Kế hoạch thực hiện số hóa sổ hộ tịch nhằm chuyển đổi dữ liệu hộ tịch từ sổ giấy sang dữ liệu điện tử theo hướng hình thành Hệ thống thông tin hộ tịch với cấu trúc chuẩn tại các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn tỉnh. Qua đó, ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong hoạt động đăng ký và quản lý hộ tịch.
Việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch góp phần đảm bảo tối đa lợi ích của người dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh.
Theo Kế hoạch số 166, quy mô và phạm vi của việc thực hiện số hóa Sổ hộ tịch trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang bao gồm số hóa 5.643 quyển sổ hộ tịch.
Trong đó có 8 loại sổ được số hóa là: Sổ đăng ký khai sinh; Sổ đăng ký kết hôn; Sổ đăng ký khai tử; Sổ đăng ký cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; Sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con; Sổ đăng ký giám hộ; Sổ ghi chú ly hôn; Sổ đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc.
Kế hoạch số 166/KH-UBND thực hiện số hóa Sổ hộ tịch trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2023-2024. |
Về lộ trình thực hiện, tỉnh sẽ tiến hành số hóa 5 loại sổ hộ tịch từ năm 2015 trở về trước của các xã, thị trấn chưa số hóa năm 2022 của huyện Sơn Dương, Yên Sơn và TP Tuyên Quang.
Số hóa sổ hộ tịch lưu trữ tại Sở Tư pháp, phòng Tư pháp và 100 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện: Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn và TP. Tuyên Quang.
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực Tư pháp - Hộ tịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã yêu cầu Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức quán triệt nội dung của Thông tư số 03/2023/TT-BTP tới các cơ quan đăng ký hộ tịch cấp huyện, cấp xã, công chức làm công tác hộ tịch và công chức các ngành có liên quan.
Trong đó, tập trung lưu ý 03 nội dung gồm: Niêm yết, công khai thủ tục hành chính, trong đó có mẫu tờ khai, mẫu điện tử tương tác phục vụ thực hiện thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân và cơ quan đăng ký hộ tịch.
Thực hiện đầy đủ, đúng quy định pháp luật về việc ký số bản điện tử giấy tờ hộ tịch và trả bản điện tử giấy tờ hộ tịch cho người yêu cầu đăng ký hộ tịch tại Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân.
Đồng thời, bảo đảm việc nộp hồ sơ đăng ký hộ tịch trực tuyến theo đúng quy định của Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến; Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Cùng với đó, Sở Tư pháp, Sở Thông tin và truyền thông, các cơ quan đơn vị có liên quan thực hiện rà soát Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, bảo đảm tích hợp đầy đủ nội dung mẫu hộ tịch điện tử tương tác trên Hệ thống. Từ đó, bảo đảm việc duy trì kết nối giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Tuyên Quang với Hệ thống đăng ký, quản lý và Hệ thống phần mềm nghiệp vụ của Bộ Tư pháp nói chung.
Ủy ban nhân dân huyện, thành phố cũng quan tâm, bố trí trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật tại các cơ quan đăng ký hộ tịch để đáp ứng yêu cầu thực hiện việc liên thông thủ tục hành chính, nhất là việc bố trí trang thiết bị cơ bản phục vụ giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Bên cạnh đó, tăng cường tập huấn, hướng dẫn cho đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch thực hiện ký số theo đúng quy định pháp luật.
Cùng với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo UBND tỉnh và các cấp chính quyền, các Phòng Tư pháp và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn cũng đồng loạt triển khai thực hiện việc rà soát, thu thập số liệu hộ tịch, phân loại các sổ đăng ký hộ tịch cần số hóa đang được lưu trữ tại địa phương đảm bảo đúng nội dung và thời gian nêu trong Kế hoạch. Tỉnh cần quản lý dữ liệu và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của dữ liệu sau khi được số hóa và cập nhật vào Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch.