Theo quy định tại khoản 2 Điều 50 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thì trình tự, thủ tục yêu cầu thực hiện tương trợ tư pháp thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và pháp luật về tương trợ tư pháp. Trình tự, thủ tục ủy thác tư pháp của Việt Nam và trình tự thủ tục thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài về THADS được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC.
Thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật về tương trợ tư pháp về dân sự trong thi hành án hiện nay còn gặp nhiều vướng mắc như:
Về thể chế, các quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Tương trợ tư pháp; các Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam với một số nước mới chỉ mang tính chất nguyên tắc mà chưa có hướng dẫn cụ thể; các văn bản hướng dẫn thi hành còn thiếu các quy định về tương trợ tư pháp trong THADS, chưa đáp ứng được yêu cầu tương trợ tư pháp trong quá trình giải quyết các vụ việc THADS.
Trong quá trình tổ chức thi hành các bản án, quyết định liên quan đến yếu tố nước ngoài, cơ quan thi hành án còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như:
Pháp luật về THADS chưa có quy định về việc xác minh điều kiện thi hành án đối với người nước ngoài. Trường hợp người phải thi hành án là người nước ngoài, địa chỉ cư trú đã được ghi cụ thể trong bản án, họ đã chấp hành xong hình phạt tù và đã hồi hương về nước. Tuy nhiên việc xác minh về nhân thân, tài sản của người phải thi hành án ở nước ngoài hiện nay cơ quan THADS không thể thực hiện được, do đó không có cơ sở để hoãn thi hành án theo Điều 48 Luật THADS và cũng không có căn cứ để đình chỉ thi hành án theo Điều 50 của Luật THADS.
Những bản án, quyết định của Tòa án mà đương sự là người nước ngoài, mà quốc gia nơi người đó mang quốc tịch chưa có Hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam khiến cho việc ủy thác tư pháp không thể thực hiện được.
Đương sự là người phải thi hành khoản nộp ngân sách nhà nước, chưa thi hành xong phần nghĩa vụ của mình, nhưng hiện tại đã trở về nước và không để lại tài sản gì ở Việt Nam, cơ quan THADS đã thực hiện mọi biện pháp, nhưng việc thi hành án vẫn không có kết quả hoặc có xác minh được địa chỉ, nhưng không thể tiến hành các thủ tục ủy thác tư pháp được do Việt Nam chưa có Hiệp định tương trợ tư pháp với nước mà người phải thi hành án là công dân. Nếu thực hiện việc yêu cầu nước sở tại công nhận và cho thi hành bản án tại nước đó thì hiện nay chưa quy định cơ quan nào có trách nhiệm thực hiện việc này (vì đây là khoản thu cho ngân sách nhà nước).
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại liên quan đến nhiều quốc gia sẽ ngày càng phát triển và tất yếu sẽ phát sinh các tranh chấp liên quan, trong đó có các tội phạm về tham nhũng, kinh tế có yếu tố nước ngoài. Nhu cầu về tương trợ tư pháp giữa các quốc gia sẽ ngày càng cao về số lượng và tính chất các vụ việc tương trợ tư pháp cũng sẽ phức tạp hơn.
Việc nghiên cứu để nắm vững và cập nhật những quy định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực THADS đối với chấp hành viên, công chức làm công tác THADS để áp dụng đúng đắn, hiệu quả pháp luật trong lĩnh vực này là đòi hỏi khách quan và hết sức cần thiết. Ngoài ra, cần rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến việc thực hiện ủy thác tư pháp trong lĩnh vực dân sự nói chung, trong THADS nói riêng, đồng thời tổng hợp các vướng mắc từ thực tiễn liên quan đến việc ủy thác tư pháp để tiếp tục tìm giải pháp tháo gỡ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác THADS.