Tiếng ông bỗng nhiên va vào nhịp thở còn đang dồn dập của tôi: “Em cũng thường xuyên chạy nhỉ?”. Nói thế nghĩa là ông biết tôi thường xuyên chạy ở đây. Lúc đó, tôi hơi ngượng, xã giao: “Cháu chào chú”. Ông không xưng anh, cũng chẳng xưng chú, mà nói là “mình”, nhẹ nhàng, điềm nhiên. Không vồn vã làm quen như kiểu thanh niên chíp hôi, khoe khoang, rồi xin số điện thoại. Ông nói: “Mình thích cách nghĩ của cánh trẻ ngày nay về sức khỏe…”. Ý ông muốn nói giới trẻ ngày nay năng động. Sự phát triển của xã hội đã sinh ra rất nhiều phòng tập gym, yoga cũng như bể bơi nhằm đáp ứng nhu cầu thể thao, trong xu thế xã hội rất nhiều người thừa mỡ và đang từng ngày trẻ hóa. Tôi với ông ngang qua nhau nhiều ngày qua những vòng hồ bấy lâu nay nhưng chẳng ai biết ai.
Tôi nhẩm nghĩ và thấy vui vui. Sẽ chỉ là như thế, giống bao người ngang qua nhau trong cuộc đời, những chuyến tàu qua sân ga. Nhưng rồi hôm sau tôi lại gặp ông. Vẫn áo phông xanh da trời, vẻ mặt điềm nhiên đầy thiện cảm, khá phong độ, phúc hậu. Đôi mắt cũng cuốn hút. Lần này, tôi bớt đề phòng, nói chuyện tự nhiên hơn. Vài câu qua lại, tôi đi song song ông tự lúc nào. Thi thoảng vài cặp mắt dò xét lướt qua. Hoặc một vài người chạy xượt qua khắc vào không gian những vệt gió.
Chúng tôi đề cập đến ước mơ của tuổi trẻ. Tất nhiên là do ông gợi trước. Tôi từng hụt hẫng, chới với, như con chim mãi không tìm được bến đỗ bị thu hút bởi đề tài này. Rồi chính tôi là người chủ động xin số điện thoại chứ không phải ông. Đã lâu tôi không được nói chuyện với một người có kiến thức, hiểu cuộc đời như thế, trừ bài giảng của các thầy. Lũ sinh viên nam, dù năm cuối phải lo toan đủ thứ, nhưng chưa đủ chín chắn để có thể chia sẻ với đứa con gái đã chịu đựng những vết xước của cuộc đời. Một vài hình ảnh của Vũ xượt qua tôi. Vũ từng đi bên tôi những buổi sáng hoặc chiều chủ nhật quanh hồ này. Nhung nhớ. Căm thù. Nhiều cảm xúc lẫn lộn đan xen. Đến nỗi dù đã xa ba năm tôi vẫn có cảm giác anh vẫn đi quanh hồ, với một ai đó khác.
Tiện thể cũng rảnh, tôi nhận lời mời uống cà phê của ông. Nắng nhẹ phảng phất trên mặt hồ, làm dịu mát không gian khiến dòng xe cộ trên phố bớt ngột ngạt. Ngoài kia rặng liễu lơ thơ. Ngoài kia hẳn nhiều người vồn vã mưu sinh ao ước những khoảng lặng ngồi nhâm nhi cà phê thế này. Tôi nói mình là cô sinh viên năm cuối, ước mơ làm những việc có ích cho xã hội. Ông cười. Khen tôi có đôi mắt đẹp và giọng nói sáng. Ơ, giọng nói sáng là hay phải không nhỉ.
Ông chia sẻ cuộc đời mình như một người bạn khiến tôi thấy khoảng cách vơi bớt. “Ở tuổi 60 người ta đã đàng hoàng mọi thứ nhưng mình cảm thấy thiếu” - ông nói. Tự dưng ngụm cà phê đông cứng trong miệng tôi. Bản nhạc Dạ khúc cũng ngưng lại trong không gian. Vậy ông đang thiếu thứ gì? Ông là cáo già đi săn những con thỏ non chưa hiểu đời, cơ hội đến sẽ biến chúng thành mồi nhậu? Không, cũng chả có gì to tát lắm, ông nói: “Mình vẫn có đủ đầy gia đình, con cái, có công ăn việc làm ổn định. Ấy thế mà vẫn thiếu đấy Cầm ạ”. Cầm là tên tôi. Vừa gợi sự bé nhỏ, mong manh, vừa thâm trầm, co cụm. Tôi hỏi cụ thể ông thiếu thứ gì? Ông bảo để dần dần sẽ nói. Tôi cồn cào muốn biết lý do. Khuôn mặt cùng nụ cười ông đã xóa sạch những mối nghi ngại nơi tôi cũng như khoảng cách độ tuổi. Lúc này, đôi mắt ông có màu van vỉ.
Hôm sau nữa tự dưng tôi chủ động gọi ông mà bản thân chẳng biết lý do. Sau khi nghe tôi vòng vo vài câu ông mời buổi trưa đi ăn cơm, có bạn bè rủ đi cùng luôn. Tôi đồng ý. Cái Yến cùng phòng được trưng dụng. Chúng tôi ngồi trong một quán sang, dạng quán xá trước đây Vũ, Bình hay Lực từng đưa tôi đến. Mức chi tiêu ở đó cao đến mức đám sinh viên chẳng bao giờ kham nổi. Chè tam rượu tứ. Chúng tôi uống rượu ba người. Mắt ông vẫn ngời lên thiện cảm. Yến vui lắm, cười suốt và lắng nghe, cảm nhận vị ngon của hải sản, vị cay đậm đà của rượu quý. Trời ban cho nhan sắc. Năm đầu tiên bọn con trai hơn lớp mon men xin số, đám thanh niên chút chít làm quen. Có cả lũ con trai nhà giàu trên tiền. Bọn họ mời chúng tôi những bữa ăn cả chục triệu đồng. Nhưng kèm theo đó là đôi mắt tính toán và những cái quàng tay qua vai đầy ý đồ. Lần đầu tiên tôi với Yến có thể nói cười tự do mà không e sợ bị chiếm đoạt.
