Ngày 12/3 cư dân mạng lại rúng động khi một đoạn clip ghi lại cảnh một cháu bé tầm 1-2 tuổi tay vặn vô-lăng chiếc xe taxi của hãng Ba Sao phóng vun vút trên phố Hà Nội đông người. Như vậy, sau một thời gian “trào lưu” tung clip vi phạm luật giao thông lên mạng tạm thời lắng xuống, thì bây giờ lại manh nha xuất hiện…
Chưa sợ?
Cháu bé chỉ tầm 1-2 tuổi ngồi trên lòng tài xế để cùng... xoay vô-lăng và tỏ ra rất hào hứng. Cháu bé, trong khi tay liên tục vặn vô-lăng, thì đầu quay trước, quay sau… ngắm phố phường. Trong xe không chỉ có hai “tài xế” như vậy mà còn có cả người ngồi đằng sau, nhưng lạ là người ngồi trong xe taxi cũng không có biểu hiện gì lo lắng.
Như vậy, sau một thời gian “trào lưu” tung clip vi phạm luật giao thông lên mạng như clip: cô gái lái xe bằng chân, clip “thiên thần bay” làm xiếc trên xa lộ, clip "teen" nhảy nhót trên xe máy đang chạy, clip “nữ anh hùng xa lộ” dạy “tiểu đệ tử” 15 tuổi… tạm thời lắng xuống, thì bây giờ, hiện tượng này lại manh nha xuất hiện.
Cho bé lái xe cũng là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng |
Điều đáng nói là đã có một số vụ từ những đoạn clip như vậy mà “diễn viên chính” đã bị xử phạt vì hành vi vi phạm pháp luật an toàn giao thông đường bộ. Cụ thể, với clip cô gái lái xe bằng chân, ngay sau khi nhận được thông tin từ báo ch, ông Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội đã giao Đội Cảnh sát giao thông số 5, đơn vị quản lý địa bàn diễn ra clip trên kiểm tra, xác minh danh tính và địa chỉ của cô gái để xử phạt theo quy định của pháp luật.
Sau đó, Công an huyện Gia Lâm đã xác minh danh tính nhân vật chính trong clip là Nguyễn Lan Anh, thường trú tại Trâu Quỳ để lập biên bản và xác định mức phạt. Được biết, ngay trong ngày 12/3 khi clip cháu bé 1-2 tuổi tay lái xe taxi tung lên, ông Nguyễn Duy Ngọc đã cho biết sẽ cho kiểm tra ngay clip để xác minh rõ hành vi của tài xế. Sau khi xem sẽ đối chiếu các quy định trong pháp luật an toàn giao thông đường bộ, nếu sai sẽ xử lý theo đúng quy định.
Phạm luật dù mục đích nào
Như chúng ta đều biết, tình hình giao thông Việt Nam hiện nay tương đối bất ổn với bằng chứng là các vụ vi phạm luật và tai nạn giao thông tăng theo thời gian. Nguyên nhân của việc này chính là người tham gia giao thông rất thiếu ý thức.
Thế nên, khi các clip giao thông được tung lên mạng, bên cạnh một nhóm rất nhỏ trong xã hội tung hô thỏa mãn tâm lý người hùng nhân vật trong clip thì phần đông ý kiến đều cho rằng phải xử phạt nặng cả “diễn viên” lẫn người tung lên mạng vì nó gây ra hiệu ứng xấu trong xã hội như tán thưởng, bắt chước…
Lái xe bằng chân - một hành vi vừa gây phản cảm vừa vi phạm nghiêm trọng Luật Giao thông |
Cũng có ý kiến cho rằng, việc tung clip vi phạm giao thông lên mạng là để cảnh tỉnh mọi người cũng như tố cáo hành vi vi phạm. Và cũng nhờ việc tung lên mạng trong rất nhiều vụ, cơ quan chức năng đã vào cuộc để xử lý người vi phạm luật giao thông đường bộ, nhưng cũng cần hiểu rằng việc tung clip trên Internet tuyệt đối không phải là hành vi tố cáo.
Vì theo Điều 65, Luật Khiếu nại, Tố cáo quy định: "Người tố cáo phải gửi đơn đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Trong đơn tố cáo phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ người tố cáo; nội dung tố cáo". trong khi người tán phát clip lên mạng lại giấu mặt. Mặt khác, thực tế cho thấy hầu hết ở các vụ tung clip nhân vật trong clip cũng như người tung đều đơn thuần chung mục đích là thỏa mãn việc thích chơi nổi, chơi trội…
Trả lời cho câu hỏi liệu khi tung các clip có hành vi vi phạm pháp luật về giao thông lên mạng thì bản thân “diễn viên” và người tung có bị phạt không. Câu trả lời đã rõ với trường hợp cô gái lái xe bằng chân và trường hợp đối tượng Hoàng Văn Khá – người tung clip tuổi teen đánh ghen trước đây.
Về góc độ pháp luật, đối với việc đưa thông tin, hình ảnh trái phép lên mạng máy tính gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự theo Điều 226 Bộ luật Hình sự Việt Nam. Thế nhưng, ở đây chốt lại vấn đề vẫn là câu chuyện ý thức, cũng tương tự như ý thức tham gia giao thông vậy.
Điều 226. Tội sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính 1. Người nào sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính, cũng như đưa vào mạng máy tính những thông tin trái với quy định của pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm: a) Có tổ chức; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. |
An Khanh