Hai cháu nhỏ đã thiệt mạng khi ra sông giặt quần áo và rơi xuống hố nước sâu do hoạt động khai thác vàng trái phép để lại. Kéo dài từ năm 2004 đến nay, nhưng chính quyền huyện Nghĩa Đàn đành “bất lực” trước hoạt động táo tợn nói trên khi cho rằng “thẩm quyền chỉ có thế”…
Ngày đau thương
Ngày 4/6/2011, người dân ở xã Nghĩa Thịnh (huyện Nghĩa Đàn) đã phải đau xót chứng kiến sự ra đi của hai cháu nhỏ Vi Thị Tâm và Hoàng Thị Mỹ Linh. Bà Trần Thị Hoa, hàng xóm của cháu Tâm và Linh, nói trong nước mắt, rằng sáng 4/6, cả Linh và Tâm ra sông Hiếu giặt quần áo rồi sau đó sụt xuống hố vàng chết đuối.
Đoạn sông nơi cháu Linh và cháu Tâm bị lọt hố vàng chết đuối. |
Với cháu Tâm, cái chết của cháu cũng là sự day dứt đối với người còn sống. Bố mất khi Tâm mới 4 tháng tuổi, mẹ vào miền Nam làm ăn xa nên Tâm được gửi lại cho bố của Linh và người dì để chăm sóc. Không nhà, không cửa, đến nay di ảnh và bàn thờ của cháu Linh được người thân đặt ở góc nhà dưới nơi ngôi nhà của bố mẹ cháu Linh. Bàn thờ cháu Linh và cháu Tâm chỉ cách nhau mấy bước chân.
Bà Hoa nói, đi làm ăn xa mấy năm nên mẹ cháu Tâm cũng mua được mấy khúc gỗ, một ít đá, chờ một thời gian nữa thì dựng nhà để hai mẹ con sống với nhau. Nhưng, mọi thứ dường như không theo sự xếp đặt, để rồi cháu Tâm ra đi trong niềm hờn tủi của người sống, khi một nơi thờ cúng linh hồn cháu cũng phải để nhờ ở nhà cậu mình.
Bất lực
Trưa mùa hè, lão nông đang trông mấy con trâu dầm mình trong nước ở sông Hiếu nói với phóng viên rằng ông biết chính xác đoạn sông mà cháu Tâm và Linh đã tử nạn. “Không chỉ có trường hợp cháu Linh và Tâm, trước đây ở sông Hiếu hai bố con nhà khác cũng lọt hố đào vàng mà chết”, lão nông này xác nhận.
Vàng tặc cày xới nham nhở cả đoạn sông Hiếu. |
Theo ông Sỹ, hoạt động khai thác vàng trái phép trên sông Hiếu ngày càng diễn biến phức tạp, bởi hiện nay một số chủ tàu từ nơi khác đến cấu kết với người dân địa phương để tiến hành hoạt động. Người dân ở địa phương xác định với phóng viên rằng, thậm chí có cán bộ xã và cán bộ thôn, theo như cách nói của người dân, là có “cổ phần” trong các tàu khai thác trái phép.
Cán bộ Phòng TN&MT huyện Nghĩa Đàn cho biết, hoạt động khai thác vàng trái phép xuất hiện từ năm 2004 đến nay. Nhưng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn, ông Lê Hồng Sơn, huyện đang “bế tắc” trong khâu xử lý. Ông Sơn nói rằng thẩm quyền của huyện là dừng ở mức xử phạt vi phạm hành chính, không thể tháo rời tàu khai thác vàng vi phạm.
Hậu quả chết người đã xảy ra, môi trường bị tàn phá, nhưng theo ghi nhận của phóng viên, nhiều tàu hút vàng trái phép vẫn nằm trên sông Hiếu như thách thức chính quyền và sự bức xúc của người dân nơi đây!
O ép … có phép
Trong khi hoạt động khai thác trái phép vẫn nằm “ngoài vùng phủ sóng” của nhà chức trách, thì hoạt động khai thác vàng sa khoáng được cấp phép tại đây lại bị chính quyền huyện Nghĩa Đàn liên tục … “hành”. Theo đó, UBND huyện Nghĩa Đàn đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Nghệ An thu hồi giấy phép khai thác vàng sa khoáng của Cty CP khai thác khoáng sản Lạng Sơn (Cty Lạng Sơn) tại sông Hiếu. Tuy nhiên, sau quá trình thanh tra của đơn vị cấp trên, đề nghị vô lý này của huyện Nghĩa Đàn đã bị Sở TN&MT Nghệ An gạt bỏ. Ông Đinh Viết Hồng - Giám đốc Sở TN&MT Nghệ An nói rằng “không thu hồi giấy phép khai thác vàng sa khoáng” của Cty Lạng Sơn bởi đề nghị của huyện Nghĩa Đàn là “chưa đầy đủ cơ sở thuyết phục”.
Thua cuộc trong phần kiến nghị thu hồi giấy phép của DN, UBND huyện Nghĩa Đàn sau đó lại tiếp tục yêu cầu DN này tạm dừng hoạt động khai thác để tiếp tục … kiểm tra. Chưa dừng lại ở đó, mới đây chính quyền huyện Nghĩa Đàn còn ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để “xem xét” năng lực hoạt động của Cty Lạng Sơn. Trong khi tiền của đầu tư vào khai thác của DN được cấp phép nằm dầm mưa dãi nắng không được hoạt động, liên tục “tiếp” các đoàn thanh, kiểm tra của huyện, thì hoạt động của các tàu khai thác trái phép vẫn không được chính quyền sở tại kiên quyết xử lý.
Dư luận đặt câu hỏi, liệu có sự “bảo kê” để các tàu khai thác tài nguyên trái pháp luật lộng hành trên sông Hiếu?
Như Trang