Chưa đáp ứng nhiệm vụ được giao?
Một năm trước, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã tổ chức ký cam kết về trách nhiệm, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao theo tinh thần Quy định số 01-QĐ/TU do Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh này ban hành ngày 3/3/2016.
Một nội dung quan trọng văn bản trên đã đề cập và sau đó các cán bộ của tỉnh này phải cam kết - là lãnh đạo nếu để đơn vị mình không có chuyển biến, hoạt động cầm chừng, xảy ra bè phái, nhũng nhiễu... thì sẽ bị yêu cầu từ chức, miễn nhiệm chức vụ, hoặc điều chuyển đến nơi khác, thay thế bằng người có năng lực hơn.
Với quy định như vậy, dư luận đã đặt câu hỏi: Lãnh đạo 2 huyện Quảng Trạch và Quảng Ninh bị điều động, bổ nhiệm về làm Phó Giám đốc 2 Sở phải chăng là thực hiện theo tinh thần văn bản số 01-QĐ/TU của Tỉnh ủy Quảng Bình?
“Trường hợp đồng chí Nguyễn Viết Ánh - Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh được điều về làm Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình là vì đồng chí này đã có 2 nhiệm kỳ ở huyện, theo quy định không được bổ nhiệm lại. Còn đồng chí Phan Ngọc Duy - Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, thì được điều động, bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Nội vụ.
Đồng chí Duy theo tôi biết trước đây là một nhà sư phạm, lại từng kinh qua nhiều vị công tác ở cơ sở, nói chung đây là con người tốt... Nhưng trong thực tế công tác, có lúc chưa thực sự quyết liệt. Việc điều đồng chí Duy đi cũng là để tạo điều kiện cho các cán bộ trẻ có điều kiện rèn luyện, thử sức mình tại địa phương này”, ông Trần Xuân Vinh - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình trả lời PLVN.
Quảng Trạch nằm ở phía Bắc Quảng Bình, là địa bàn hoạt động của Khu Kinh tế Hòn La, và tới đây là sẽ Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch I trị giá gần 2 tỷ USD do Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư... Vì thế, cũng dễ hiểu vì sao những người làm công tác tổ chức cán bộ muốn có nhân tố mới ở địa bàn này.
Người được điều động về Quảng Trạch thay cựu Chủ tịch Duy là ông Nguyễn Xuân Đạt - nguyên Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Bình, trước đây từng là cán bộ Quản lý thị trường. “Đồng chí này trẻ, được đào tạo cơ bản, có quy hoạch Tỉnh ủy viên và Giám đốc sở. Đồng chí Đạt đã về huyện nhận nhiệm vụ từ ngày 1/6/2017”, lời Trưởng Ban Tổ chức Trần Xuân Vinh.
Khá nhiều cán bộ trẻ của Quảng Bình đã được cất nhắc bổ nhiệm trong vòng 1 năm qua. |
Với cách điều động bổ nhiệm cán bộ như trên, tân Chủ tịch Đạt đang có nhiều cơ hội nếu như vị này thực sự có năng lực và để lại được dấu ấn trong nhiệm kỳ công tác từ nay cho đến năm 2021, hoặc ngược lại nếu không vượt qua được người tiền nhiệm?
Hạn chế “nói nhiều làm ít”
Việc giải “bải toán” cán bộ trong thời gian gần đây ở Quảng Bình cho thấy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ở đây muốn thông qua Quy định số 01-QĐ/TU để thể hiện sự quyết tâm trong chủ trương đổi mới công tác cán bộ, tăng cường xiết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, điều hành và thực hiện chức trách, nhiệm vụ; nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu. Đặc biệt, kiên quyết sắp xếp, thay thế những cán bộ làm việc kém hiệu quả, yếu về năng lực và trách nhiệm.
“Chúng tôi thấy, sau một năm thực hiện Quy định 01-QĐ/TU đã tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ và năng lực công tác được nâng lên rõ rệt.
Đồng thời, cũng hạn chế được tình trạng làm việc cầm chừng, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm; giải quyết công việc chậm trễ, trì trệ, hiệu quả thấp; thiếu kiểm tra, đôn đốc; không nắm chắc tình hình ở địa phương, không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp…”, ông Hoàng Đăng Quang - Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình nhận xét.
Trên tình thần của Quy định 01-QĐ /TU, cuối tháng 5 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã đánh giá, nhận xét đối với Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh và người đứng đầu các địa phương, đơn vị trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong năm qua đối với 114 cán bộ.
Cụ thể, có 81/114 cán bộ lãnh đạo “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Ở mức “hoàn thành tốt nhiệm vụ” có 30/114 cán bộ , “hoàn thành nhiệm vụ” là 3/114 cán bộ.
“Đối với trường hợp nguyên Chủ tịch huyện Quảng Trạch Phan Duy Ngọc, trước cá nhân đồng chí tự nhận mình “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, tổ chức ở cơ sở cũng nhận xét đồng chí này như vậy, nhưng khi lên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, chúng tôi đánh giá đồng chí này chỉ ở mức “hoàn thành tốt nhiệm vụ” thôi”, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Quảng Bình Trần Xuân Vinh dẫn chứng.
Cũng theo đại diện Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình, sau một năm thực hiện quy định nói trên, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã nghiêm khắc xử lý và phối hợp xử lý 9 trường hợp cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; chỉ đạo các cấp ủy xử lý các trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm quy định trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Riêng cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 429 trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm các nội dung cam kết theo quy định, trong đó có 11 trường hợp bị khai trừ ra khỏi Đảng.
Kỳ vọng ở "dàn" lãnh đạo 7X Quảng Bình
Ngoài việc điều động và bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Đạt (sinh năm 1974) làm Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch hôm 25/5, thời gian gần đây, một số cán bộ trẻ thuộc thế hệ 7X cũng đã được điều động, bổ nhiệm vào các vị trí chủ chốt của tỉnh này như Giám đốc Sở KH&ĐT, Giám đốc Sở TN&MT, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình ...
Việc cất nhắc bổ nhiệm những cán bộ trẻ nói trên đã, đang thu hút sự chú ý của dư luận, bởi những vị trí họ đang nắm giữ đều quan trọng, cần sự đột phá để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.