Cũng như các làng quê khác trên cả nước, làng xã Hà Nội hiện còn lưu giữ một di sản Hương ước đồ sộ, phản ánh các mặt sinh hoạt văn hóa xã hội, tín ngưỡng của cộng đồng người Việt.
Nghiên cứu các thư tịch cổ cho thấy, hầu hết các văn bản hương ước có niên đại sớm nhất là từ thế kỷ XVII, tuy trước đó đã xuất hiện một số văn bản hương ước từ thời Lê sơ (thế kỷ XV) khi làng xã được tổ chức ngày càng chặt chẽ và xã trở thành đơn vị hành chính. Thời kỳ Lê sơ là thời kỳ mở đầu và cũng đạt đến đỉnh điểm một số khía cạnh trong việc thiết lập Nhà nước trung ương tập quyền, trong đó chú trọng việc làm luật và điều hành theo luật. Nhưng “Nhà nước có luật nước thì làng xã có lệ làng”.
Những điều luật của Nhà nước được ghi trong Quốc triều hình luật (Luật Hồng Đức) và các văn bản pháp luật của các triều đại như Hồng Đức thiện chính (nhà Mạc – thế kỷ XVI), Lê Trịnh hội điển, Luật Gia Long (nhà Nguyễn) là khuôn mẫu cho việc văn bản hóa hương ước làng xã, là cơ sở để làng xã định ra điều ước của địa phương mình (tư ước).
Trải qua các thời kỳ lịch sử, mỗi làng xã đều có Hương ước cổ truyền, Hương ước cải lương và Qui ước xây dựng làng văn hóa, tập trung vào các mặt chính của đời sống xã hội nên hương ước giữ vị trí quan trọng trong đời sống làng xã, là công cụ để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, quản lý làng xã. Các phường hội không chỉ có chức năng của các tổ chức xã hội, duy trì hoạt động theo “lệ làng” mà còn biết dựa vào “phép nước” để tự quản.
Thực tế, các qui ước của phường hội còn ngặt nghèo, cụ thể hơn điều luật của Nhà nước. Do đó, có sức mạnh và tác dụng to lớn trong việc điều chỉnh quan hệ xã hội và giữ gìn nếp sống văn hóa truyền thống.
Việc tái lập hương ước được khởi đầu từ năm 1993, gọi là Qui ước làng văn hóa. Trong điều kiện biến động nhanh chóng của công cuộc hiện đại hóa nông thôn, không ít điều khoản trong Qui ước làng xã của Hà Nội còn bộc lộ những khiếm khuyết, cần thường xuyên bổ sung để “bắt kịp” sự biến đổi về kinh tế xã hội và nhận thức của người dân.
Tuy vậy, các văn bản hương ước xưa và qui ước làng xã ngày nay là rất phong phú, đóng vai trò nhất định trong việc xây dựng và phát huy truyền thống văn hóa nơi làng xã, góp phần quản lý và phát triển làng xã trong tiến trình lịch sử của đất Thăng Long – Hà Nội.
Huy Anh