Phiên thảo luận diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) được tổ chức tại Hà Nội. Tham dự còn có Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-Wha, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono và Tiến sỹ Lynn Kuok - đại diện Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) Singapore. Theo Bộ Ngoại giao, việc WEF dành một phiên cho vấn đề triển vọng địa chính trị ở châu Á cho thấy tầm quan trọng của vấn đề này đối với phát triển ở khu vực.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cho rằng tình hình địa chính trị châu Á trong năm qua có những cải thiện nhất định, thể hiện qua việc nối lại Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều, Hội nghị thượng đỉnh Triều – Mỹ, mở ra những triển vọng mới đối với hoà bình và phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, về tổng thể, các diễn giả cũng thẳng thắn đánh giá về những xu hướng bất ổn của địa chính trị khu vực như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc; chiến tranh thương mại cùng những tranh chấp về biên giới lãnh thổ đang tạo ra những rủi ro lớn đối với hoà bình, an ninh và phát triển ở khu vực. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono cho rằng cần thiết lập một trật tự thế giới dựa trên luật lệ. “Bất cứ một sự thách thức, thay đổi nào một cách đơn phương với trật tự này thì cộng đồng quốc tế cần có tiếng nói phản đối”, ông nói.
Phát biểu tại Phiên họp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chia sẻ cấu trúc khu vực đang được định hình ở khu vực, cạnh tranh nước lớn gia tăng, những vấn đề đặt ra là các nước phải thích ứng, thúc đẩy hợp tác chân thành, bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng luật pháp quốc tế, và bao trùm. Theo Phó Thủ tướng, Cách mạng công nghiệp 4.0 một mặt tạo ra những cơ hội lớn để phát triển, đồng thời đặt ra các thách thức lớn, nếu các nước không tận dụng được sẽ bị bỏ lại phía sau, gia tăng khoảng cách phát triển. Khu vực cũng đang phải đối mặt với các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống như: tranh chấp biển, biến đổi khí hậu và các thách thức mới như an ninh mạng đang nổi lên.
Ghi nhận các sáng kiến địa chiến lược khu vực như Vành đai và Con đường, Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, …, Phó Thủ tướng cho rằng Việt Nam ủng hộ các sáng kiến nếu bảo đảm dựa trên luật lệ, tôn trọng luật pháp quốc tế và quyền tự quyết của các quốc gia. Cùng với đó, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh ASEAN cần tiếp tục phát huy vai trò trung tâm trong nỗ lực xây dựng cấu trúc khu vực vì hoà bình, hợp tác và phát triển. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng khẳng định chủ trương của Việt Nam ủng hộ hệ thống thương mại đa phương. Phó Thủ tướng chia sẻ Việt Nam hiện đang tham gia nhiều các Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương chất lượng cao, đóng góp vào xu thế liên kết kinh tế quốc tế.
Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono nhấn mạnh tự do hàng hải là một vấn đề chủ chốt với kinh tế toàn cầu. Ông cho biết Nhật Bản đang nỗ lực để tăng cường kết nối giữa khu vực bờ đông châu Phi với nền kinh tế ASEAN thông qua Thái Bình Dương và bờ phía tây của châu Mỹ. “Nhật Bản nỗ lực hỗ trợ xây dựng trật tự trên biển dựa trên quy tắc, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng có chất lượng cao: dự án cởi mở, công khai, có ý nghĩa kinh tế, lành mạnh về mặt tài chính của quốc gia được hỗ trợ. Bên cạnh đó là chống lại những nguy cơ như cướp biển, khủng bố và tăng cường năng lực các quốc gia trong đảm bảo an ninh trên biển. Định hướng chiến lược dành cho một khu vực Ấn Độ Dương với mong muốn đó là một khu vực mở và tự do. Cần có sự nỗ lực, chung tay của tất cả mọi người trong những vấn đề bảo đảm an ninh biển”, ông nói.