Vì sao ông Trump muốn tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa?

Tổng thống Mỹ Donald Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump
(PLVN) - Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ tái lập hệ thống phòng thủ tên lửa để “đảm bảo rằng Mỹ có thể phát hiện và phá hủy bất cứ tên lửa nào chống lại Mỹ”.

Bản báo cáo dày 108 trang, trong đó nhấn mạnh về sự cần thiết cần phải có cách tiếp cận toàn diện trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ nhằm đối phó với những mối đe đọa tên lửa từ các nước, đồng thời kêu gọi Mỹ phát triển các công nghệ mới cho hệ thống phòng thủ tên lửa của nước này trong tương lai.

Theo một số quan chức quốc phòng của Mỹ, báo cáo lẽ ra đã được công bố vào năm ngoái nhưng sau đó đã bị trì hoãn cho đến năm nay vì sự nhạy cảm trong việc Mỹ đánh giá về những mối đe dọa tên lửa từ các nước Nga, Trung Quốc, Triều Tiên và Iran.

Triều Tiên vẫn là “mối đe dọa đặc biệt”

Báo cáo có tên Đánh giá Phòng thủ Tên lửa được công bố ngày 17/1 tại trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ ở thủ đô Washington. Báo cáo đã đưa ra những đánh giá của giới chức Mỹ về năng lực tên lửa của các nước hiện nay, đồng thời phác thảo những thay đổi lớn trong chiến lược phòng thủ tên lửa của Mỹ trong những năm tới. Đây là lần đầu tiên trong vòng gần 10 năm trở lại đây Bộ Quốc phòng Mỹ sửa đổi học thuyết về phòng thủ tên lửa nước này.

Điểm đáng chú ý đầu tiên trong bản báo cáo được đưa ra bảy tháng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đã loại bỏ được mối đe dọa từ Bình Nhưỡng, là việc Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng Triều Tiên vẫn là “mối đe dọa đặc biệt”. “Dù đã có lộ trình hướng tới hòa bình nhưng Triều Tiên vẫn tỏ ra là mối đe dọa đặc biệt và Mỹ cần phải hết sức cảnh giác”, báo cáo nêu rõ.

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cũng khẳng định tên lửa của Triều Tiên là rất đáng lo ngại. Theo báo cáo, hệ thống tên lửa của Triều Tiên đã có thể tấn công tới các vùng lãnh thổ của Mỹ, trong đó có Guam, lực lượng của Mỹ ở nước ngoài và các đồng minh của nước này ở khu vực Thái Bình Dương.

Cùng với Triều Tiên, báo cáo mới của Mỹ cũng đưa ra chi tiết những lo ngại của  Mỹ về năng lực ngày càng lớn mạnh của Iran, Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực tên lửa. Trong đó, liên quan đến năng lực tên lửa của Iran, báo cáo mới của Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng Iran sở hữu kho tên lửa đạn đạo lớn nhất ở Trung Đông. Theo phía Mỹ, mong muốn trở thành một đối trọng chiến lược với Mỹ có thể là động lực để Tehran phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Vẫn trong báo cáo, giới chức Mỹ cho rằng các hệ thống phòng thủ tên lửa của nước này chủ yếu được thiết kế để chống lại các vụ tấn công từ những nước có kho vũ khí hạn chế hơn như Triều Tiên trong khi mới có quá ít phương tiện để có thể đối phó một cách hiệu quả với một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào phần đất liền của Mỹ từ các cường quốc hạt nhân tiên tiến như Nga và Trung Quốc. Vì vậy, Mỹ muốn có được kho vũ khí hạt nhân có thể ngăn chặn được những vụ tấn công như vậy. 

“Thế giới đang thay đổi và chúng ta sẽ thay đổi nhanh hơn nhiều so với thế giới”, Tổng thống Trump tuyên bố, đồng thời nói thêm rằng Mỹ không thể “chỉ xây dựng những thứ tương tự hoặc chỉ thực hiện những cải tiến”.

“Mỹ sẽ điều chỉnh việc bố trí phòng thủ để có thể tự vệ trước mọi vụ tấn công tên lửa, bao gồm cả tên lửa hành trình và siêu thanh. Mục đích của chúng ta rất đơn giản, đó là đảm bảo rằng chúng ta có thể phát hiện và phá hủy bất cứ tên lửa nào nhằm vào nước Mỹ - mọi nơi, mọi lúc, mọi chỗ”, ông Trump tuyên bố trong bài phát biểu tại Nhà Trắng.

“Chiến tranh giữa các vì sao” 

Trong bối cảnh như vậy, báo cáo kêu gọi Mỹ nghiên cứu các công nghệ thực nghiệm để có thể đảm bảo che chắn cho nước này luôn an toàn. Trong số các biện pháp được đề cập trong báo cáo có việc lắp đặt các thiết bị cảm biến đặt trên không gian để có thể phát hiện những tên lửa của kẻ thù đang bay về phía nước Mỹ, nhất là các tên lửa sử dụng công nghệ siêu thanh - lĩnh vực mà Trung Quốc được cho là đã đạt được những bước tiến lớn trong khi Nga cũng đang tích cực phát triển. 

