Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 9206/BTC-TCT của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ (Nghị định 123).
Về quy định lập hóa đơn trong trường hợp tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, xuất hàng dưới hình thức cho vay, cho mượn và nhận hoàn trả hàng hóa. Cụ thể, Điều 1.2 Dự thảo (sửa đổi Điều 4.1 Nghị định 123/2020/NĐ-CP) quy định doanh nghiệp phải lập hóa đơn thuế trong các trường hợp sau đây: tạm xuất tái nhập, tạm nhập tái xuất nguyên vật liệu, thành phẩm, máy móc, công cụ, dụng cụ; xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc nhận hoàn trả hàng hóa.
VCCI cho rằng quy định này là không phù hợp theo phản ánh của doanh nghiệp. Bởi khi thực hiện các hoạt động trên, doanh nghiệp đã phải thực hiện thủ tục hải quan và xuất hóa đơn thương mại theo đúng quy định.
“Hoạt động này đã được kiểm soát rất chặt chẽ bởi cơ quan hải quan theo quy định pháp luật hải quan. Đồng thời, hoạt động này không phải là hoạt động bán hàng, dịch vụ, không nhằm mục đích tạo ra lợi nhuận, doanh thu tại thị trường Việt Nam mà chỉ nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu. Khi đó, yêu cầu phải xuất thêm hóa đơn thuế nội địa sẽ làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, tăng thêm nhân lực của doanh nghiệp”, VCCI nhận định.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.
Về thời điểm lập hóa đơn với hàng hóa xuất khẩu, Điều 1.5.a dự thảo (sửa đổi Điều 9.1 Nghị định 123/2020/NĐ-CP) quy định thời điểm lập hóa đơn với trường hợp xuất khẩu hàng hóa là không quá 24 giờ kể từ thời điểm cơ quan hải quan xác nhận hoàn tất thủ tục hải quan.
VCCI cho rằng quy định cứng thời điểm lập hóa đơn sẽ gây khó khăn cho các bộ phận xuất hóa đơn của doanh nghiệp do thời gian có thể không trùng với giờ làm việc hành chính, gây áp lực về mặt vật lý trong triển khai thực tế.
Ngoài ra, quy định này cũng chưa phù hợp với các doanh nghiệp ưu tiên, đối tác của doanh nghiệp ưu tiên do pháp luật hải quan cho phép các doanh nghiệp này được hoàn thành thủ tục hải quan sau 30 ngày kể từ lúc xuất, nhập khẩu hàng hóa.
Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng quy định thời hạn là một ngày kể từ hoàn thành thủ tục; bổ sung ngoại lệ cho doanh nghiệp ưu tiên.
VCCI cũng đưa ra góp ý tương tự về thời hạn 24h với thời điểm ký số tại Điều 1.6.d Dự thảo (sửa đổi Điều 10.9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP).
Đối với quy định về xuất hóa đơn theo ngày với cơ sở kinh doanh thương mại bán lẻ. Theo VCCI, Điều 1.5.b dự thảo bỏ quy định tại Điều 9.4.g Nghị định 123/2020/NĐ-CP, đồng nghĩa với việc các cơ sở kinh doanh thương mại bán lẻ, kinh doanh dịch vụ ăn uống theo mô hình hệ thống không được xuất hóa đơn cuối ngày mà phải xuất hóa đơn theo từng lần mua hàng từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.
VCCI cho biết, theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này sẽ tăng chi phí rất nhiều cho doanh nhiệp trong việc đầu tư ban đầu, duy trì hệ thống, lưu trữ dữ liệu. Việc này sẽ tạo áp lực lớn cho ngành kinh doanh thương mại bán lẻ, kinh doanh dịch vụ ăn uống theo chuỗi.
“Do vậy, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc lại quy định này, trong đó có việc đánh giá tác động kỹ lưỡng về mặt chi phí lợi ích của quy định này”, VCCI nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo cơ quan này nhiều vướng mắc sẽ phát sinh khi thực thi với Điều 1.5.b Dự thảo (sửa đổi Điều 9.4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP) quy định việc lập hóa đơn với doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có sử dụng phần mềm tính tiền.
VCCI cho rằng, việc quy định gửi dữ liệu hóa đơn taxi về cơ quan thuế sau mỗi chuyến đi, theo phản ánh của doanh nghiệp, có thể dẫn đến một số khó khăn trong quá trình thực hiện thực tế, ví dụ như: chi phí nâng cấp phần mềm của các hãng taxi tăng lên, tài xế taxi quên/gặp khó khăn về thao tác thực hiện dẫn đến tắc đường… Khi đó, doanh nghiệp có thể bị phạt do chuyển dữ liệu sai thời điểm.
Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định trên để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.
Đối với quy định hóa đơn phải thể hiện mã số định danh người mua theo Điều 1.6.b dự thảo (sửa đổi Điều 10.5 Nghị định 123/2020/NĐ-CP).
Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này dường như là không khả thi, bởi yêu cầu người mua phải kê khai thông tin về mã số định danh sẽ là một điểm chặn, khiến người mua không muốn lấy hóa đơn do không muốn kê khai thông tin này.
Bên cạnh đó, VCCI cho rằng người bán không có cơ chế xác nhận việc mã số định danh do người mua cung cấp là có chính xác hay không, có đáp ứng điều kiện “mã định danh theo quy định pháp luật và xác thực điện tử” hay không để thể hiện lên hóa đơn. Việc này sẽ gây rủi ro cho doanh nghiệp khi thực hiện xuất hóa đơn. Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại quy định này.
Điều 1.6.c dự thảo (sửa đổi Điều 10.6.đ Nghị định 123/2020/NĐ-CP) quy định trường hợp số tiền chiết khấu được lập khi kết thúc chương trình chiết khấu thì được lập hóa đơn điều chỉnh cho các hóa đơn đã lập.
VCCI cho rằng, quy định này sẽ làm phát sinh khối lượng công việc rất lớn vì mỗi hóa đơn điều chỉnh chỉ được điều chỉnh cho một hóa đơn, trong khi các doanh nghiệp có thể kinh doanh nhiều mặt hàng, với nhiều chương trình khuyến mãi khác nhau, mỗi chương trình áp dụng cho từng mặt hàng. Từ đó, số lượng hóa đơn tăng lên đáng kể, phát sinh chi phí, nguồn lực cho doanh nghiệp.
“Trường hợp cho phép một hóa đơn điều chỉnh cho nhiều hóa đơn thì việc liệt kê danh sách các hóa đơn được điều chỉnh trên hóa đơn chiết khấu cũng tạo gánh nặng cho doanh nghiệp và cũng phụ thuộc vào việc xử lý hệ thống có được hay không”, VCCI phân tích.
Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp chỉ xác định được khách hàng thỏa mãn điều kiện khi kết thúc chương trình, trong khi hóa đơn có thể phát sinh tại nhiều kỳ kê khai, từ đó luôn phải điều chỉnh tờ khai thuế giá trị gia tăng. Việc này tạo ra chênh lệch giữa sổ sách kế toán và số liệu kê khai thuế, gây khó khăn trong việc kiểm soát, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc diện công bố thông tin báo cáo tài chính.
Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung nguyên tắc cho phép doanh nghiệp xuất một hóa đơn chiết khấu (không phải hóa đơn điều chỉnh) và kèm theo bảng kê.
Về quy định xử lý hóa đơn điện tử trong trường hợp trả lại hàng hóa theo Điều 1.13 dự thảo (sửa đổi Điều 19.6.d Nghị định 123/2020/NĐ-CP). Theo đó, nếu người mua trả lại một phần hàng hóa thì người bán lập hóa đơn điều chỉnh.
“Quy định này gây ra khó khăn cho doanh nghiệp, bởi trong trường hợp người mua là nhà phân phối khi trả hàng cần có hóa đơn đi đường trong khi người bán nhận hàng, kiểm đếm số lượng hàng thực trả mới thực hiện xuất hóa đơn trả hàng” - VCCI nhận định.
Cũng theo cơ quan này, hàng hóa bị trả lại có thể từ các kỳ khai thuế khác nhau, do đó doanh nghiệp luôn phải điều chỉnh lại tờ khai thuế các kỳ có hóa đơn điều chỉnh, tăng khối lượng công việc cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, hàng hóa xuất ra khỏi kho và được xuất hóa đơn, đồng nghĩa với việc đã được chuyển giao quyền sở hữu cho người mua, tương tự mục d.3 khi tài sản thuộc diện đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, do vậy việc quy định nhiều hình thức xử lý khác nhau khi trả lại hàng là không cần thiết, gây phức tạp.
Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại cụ thể việc kê khai thuế hóa đơn điều chỉnh trong trường hợp trả lại hàng hóa tại kỳ lập hóa đơn điều chỉnh, theo đó cho phép được kê khai vào kỳ phát sinh việc trả hàng.