VBS 2019 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản (Keidanren) tổ chức sẽ tập trung thảo luận về những đổi mới khoa học công nghệ, sự chuyển dịch nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số và những cơ hội cho Việt Nam.
Đây là một trong những hoạt động bên lề Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh châu Á lần thứ 10 (ABS) với sự tham gia của lãnh đạo các tổ chức hiệp hội DN, công nghiệp và xúc tiến thương mại của các nền kinh tế quan trọng của châu Á (các quốc gia thành viên ASEAN, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc), và DN uy tín hàng đầu của khu vực và Việt Nam.
Tham dự và cùng đối thoại tại Hội nghị năm nay có 600 đại biểu, trong đó có lãnh đạo của các Bộ, ngành, tổ chức quốc tế, học giả và các DN lớn. 200 CEO của các DN, tập đoàn quốc tế đến dự Hội nghị Thượng đỉnh Châu Á lần thứ 10 và đoàn DN Nhật Bản sang thăm và làm việc tại Việt Nam cũng tham dự sự kiện này.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch VCCI – TS.Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: “Việt Nam không chỉ là một đất nước mà Việt Nam còn là đối tác kinh doanh tin cậy của cả thế giới – “Việt Nam – We mean business”.
Lý giải về chủ đề: “Việt Nam – Đối tác tin cậy trong kỷ nguyên số” của Hội nghị, Chủ tịch VCCI cho biết, đó là sự lựa chọn có chủ đích của Việt Nam cho một hội nghị phân tích sâu về các cơ hội kinh doanh với Việt Nam trong một tầm nhìn số hóa nền kinh tế Việt Nam. “Đó là một không gian kinh doanh sẽ bùng nổ trong tương lai”- Chủ tịch VCCI khẳng định.
Trước các nhà đầu tư, Chủ tịch VCCI cho rằng Nam đang trong dòng chảy của nền kinh tế toàn cầu. Tháng trước, trong Báo cáo Thế giới và tin tức Hoa Kỳ xếp hạng 29 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư, Việt Nam đứng thứ 8 trên cả Malaysia (thứ 13), Singapore (thứ 14) và Indonesia (thứ 18).
“Ở Việt Nam, công cuộc đổi mới, mở cửa đang diễn ra mạnh mẽ. Việt Nam đang là quán quân về mở cửa thị trường trong các nước đang phát triển khi đang sở hữu tới 16 Hiệp định thương mại tự do kết nối với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, trong đó có những Hiệp định thương mại đỉnh cao như CPTPP/ EVFTA… Việt Nam cũng là quán quân bứt phá trong cuộc đua cải thiện thứ hạng trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019, khi tăng 3,5 điểm và vượt 10 bậc về thứ hạng. Đó là những nỗ lực vượt bậc của Việt Nam để trở thành điểm đến an lành và đối tác kinh doanh tin cậy của cả thế giới…”- TS Vũ Tiến Lộc giới thiệu.
Ông cũng cho biết, có sự kiện quốc tế đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng lớn đến định hướng phát triển của Việt Nam: 2015 – kỳ họp lần thứ 70 của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York đề ra “Chương trình nghị sự về phát triển bền vững đến năm 2030” – Agenda 2030 với 17 SDGs đóng đinh vào sự phát triển nền kinh tế toàn cầu. Và chương trình nghị sự tại Hội nghị diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos 2016 với chủ đề “Cách mạng công nghiệp 4.0”. Sau hai sự kiện này, “phát triển bền vững” và “công nghiệp 4.0” trở thành hai từ khóa quan trọng nhất trong các chiến lược và kế hoạch về phát triển của Việt Nam. Việt Nam, có lẽ, là quốc gia nói nhiều nhất về cuộc cách mạng 4.0 trên thế giới.
“Phát triển bền vững và cách mạng công nghiệp 4.0 là 2 đường ray để đoàn tàu tiến lên phía trước và là đôi cánh để bay lên. Tầm nhìn kinh tế cũng tỏa ra từ 2 trục chính này”- Chủ tịch VCCI chia sẻ tầm nhìn với nhà đầu tư.
Những đổi mới khoa học công nghệ, sự chuyển dịch nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số và những cơ hội cho Việt Nam là những chủ đề nóng của các phiên thảo luận tại Hội nghị.
Tại đây, các DN có cơ hội cập nhật những xu hướng phát triển mới nhất của nền kinh tế trong thời đại số, những cơ hội kinh doanh mới, những bài học kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất của các DN sáng tạo đã thành công tại thị trường Việt Nam.
VBS 2019 cũng là cơ hội để các DN trong nước gặp gỡ trực tiếp, kết nối và chia sẻ thông tin về các dự án hợp tác kinh doanh tiềm năng với 200 DN uy tín là đại biểu của Hội nghị Thượng đỉnh Châu Á (ABS) và đoàn DN Nhật Bản.
Được tổ chức lần đầu tiên trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) đã trở thành một trong những hội nghị quốc tế lớn nhất và quan trọng nhất liên quan đến DN trong năm của Việt Nam.
ABS được Keidanren khởi xướng từ năm 2010 và được tổ chức luân phiên hàng năm tại các nền kinh tế lớn của châu Á với các chủ đề, nội dung khác nhau như: tăng trưởng bao trùm, định hình châu Á thông qua phát triển công nghệ và sáng tạo; tạo giá trị mới thông qua hợp tác đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực; chiến lược tăng trưởng châu Á.