Từ 20/4/2020: làm rõ các trường hợp được chứng thực chữ ký trên Giấy ủy quyền

(PLVN) - Ngày 03/3/2020, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch. 

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 20/4/2020 và thay thế Thông tư số 20/2015/TT-BTP ngày 29/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Thông tư có 25 điều, được bố cục thành 6 chương gồm: chương 1 là những quy định chung, chương 2 quy định về chứng thực bản sao từ bản chính, chương 3 quy định về chứng thực chữ ký trên giấy tờ văn bản, chương 4 quy định về chứng thực chữ ký người dịch, chương 5 quy định về chứng thực hợp đồng, giao dịch, chương 6 quy định điều khoản thi hành.

Để thuận lợi cho nghiên cứu, tìm hiểu, xin thông tin một số điểm mới cơ bản của Thông tư số 01/2020/TT-BTP như sau:

Một là, quy định cụ thể các trường hợp được chứng thực chữ ký trên Giấy ủy quyền theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP.

Nghị định số 23/2015/NĐ-CP (điểm d, khoản 4 Điều 24) cho phép thực hiện chứng thực chữ ký đối với Giấy ủy quyền chỉ là đơn giản hóa thủ tục đối với một số trường hợp ủy quyền có nội dung đơn giản, phổ biến để tạo điều kiện, tiết kiệm chi phí cho người dân. Tuy nhiên, quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP còn chung chung, chưa có hướng dẫn cụ thể, thống nhất về việc ủy quyền phải thỏa mãn đầy đủ tất cả các yếu tố quy định tại khoản 4 Điều 24 (không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền, không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản) thì mới được chứng thực chữ ký.

Điều đó dẫn đến tình trạng một số văn bản ủy quyền có nội dung liên quan đến chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản (như ủy quyền định đoạt, quản lý tài sản là nhà ở, quyền sử dụng đất; ủy quyền vay vốn ngân hàng, thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi, cơ cấu nợ, quyết định thực hiện các khuyến nghị của ngân hàng...) thuộc diện không được chứng thực chữ ký thì vẫn được cơ quan có thẩm quyền chứng thực chữ ký, gây tiềm ẩn phát sinh tranh chấp, rủi ro trong quan hệ, giao dịch dân sự, hành chính.

Vì vậy, để hiểu và thống nhất trong việc thực thi các quy định pháp luật về chứng thực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, Thông tư số 01/2020/TT-BTP đã quy định cụ thể các trường hợp được chứng thực chữ ký trên Giấy ủy quyền; đồng thời quy định rõ các ủy quyền không thỏa mãn đủ các yếu tố quy định tại khoản 4 Điều 24 thì phải thực hiện chứng thực theo thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Hai là, bổ sung quy định hướng dẫn thực hiện chứng thực hợp đồng, giao dịch tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Hiện nay, theo quy định của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính đều đã triển khai thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Với cơ chế này, người yêu cầu chứng thực sẽ nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông mà không nộp trực tiếp cho người thực hiện chứng thực (Trưởng phòng, Phó trưởng phòng Tư pháp cấp huyện, Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND cấp xã) nên không thể thực hiện ký hợp đồng, giao dịch trước mặt người thực hiện chứng thực.

Tuy nhiên, Nghị định số 23/2015/NĐ-CP chưa có hướng dẫn về trình tự, thủ tục ký trước mặt công chức tiếp nhận hồ sơ (người yêu cầu chứng thực ký vào hợp đồng, giao dịch trước mặt người tiếp nhận hồ sơ và công chức tiếp nhận hồ sơ ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch) trong trường hợp tiếp nhận hồ sơ theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông dẫn đến các cơ quan thực hiện chứng thực lúng túng trong việc thực hiện.

