Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh Vĩnh Phúc quán triệt một số quy định của Bộ Chính trị và thông tin về tình hình của tỉnh những tháng đầu năm 2024, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An đề cập đến những khó khăn, tác động trực tiếp đến tình hình chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh từ cuối năm 2023 đến nay.
Đồng thời, ông Dương Văn An khẳng định rõ những nỗ lực, quyết tâm và tinh thần vượt khó đưa kinh tế của tỉnh phục hồi, khởi sắc ở cả 3 khu vực kinh tế Nhà nước, tư nhân và khu vực đầu tư nước ngoài. Trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng GRDP đạt 6,26%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; thu ngân sách Nhà nước 7 tháng năm 2024 đạt trên 18.030 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhấn mạnh, Vĩnh Phúc vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư; trong 7 tháng năm 2024, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và tăng vốn đầu tư cho 52 dự án FDI, với tổng vốn 473 triệu USD; cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 17 dự án DDI, tổng vốn 3.502 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, Vĩnh Phúc là tỉnh giàu nhưng thu nhập bình quân đầu người không cao. Do vậy, tỉnh cần tính toán tạo nên những trụ cột kinh tế, nguồn thu mới cho ngân sách, tránh phụ thuộc nhiều vào một lĩnh vực để bảo đảm nguồn thu ổn định, bền vững.
Về định hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An cho biết, tỉnh sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế trên cả 3 trụ cột là công nghiệp, du lịch - dịch vụ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng chuỗi giá trị. Tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; thực hiện tốt việc công khai, minh bạch thông tin.
Cùng với đó, nâng cấp cơ sở hạ tầng để tăng cường liên kết vùng; phát triển du lịch, dịch vụ; đẩy mạnh chuyển số trên cả 3 trụ cột kinh tế số, xã hội số, chính quyền số. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.