Từ trước tới nay, chuyện các cặp vợ chồng già có con vốn không phải hiếm. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã làm cho việc vợ chồng hiếm muộn mãi ở tuổi già mới có con không còn là chuyện không thể xảy ra. Nhưng vì ở tuổi già mới có con mà bố mẹ bị truất quyền nuôi con thì có lẽ đến giờ mới thấy.
Chuyện xảy ra ở Italia. Luigi de Ambrosis năm nay 70 tuổi và vợ là Gabriella 58 tuổi. Hai người kết hôn năm 1990 và không có con dù đã chữa chạy nhiều lần. Năm 1999 và 2003, họ xin con nuôi nhưng bị chính quyền từ chối vì cho rằng họ đã cao tuổi. Rồi Gabriella de Ambrosis đi thụ tinh nhân tạo ở nước ngoài và sinh được một cô con gái, đến nay đã 16 tháng tuổi. Mới rồi, toà án và sở thanh niên ở thành phố Turino ở miền Bắc Italia đã quyết định cho cô bé này đi làm con nuôi người khác với lập luận là bố mẹ nó đã quá già nên không thể đảm đương được việc nuôi dạy nó nên người.
Không chỉ có vậy, toà án và cơ quan liên quan trong chính quyền thành phố này còn cho rằng cặp vợ chồng cao tuổi kia theo đuổi động cơ ích kỷ khi quyết định có con ở tuổi cao đến vậy, đã lạm dụng thành tựu khoa học kỹ thuật để thoả mãn mong muốn cá nhân, không để ý đến tác động tiêu cực của việc cha mẹ già con cọc, không để ý thoả đáng đến khả năng đứa con mình sớm có thể trở thành mồ côi hoặc khi chưa thành niên, chưa có đầy đủ khả năng về tài chính, tâm lý và kinh nghiệm sống thực tế để chăm xóc cha mẹ già nua và ốm yếu.
Vụ việc đang gây ra cuộc tranh luận rất sôi động trong nội bộ xã hội Italia vì chẳng có luật lệ nào quy định vợ chồng bao nhiêu tuổi thì bị coi là già đến mức không được phép tự nuôi con và vì ngôi sao nhạc rock của Italia Gianna Nannini hồi tháng 11/2009 độc thân sinh con khi đã 54 tuổi mà chẳng bị sao. Câu chuyện vì thế lại xoay quanh chủ đề bình đẳng hay phân biệt đối xử và coi trọng cái gì hơn cái gì giữa trẻ con cần bố mẹ và bố mẹ mong muốn có con cái.
Không công bằng và bình đẳng trong chuyện này rõ ràng là đương nhiên rồi vì người nổi tiếng thì không sao trong khi thường dân lại bị truất quyền nuôi con như thế. Nhưng còn về phương diện làm thế nào thì có lợi nhất cho đứa trẻ xem ra khó có thể phân định được rõ ràng trong chuyện này và vì thế đúng hay sai, nhân đạo hay không nhân đạo là phán xử của bên có quyền chứ không hẳn trên cơ sở pháp lý và đạo lý.
Mạc Thầy