Hướng đến tăng trưởng bền vững
Nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII (2020-2025) đã đi được nửa chặng đường với những kết quả ấn tượng.
Theo báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Vĩnh Phúc, dự kiến đến hết năm 2023 có 13/25 chỉ tiêu đạt, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, 9/25 chỉ tiêu gần đạt; 3/25 chỉ tiêu đạt thấp; Dự kiến đến năm 2025, có 23/25 chỉ tiêu đạt, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.
Đáng chú ý, kinh tế tăng trưởng khá, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện theo hướng ngày càng hiệu quả hơn.
Về chất lượng tăng trưởng, trong điều kiện đặc biệt khó khăn do tác động của dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng khá so với bình quân chung của cả nước và vùng Đồng bằng sông Hồng, bình quân giai đoạn 2020-2022 đạt 8,8%, trong top 10 tỉnh có tăng trưởng cao nhất toàn quốc.
Đối với tăng trưởng năm 2023, kinh tế có dấu hiệu khởi sắc trong tháng 4, tháng 5/2023, Vĩnh Phúc được dự báo có thể tăng trưởng giai đoạn 2020-2023 sẽ đạt được mục tiêu tăng bình quân 8,5%/năm.
Dự báo này được đánh giá là có cơ sở khi tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của Vĩnh Phúc năm 2021 là 8,06% so với năm 2020 đứng thứ 9 cả nước, năm 2022 tăng 9,4% so với năm 2021, là mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2014 đến nay, đứng thứ 5 trong vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ 17 cả nước.
Các ngành sử dụng công nghệ, năng suất cao có xu hướng ngày càng đóng góp tích cực vào cơ cấu GRDP của Vĩnh Phúc. |
Đặc biệt, mô hình tăng trưởng của Vĩnh Phúc đã từng bước chuyển dịch từ chủ yếu theo chiều rộng sang chiều sâu. Các ngành sử dụng công nghệ, năng suất cao có xu hướng ngày càng đóng góp tích cực vào cơ cấu GRDP của Vĩnh Phúc (ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng tỷ trọng từ 54% năm 2020 lên 58% năm 2022...);
Các ngành có năng suất lao động thấp, sử dụng công nghệ thô sơ, sử dụng diện tích, lao động nhiều, sử dụng nhiều tài nguyên, thiên nhiên có xu hướng giảm so với đầu nhiệm kỳ (tỷ trọng khai khoáng giảm từ 0,3% trong cơ cấu giá trị tăng trưởng xuống còn 0,1%; nông lâm nghiệp thủy sản giảm từ 7,9% năm 2020 xuống còn 6,8% năm 2022).
Dịch vụ đang trở thành ngày kinh tế mũi nhọn
Cùng với đó, các ngành y tế, giáo dục, du lịch ngày càng có đóng góp tích cực hơn trong cơ cấu ngành dịch vụ và xu hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Đáng chú ý, với việc Khu du lịch Tam Đảo trở thành khu du lịch Quốc gia thứ 7 của Việt Nam và được tổ chức World Travel Awards vinh danh là thị trấn du lịch hàng đầu thế giới, năm 2022 đã có hơn 8,2 triệu lượt khách đến Vĩnh Phúc với doanh thu gần 3,3 nghìn tỷ đồng và trong quý I/2023 đã có hơn 2,2 triệu lượt khách tham quan tại tỉnh với doanh thu đạt hơn 850 tỷ đồng (năm 2021 chỉ có hơn 2 triệu lượt khách với doanh thu hơn 1,5 nghìn tỷ đồng).
