Ngày 10/3, TAND Cấp cao Tại TP.HCM đưa vụ kiện Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (công ty Ánh Dương - đơn vị sở hữu thương hiệu Taxi Vinasun) và bị đơn là công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam (Grab).
Riêng số tiền 36,3 tỷ đồng Vinasun yêu cầu bồi thường về phần giảm giá trị vốn hóa không được HĐXX chấp nhận.
Theo HĐXX sơ thẩm, căn cứ vào các tài liệu chứng cứ và tranh luận tại tòa đủ cơ sở khẳng định Grab đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam. Grab đã trực tiếp kinh doanh taxi, điều chỉnh giá bán, khuyến mãi, thưởng điểm cho tài xế,… vi phạm các quy định trong “Đề án 24” của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Nghị định 86 về kinh doanh vận tải bằng ôtô, Luật Thương mại,...
Sau bản án, cả Vinasun và Grab đều kháng cáo. Phía Vinasun kháng cáo, yêu cầu cấp phúc thẩm buộc Grab phải bồi thường 36,3 tỷ đồng còn lại cho Vinasun. Trong khi đó, phía Grab kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị tòa cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án, với lý do là TAND TP.HCM không có thẩm quyền giải quyết vụ án này.
Phía Grab cũng “thòng” thêm trường hợp nếu tòa phúc thẩm không đình chỉ giải quyết vụ án thì Grab yêu cầu sửa án sơ thẩm, xác định Grab không kinh doanh vận tải, không vi phạm Đề án 24, Nghị định 86 và bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun.
Ngoài kháng cáo của nguyên đơn và bị đơn, VKSND TP.HCM cũng có kháng nghị. Nhận thấy kháng nghị của VKSND TP.HCM chưa đầy đủ, nên VKSND Cấp cao tại TP.HCM có quyết định kháng nghị bổ sung, đề nghị TAND cùng cấp xử phúc thẩm theo hướng sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun.
Trước đó, đại diện Vinasun khởi kiện vì cho rằng, GrabTaxi đã có những phương thức cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm hàng loạt quy định pháp luật, không tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, vi phạm đề án thí điểm của Bộ GTVT, khuyến mại tràn lan, phá giá... và là nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận của Vinasun sụt giảm.
Phía Vinasun yêu cầu tòa buộc Grab phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trên 41 tỷ đồng, tương đương lợi nhuận bị sụt giảm trong hai năm 2016, 2017.
Trong khi đó, phía Grab lại cho rằng, cáo buộc của phía Vinasun là không có căn cứ. Việc kinh doanh của GrabTaxi không phải là nguyên nhân khiến lợi nhuận của Vinasun sụt giảm. Người đại diện của GrabTaxi cũng khẳng định họ kinh doanh đúng pháp luật Việt Nam, đúng các quy định về kinh doanh vận tải và nộp thuế đầy đủ chứ không hề trốn thuế như Vinasun trình bày.
Trên thực tế, hoạt động kinh doanh của GrabTaxi là hoạt động cung ứng ứng dụng khoa học công nghệ quản lý kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng, được bộ GTVT cấp phép theo chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
GrabTaxi thực hiện theo đúng đề án thí điểm, việc xem xét liệu hoạt động của GrabTaxi có tuân thủ đúng đề án thí điểm hay không là thuộc thẩm quyền của bộ GTVT. Không có bằng chứng nào chứng minh việc GrabTaxi vi phạm các điều kiện về kinh doanh vận tải, kinh doanh taxi (nếu có) là nguyên nhân dẫn đến việc Vinasun bị giảm thiểu khách hàng.
Sau 1 ngày xét xử, HĐXX cấp phúc thẩm nhận định, hành vi của bị đơn Grab là có sai phạm và việc này có liên quan tới thiệt hại của nguyên đơn Vinasun. Tuy nhiên, việc yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại ra sao nguyên đơn Vinasun phải chứng minh và hiện chưa chứng minh được yêu cầu bồi thường toàn bộ số tiền 41,2 tỷ đồng. Bản án sơ thẩm là có căn cứ, hợp tình, hợp lý. Từ đó, TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, bị đơn và kháng nghị của VKSND, giữ nguyên bản án sơ thẩm là Grab phải bồi thường cho Vinasun số tiền 4,8 tỷ đồng.