VNPT đã gửi lên Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông, nếu được cho phép, sẽ thay cho mô hình còn nhiều hạn chế lâu nay, giúp VNPT sẽ có điều kiện đổi mới sản xuất kinh doanh, có điều kiện phát triển hơn, hiệu quả lợi nhuận cao hơn.
Bách Nguyễn