Việt Nam và Nhật Bản đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ khá sớm, trải qua gần 50 năm, mối quan hệ hợp tác giữa hai đất nước đã phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực từ thương mại, đầu tư đến các vấn đề về an ninh, quốc phòng, văn hóa, xã hội, giáo dục… Cùng đó, trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa hai nước được thúc đẩy. Gần đây nhất, Bộ Tư pháp Việt Nam, Bộ Tư pháp Nhật Bản và Tổ chức JICA Nhật Bản đã tổ chức lễ khởi động Dự án JICA “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật tại Việt Nam” giai đoạn 2021-2025, trong đó có các nội dung hợp tác về phát triển nghề luật sư.
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, hiện có khoảng 40 luật sư và 11 tổ chức hành nghề luật sư Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam. Quan hệ Việt Nam ngày càng phát triển sâu rộng, giao lưu thương mại, hoạt động đầu tư đang gia tăng. Điều đó làm cho vai trò của Luật sư Việt Nam và Nhật Bản trở nên quan trọng bao giờ hết.
Khai mạc hội thảo, ông Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận định, trong những năm gần đây, quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng phát triển mạnh mẽ. Hai nước là đối tác chiến lực quan trọng tin cậy trên nhiều mặt chính trị-kinh tế-văn hóa-xã hội. Quá trình hội nhập quốc tế cũng đã mang lại nhiều cơ hội mở rộng ngành nghề, đặc biệt là trong lĩnh vực tư vấn pháp lý. Do đó, các doanh nghiệp trong và nước ngoài, trong đó có Nhật Bản luôn có nhu cầu được hỗ trợ pháp lý khi tiến hành các sự án đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Đồng quan điểm, ông Yamada Takio, Tân Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam nêu rõ, “Mặc dù đại dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp, nhưng Việt Nam đã rất thành công trong việc khống chế dịch, đồng thời vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong thời điểm nhạy cảm này, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn Việt Nam là môi trường đầu tư có tiềm năng và rất quan tâm đến vấn đề xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách các thủ tục hành chính. Trong nhiều năm qua, Việt Nam cũng đã xây dựng được rất nhiều đạo luật quan trong như: Luật Dân sự, Luật Tố tụng Dân sự… đây chính là tiền đề tạo ra môi trường đầu tư, giúp cho doanh nghiệp Nhật Bản có thể yên tâm khi đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, một trong những khó khăn, vướng mắc khi doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam đó là cơ chế, chính sách, vận dụng, áp dụng pháp luật…khiến nhiều doanh nghiệp Nhật Bản trở thành đương sự trong nhiều tranh chấp tại Việt Nam. Do đó, Nhật Bản mong muốn được cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng và hiệu quả cao hơn”.
Chia sẻ về vấn đề tranh chấp giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, “Nghề luật sư là nghề đặc biệt, gắn chặt với pháp luật, tư pháp, công lý, bảo vệ cái đúng, chịu sự ràng buộc, quản lý của các cơ quan nhà nước, Đoàn luật sư và giám sát của xã hội. Chính vì vậy, các luật sư Việt Nam và Nhật Bản ngoài việc nắm vững chuyên môn thì cũng cần dành thời gian xây dựng hình ảnh “mẫu mực” về tuân thủ pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, chuẩn mực ứng xử. Việt Nam và Nhật Bản là hai nước Á Đông, có những điểm gần nhau về giá trị văn hóa, do đó, các luật sư Việt Nam - Nhật Bản khi hành nghề, hợp tác cần giữ gìn giá trị văn hóa chung, giải quyết vấn đề hòa bình, tránh xung đột, đẩy vấn đề căng thẳng, khuyến khích giải quyết thông qua hòa giải, thương lượng”.
Đáp lại mong muốn thúc đẩy hợp tác của Luật sư Việt Nam và Luật sư Nhật Bản, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cũng khẳng định, “Chính phủ Việt Nam và Bộ Tư pháp Việt Nam đã và sẽ đồng hành, tạo điều kiện cho đội ngũ luật sư, tư vấn pháp luật của Nhật Bản cung cấp dịch vụ pháp lý tại Việt Nam phù hợp với quy định pháp luật của Việt Nma và điều ước quốc tế về dịch vụ pháp lý. Bộ Tư pháp cũng luôn khuyến khích và ủng hộ sự hợp tác trong lĩnh vực luật sư và tư vấn pháp luật, trong đó có hợp tác giữa luật sư Việt Nam và Nhật Bản, góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước”.