Báo cáo cũng đề cập đến việc phát triển các vũ khí đặt trên không gian có thể bắn hạ các tên lửa của đối phương. Các nhà quan sát cho rằng chiến lược này của chính quyền Mỹ gợi nhớ tới sáng kiến “Chiến tranh giữa các vì sao” từng được Tổng thống Ronald Reagan đưa ra ở thời kỳ Chiến tranh Lạnh. 

Báo cáo mới của Mỹ cũng đề cập đến các dự án mà các công ty lớn trong ngành công nghiệp quốc phòng của nước này như Raytheon, Lockheed Martin và Boeing đang thực hiện. Báo cáo của Mỹ cũng đề cập đến việc tăng số hệ thống tên lửa đánh chặn của nước này.

Trước đó, Mỹ từng công bố kế hoạch tăng số lượng bệ phóng tên lửa đánh chặn phóng từ mặt đất trong vài năm tới, trong đó số lượng bệ phóng tại Căn cứ Fort Greely ở bang Alaska dự kiến sẽ tăng mạnh nhất, từ 44 lên thành 64 bệ phóng. Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất, Mỹ cho biết có thể sẽ bổ sung đến 40 bệ phóng tại khu căn cứ này. 

Mỹ thử nghiệm hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo Aegis tại Hawaii hồi tháng 12/2018.
Mỹ thử nghiệm hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo Aegis tại Hawaii hồi tháng 12/2018.

Vẫn theo báo cáo, Mỹ cũng đang tìm kiếm một địa điểm mới để lắp đặt các bệ phóng tên lửa đánh chặn. “Chúng tôi cam kết sẽ thiết lập một chương trình phòng thủ tên lửa có thể bảo vệ tất cả các thành phố của Mỹ. Và chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận thương lượng trong vấn đề này”, ông Trump nói thêm.

Trong các phát biểu trước phát biểu của ông Trump, Quyền Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan và Phó Tổng thống Mike Pence cũng đều nhấn mạnh về sự cần thiết phải tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa của nước này. “Đất nước của chúng ta không tìm cách đối đầu nhưng chúng ta sẽ không phớt lờ những mối đe dọa đó”, ông Shanahan nói.

Gia tăng căng thẳng toàn cầu?

Theo các nhà quan sát, các quan điểm được công bố trong báo cáo mới của Mỹ đánh dấu sự đảo ngược cách tiếp cận của chính quyền Mỹ hiện nay so với Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama. Ông Obama vốn chủ trương giảm bớt lo ngại của các cường quốc hạt nhân về việc Mỹ mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa. 

Việc báo cáo công khai các kế hoạch của nước này nhằm đối phó với những tiến bộ về công nghệ của Nga và Trung Quốc được dự báo sẽ khiến Moscow và Bắc Kinh tức giận. Hãng thông tấn Interfax của Nga ngày 18/1 dẫn lời nghị sĩ Viktor Bondarev cảnh báo chiến lược mới của Mỹ sẽ làm gia tăng căng thẳng toàn cầu. 

Đại sứ Nga tại Bình Nhưỡng Alexander Matsegora trong một phát biểu cùng ngày cũng đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Bộ Quốc phòng Mỹ được đưa ra trong báo cáo rằng Triều Tiên đã mua công nghệ phòng thủ tên lửa của Nga.

Theo ông Matsegora, cáo buộc này là hoàn toàn không có căn cứ, không đúng. Nhà ngoại giao Nga cũng cáo buộc Mỹ đang cố biện minh cho chính sách gây bất ổn của nước này đối với an ninh quốc tế.

Báo cáo của Mỹ được công bố trong bối cảnh số phận hiệp ước quan trọng về vũ khí hạt nhân giữa hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới là Mỹ và Nga đang treo lơ lửng. Hồi tháng 10/2018, ông Trump đã công bố quyết định rút khỏi Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) - một thỏa thuận được ký kết nhằm loại bỏ các loại vũ khí hạt nhân khỏi kho vũ khí của Mỹ và Nga.

Lý do được Mỹ viện dẫn cho quyết định này là Nga đã vi phạm thỏa thuận khi tiến hành xây dựng và phát triển các loại vũ khí bị cấm trong nhiều năm. 

Hồi đầu tuần trước, Mỹ cũng đã bác bỏ đề nghị của Nga nhằm cứu vãn thỏa thuận vốn đã giúp đưa các tên lửa có đầu đạn hạt nhân khỏi lục địa châu Âu trong suốt 30 năm qua. Dự kiến Mỹ sẽ chính thức rút khỏi Hiệp ước này vào tháng tới.