Vì vậy, để áp dụng thống nhất, cũng như giúp các cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực có căn cứ pháp lý khi thực hiện giải quyết thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch khi áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông, Thông tư số 01/2020/TT-BTP đã bổ sung quy định hướng dẫn thực hiện chứng thực hợp đồng, giao dịch tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Theo đó, các bên tham gia hợp đồng, giao dịch thực hiện việc ký hợp đồng, giao dịch trước mặt người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu chứng thực tại bộ phận một cửa; công chức tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, giấy tờ và cũng ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch trước khi người có thẩm quyền thực hiện chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Ba là, bổ sung quy định về xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã được chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký không đúng quy định pháp luật.

Nghị định số 23/2015/NĐ-CP và Thông tư số 20/2015/TT-BTP chưa có quy định về việc nếu phát hiện việc chứng thực không đúng quy định thì sẽ thực hiện khắc phục sai sót như thế nào, gây lúng túng cho cơ quan thực hiện chứng thực. Khi phát hiện có sai sót trong chứng thực, chủ yếu các cơ quan thực hiện chứng thực đều cố gắng thực hiện thu hồi văn bản đã được chứng thực sai quy định một cách cơ học, điều này là rất khó thực hiện đối với mọi trường hợp (đặc biệt là đối với chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, chứng thực chữ ký người dịch), dẫn đến một số cơ quan thực hiện chứng thực dù phát hiện có sai sót nhưng bỏ qua, không thực hiện bất kỳ động thái nào để khắc phục, dẫn đến văn bản đã được chứng thực sai quy định vẫn được sử dụng trong các giao dịch hành chính, dân sự, tiềm ẩn rủi ro cho cả các cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân.

Vì vậy để có căn cứ xử lý thống nhất đối với văn bản chứng thực không đúng quy định pháp luật, Thông tư số 01/2020/TT-BTP đã quy định rõ: các giấy tờ, văn bản đã được chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký không đúng quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP và văn bản hướng dẫn thi hành thì không có giá trị pháp lý; đồng thời quy định trách nhiệm đăng tải thông tin về những giấy tờ, văn bản này.

Ngoài ra, để khắc phục một số khó khăn, bất cập, hạn chế xuất phát từ nguyên nhân là một số nội dung của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP đã được quy định chi tiết hoặc hướng dẫn thi hành tại Thông tư số 20/2015/TT-BTP nhưng chưa đầy đủ, Thông tư số 01/2020/TT-BTP cũng đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung khác liên quan đến trách nhiệm của người yêu cầu chứng thực, người thực hiện chứng thực, người tiếp nhận hồ sơ.

Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung việc rà soát, đưa ra khỏi danh sách đã phê duyệt đối với cộng tác viên không còn đủ điều kiện; việc đăng ký lại chữ ký mẫu khi cộng tác viên thay đổi chữ ký; quy định rõ bằng cử nhân ngoại ngữ để đáp ứng tiêu chuẩn cộng tác viên là bằng tốt nghiệp đại học; ban hành mẫu lời chứng chứng thực hợp đồng, giao dịch tại bộ phận tiếp nhận, trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; mẫu lời chứng văn bản từ chối nhận di sản, văn bản khai nhận di sản trong trường hợp có hai người trở lên cùng từ chối nhận di sản, cùng khai nhận di sản; hướng dẫn cụ thể hơn các thủ tục chứng thực liên quan đến tờ khai lý lịch cá nhân...

Như vậy, có thể thấy, việc ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BTP ngày 03/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã giải quyết được những vướng mắc, bất cập cơ bản trong công tác chứng thực thời gian qua; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết các việc về chứng thực một cách thuận lợi, thống nhất.

Đọc thêm

Hoàn thiện quy định về phân cấp, phân quyền giữa trung ương và chính quyền địa phương

Toàn cảnh cuộc họp.
(PLVN) - Chiều 22/11, Bộ Tư pháp tổ chức họp H ội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) với sự chủ trì của Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh. Về phía cơ quan chủ trì lập đề nghị có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cùng đại diện một số đơn vị thuộc Bộ.