Kết cấu hạ tầng giao thông từng bước được hoàn thiện với tổng chiều dài đường bộ hơn 7.000 km, trong đó có nhiều tuyến đường quan trọng được khởi công và đi vào hoạt động như Cầu Vĩnh Phú, mở rộng trục trung tâm Mê Linh, Quốc lộ 2, Cầu Đầm Vạc…
Hiện Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc (Trung tâm logistic thông minh tầm quốc tế) giai đoạn 1 đã hoàn thành xây dựng và chuẩn bị đi vào hoạt động, kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề logistics thông suốt, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh của chuỗi cung ứng và phát triển nguồn nhân lực cho Vĩnh Phúc và các tỉnh lân cận…
Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc giai đoạn 1 đã hoàn thành xây dựng và chuẩn bị đi vào hoạt động. |
Khơi thông nguồn lực
Để có được những kết quả đó, một trong những nguyên nhân - bài học kinh nghiệm của Vĩnh Phúc được chỉ ra là công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực được địa phương này đặc biệt quan tâm.
Trong nửa nhiệm kỳ (2020-2022), Vĩnh Phúc đã phê duyệt 32 Đề án tháo gỡ điểm nghẽn trong công tác quản lý nhà nước, khơi thông nguồn lực của 23 sở, ngành và 9 huyện, thành phố.
Địa phương đã chủ động, sáng tạo trong tháo gỡ điểm nghẽn, trong đó Vĩnh Phúc là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành chính sách phân cấp xác định giá bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB)...
Điểm nghẽn lớn nhất về bồi thường - GPMB được tỉnh quyết liệt triển khai thực hiện; giai đoạn 2020-2023, toàn tỉnh đã thực hiện GPMB 2.875ha; trong đó riêng năm 2023 đã GPMB được 275 ha.
Đặc biệt, Vĩnh Phúc cũng rất quyết liệt trong phân cấp, phân quyền, giao tiền, giao trách nhiệm cụ thể, gắn trách nhiệm với cơ sở bằng các việc làm cụ thể như: Phân cấp đến 30% đầu tư công cho cấp huyện (trước đây chỉ 15-18%); Trao quyền tự chủ, tự quyết cho cấp huyện (chống dịch, quyết định đầu tư, phê duyệt dự án...); Tăng cường phân cấp để tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn; cụ thể phân cấp hơn 43 nhiệm vụ thuộc cấp tỉnh về cho cấp huyện (Thẩm quyền định giá đất, phê duyệt qui hoạch, phê duyệt dự án...).
Qua đó nhiều dự án lớn được đẩy nhanh tiến độ triển khai; Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Vĩnh Phúc được cải thiện, 02 năm liên tiếp chỉ số PCI của tỉnh nằm trong top 10 tỉnh có chỉ số cao nhất.
Đặc biệt năm 2022, cả 3 chỉ số PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), PAPI (Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh , PARINDEX (Chỉ số cải cách hành chính) đều trong top 10 địa phương có chỉ số tốt nhất của cả nước, chỉ số chuyển đổi số đứng thứ 12 toàn quốc...
Toàn cảnh Khu đô thị mới VCI Vĩnh Yên. |
Cơ cấu thu ngân sách của Vĩnh Phúc có xu hướng bền vững hơn
Trong bối cảnh thực hiện nhiệm vụ còn nhiều khó khăn nhưng thu ngân sách của Vĩnh Phúc vẫn đạt kết quả rất tích cực, đặc biệt thu ngân sách năm 2022 đạt trên 40 nghìn tỷ đồng, vượt mục tiêu nhiệm kỳ; Đóng góp từ hoạt động sản xuất kinh doanh luôn ở mức trên 80% cơ cấu thu (trong đó, thu từ doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng từ 4,3% năm 2020 lên 4,7% năm 2022; thu nhập cá nhân tăng từ 3,6% lên 3,93%; trong cơ cấu thu đối với khu vực FDI: Thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt có xu hướng giảm từ 45,2% xuống 43,58%...).
Đặc biệt, cơ cấu đóng góp thuế của các doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ tăng: Bình quân giai đoạn 2020-2023, thuế chuyển giao khoa học công nghệ đạt gần 1.000 tỷ đồng/năm.