Báo cáo cho biết Triều Tiên gần đây đạt được thành tựu đáng kể trong việc phát triển tên lửa đạn đạo là nhờ được Nga chuyển giao công nghệ tên lửa và phòng không tiên tiến.

Phản ứng trước cáo buộc này, Đại sứ Nga tại Triều Tiên Alexander Matsegora cho rằng những tuyên bố của Mỹ là phiến diện và thiếu căn cứ. "Washington không tìm được bằng chứng nào cho cáo buộc này và chỉ đang tìm cách lừa gạt mọi người", Matsegora nhấn mạnh.

Đây không phải lần đầu tiên Nga bị cáo buộc hỗ trợ Triều Tiên về công nghệ tên lửa. Hồi tháng 8/2017, Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Ukraine cho rằng động cơ RD-250 mà Triều Tiên đang sử dụng cho tên lửa đạn đạo có nguồn gốc từ Nga và thường được lắp cho các tên lửa đẩy Cyclone-2 và Cyclone-3 trong chương trình vũ trụ Nga.

Triều Tiên hồi giữa năm 2017 phóng thử thành công hai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-14. Hwasong-14 được đánh giá là bước ngoặt trong chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, có thể vươn tới các thành phố lớn ở miền đông nước Mỹ.

Đọc thêm

Bangkok trở thành thành phố du lịch hàng đầu thế giới năm 2024

Bangkok trở thành thành phố du lịch hàng đầu thế giới năm 2024
(PLVN) - Thủ đô Bangkok của Thái Lan đã được Euromonitor International vinh danh là thành phố du lịch hàng đầu thế giới năm 2024, nhờ vào kỷ lục đón 32,4 triệu lượt khách quốc tế. Con số này vượt xa thành phố đứng thứ hai là Istanbul, nơi đón 23 triệu lượt khách nước ngoài.

Những ngày lễ quốc tế đáng chú ý tuần này

Những ngày lễ quốc tế đáng chú ý tuần này
(PLVN) - Tuần này đánh dấu những ngày lễ quốc tế quan trọng, nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm chung trong việc xây dựng một thế giới công bằng, tôn trọng nhân quyền và bảo vệ môi trường tự nhiên.

Trường hợp khẩn cấp, công dân Việt tại Syria nên liên hệ đường dây nóng Đại sứ quán Việt Nam

Khói bốc lên trong cuộc giao tranh tại Syria. Ảnh: IRNA/TTXVN
Đại sứ quán Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria đã đề nghị Syria cung cấp thông tin về công dân Việt Nam có khả năng đang sinh sống, làm việc tại Syria. Trong trường hợp khẩn cấp, công dân hãy liên hệ số đường dây nóng bảo hộ công dân +98 933 965 8252/+98 991 205 7570 (Whatsapp); hoặc Tổng đài Bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao: +84 981 84 84 84.

Loạt thảm kịch trên thế giới tuần qua

Loạt thảm kịch trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Thế giới chứng kiến nhiều sự kiện đáng buồn, từ thiên tai, tai nạn, hoả hoạn, đến tội ác nhằm vào nhà báo và bệnh dịch bí ẩn..., khiến hàng trăm sinh mạng bị cướp đi.

Đàm phán FTA giữa Khối EFTA và Thái Lan chính thức đặt dấu mốc

Đại diện các nước EFTA (Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sỹ) và Thái Lan họp trực tuyến về việc kết thúc việc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai bên.
(PLVN) - Ngày 29/11/2024, Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA), gồm Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ, chính thức kết thúc đàm phán với Thái Lan về Hiệp định Thương mại tự do (FTA).  Thỏa thuận này mở ra một chương mới trong quan hệ thương mại giữa hai bên, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực và mang lại những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tại cả hai khu vực.

Namibia có nữ tổng thống đầu tiên

Bà Netumbo Nandi-Ndaitwah trở thành Tổng thống thứ 5 của Namibia kể từ khi nước này giành độc lập hồi năm 1990.
(PLVN) - Ngày 3/12 (giờ địa phương), Chủ tịch Uỷ ban Bầu cử Namibia (ECN) Elsie Nghikembua thông báo, nước này đã bầu ra tân Tổng thống sau cuộc bầu cử diễn ra hôm 27/11.

Nhà Trắng nêu lý do Tổng thống Joe Biden ân xá cho con trai

Hunter Biden, con trai Tổng thống Joe Biden
(PLVN) - Tổng thống Joe Biden đã gây tranh cãi khi ký lệnh ân xá vô điều kiện cho con trai Hunter Biden, người bị buộc tội vi phạm thuế và sở hữu súng trái phép. Nhà Trắng giải thích, đây là quyết định nhằm bảo vệ Hunter trước các cuộc công kích chính trị, nhưng động thái này đã vấp phải chỉ trích từ cả Đảng Cộng hòa lẫn Đảng Dân chủ.