Giải lan toả kết quả hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp, tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Trưởng Ban tổ chức phát biểu tại buổi lễ.
(PLVN) - Thiết thực hướng đến Kỷ niệm 80 năm ngày Truyền thống của ngành Tư pháp Việt Nam (28/8/1945 – 28/8/2025) và Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ VI, 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025), phát huy vai trò của báo chí, nâng cao chất lượng công tác thông tin truyền thông, góp phần tích cực xây dựng Bộ, ngành Tư pháp ngày càng phát triển, sáng 22/11, Bộ Tư pháp phát động Giải Báo chí toàn quốc về ngành Tư pháp lần thứ nhất (gọi chung là Giải báo chí).

Bộ Pháp điển Việt Nam: Giải pháp quan trọng để truyền thông chính sách

Ông Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp.
(PLVN) - Bộ Pháp điển Việt Nam là một công cụ tra cứu pháp luật hữu ích trong Kỷ nguyên mới. Việc Công bố và đưa Bộ Pháp điển vào cuộc sống là một trong các giải pháp quan trọng để truyền thông chính sách, giảm chi phí tuân thủ pháp luật đồng thời mở ra những nguồn lực, tạo nên sức mạnh, hiệu quả cao trong việc xây dựng, thực hiện chính sách pháp luật…

Đẩy mạnh xã hội hoá công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua mô hình “Điểm hỗ trợ pháp luật cộng đồng miễn phí”

Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ tư pháp Phan Hồng Nguyên phát biểu khai mạc Tọa đàm.
(PLVN) - Ngày 20/11/2024, tại tỉnh Sóc Trăng, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến thí điểm xây dựng mô hình “Điểm hỗ trợ pháp luật cộng đồng miễn phí” với sự chủ trì của đồng chí Phan Hồng Nguyên – Phó Cục trưởng.

Xác định đúng và trúng giải pháp để đưa công tác xây dựng pháp luật lên tầm cao mới

Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh phát biểu khai mạc phiên họp.
(PLVN) - Ngày 21/11, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp Hội đồng khoa học Bộ với chủ đề “Nhận diện những vấn đề đặt ra đối với sự phát triển của Bộ, ngành Tư pháp trên cơ sở các phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm thời gian gần đây và Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại buổi làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp”. Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh chủ trì phiên họp. Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc và Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cùng dự.

Thư ký thi hành án Trần Văn Toán và những kỷ niệm “cưỡng chế” nhớ đời!

Anh Trần Văn Toán, Thư ký thi hành án Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu.
(PLVN) -“Phải nhìn nhận, trong giai đoạn hiện nay hoạt động Thi hành án dân sự (THADS) vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn nhất định, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm cho đội ngũ Chấp hành viên khi tổ chức thi hành án” là chia sẻ của anh Trần Văn Toán, Thư ký thi hành án Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu.

TS Lê Việt Nga: Người góp sức mở những “cung đường” cho hàng Việt vươn xa

TS. Lê Việt Nga - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)
(PLVN) -  Chỉ từ một lời “rủ rê” mà TS. Lê Việt Nga - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã có 13 năm gắn bó với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Từ cuộc vận động này, cùng với nỗ lực, nhiệt huyết và tình yêu với hàng Việt của TS. Lê Việt Nga mà hàng Việt đã có một “cuộc trường chinh vạn dặm” vượt ra khỏi biên giới quốc gia, xuất hiện trên kệ những hệ thống siêu thị lớn nhất trên thế giới…

Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo của Bộ Tư pháp tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW

Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh phát biểu kết luận phiên họp.
(PLVN) -Ngày 20/11, Bộ Tư pháp đã tổ chức Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo của Bộ Tư pháp tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bộ Tư pháp quán triệt và triển khai Kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp

Bộ Tư pháp quán triệt và triển khai Kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp
(PLVN) - Ngày 20/11, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai Thông báo số 108-TB/VPTW về kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp và Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo của Bộ Tư pháp về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.