Ông bảo: “Nơi thành phố chục triệu người, gặp nhau là cái duyên, mình tặng các bạn một đặc quyền, bất kể lúc nào, chỉ cần muốn ăn uống ở đâu, nhắn tin, mình thu xếp được sẽ đi. Tất nhiên mình chi. À mà các em có thể gọi thêm bạn. Càng đông càng vui”. Hai đứa con gái gật đầu. Tất nhiên chúng tôi chẳng bao giờ chủ động nhắn tin để xin đi ăn. Tất thảy là ông chủ động. Có khi là cả bạn ông nữa. Những người chạc tuổi ông. Họ lịch sự, nho nhã. Họ ăn uống từ tốn như ánh mắt điềm đạm không toan tính. Dường như ở độ tuổi này chẳng phải lo lắng về kinh tế, gia đình, con cái nên những cuộc rượu diễn ra khá thảnh thơi, không vồ vập.
Sau vài lần gì đó, các ông tặng tôi và Yến quà. Đó là loại mỹ phẩm xách tay chất lượng. Cả hai đứa rất rành mỹ phẩm. Những câu chuyện của các ông quanh chúng tôi cũng chừng mực. Không phải dạng say xỉn chỉ muốn ăn sống nuốt tươi bọn nữ sinh. Yến chợt nói với tôi: “Các ông ấy chẳng đòi hỏi gì ư? Cứ mời mọc và tặng quà một cách thoải mái thế?”. Lời Yến khiến tôi khựng lại. Chợt nhớ ra ở đời chẳng ai cho không ai thứ gì. Vậy ông và bạn bè ông cần gì ở mấy đứa con gái chúng tôi?
Tôi tự hỏi lòng, điều đó là gì vậy? Yến bảo, chúng ta giống như những đứa đi ăn thuê. Chính xác. Ăn thuê. Chúng tôi có nhan sắc, làm gia vị cho cuộc sống của một số người. Làm vui cho người khác để họ ăn ngon hơn. Người như ông vì thế vui vẻ hơn, sống lâu hơn. Tôi có lợi dụng quá không? Hư đốn quá không? Từ hôm đó, mỗi lần đi với ông, trong tôi đều hằn lên những câu hỏi vừa ngọt ngào vừa cay đắng. Những câu hỏi cộn lên như bị tổn thương được là phẳng bởi một sự biện hộ, rằng bản thân mình đã cho đi. Cho đi những giờ vui vẻ, nhận lại chính là tình cảm của ông, bè bạn ông và những bữa ăn ngon. Đó là một sự trao đổi. Dẫu sao cũng còn đỡ khắc nghiệt hơn đám gái đú trên sàn, bán phấn buôn son hoặc những đứa làm nghề nhậu thuê, vốn thèm ăn trắng, mặc trơn.
***
Sau Yến là Loan, Dung được nạp vào nhóm. Những nhan sắc trang điểm cho các bữa ăn nhậu, thậm chí vòng vèo ngoại tỉnh của các ông. Hẳn trước chúng tôi, ông đã từng đi ăn với nhiều người phụ nữ khác. Tôi mặc kệ. Trước ông, tôi có phần kính nể, như trân trọng bố mình. So tuổi, ông hơn bố tôi hai tuổi. Tôi đi bên ông, cảm giác vừa bên người thân, có lúc như cha con, lúc khác lại như người tình. Loan và Dung là hai đứa nanh nọc, hơn hẳn tôi và Yến. Chúng tính toán trong từng câu nói. Một ngày kia, tôi phát hiện cả hai đứa hiến dâng cho ông. Chúng vừa tiết lộ trong cơn mơ và nói chuyện trực tiếp với Yến. Toàn thân tôi toát lạnh. Điều đó là giây phút ngã lòng hay là bản chất của những kẻ đi săn mồi? Vậy sao ông không khêu gợi, đòi hỏi dục tình ở tôi? Hay tôi còn non nớt nên ông muốn nuôi lớn thêm chút nữa?
Bực lòng gằn hỏi. Ông đăm chiêu nhìn ra xa, vừa muốn trốn tránh câu trả lời vừa muốn bật ra chủ đề khác. Bỗng dưng trào nước mắt. Tủi thân. Ghen. Tôi mơ màng mộng tưởng một điều gì đó đang vụn vỡ, vuột ra khỏi mình? “Đàn ông ai cũng chỉ hòng chiếm đoạt, phải không anh?”. Tôi buông một câu chua chát. Ông giải thích Loan và Dung đưa vào tròng để lợi dụng. Tôi nói không tin. Một người như ông đủ kinh nghiệm, khôn ngoan để chối bỏ trách nhiệm.
Tôi muốn bỏ về. Muốn phá tung mọi thứ. Muốn đừng phải gặp ông nữa. Vũ đã từng hứa hẹn, chờ tôi ra trường sẽ cưới. Sự nanh nọc của Vũ làm tôi dễ dàng có bầu và cay đắng phá bỏ dù tôi và gia đình muốn giữ. Ngày đó mẹ tôi thông cảm, nói con cái là trời cho, tôi có thể bảo lưu kết quả học tập, nghỉ một năm rồi học nốt. Vũ không nghe, phũ phàng bắt tôi bỏ con. Tinh thần tôi bị một chấn thương khủng khiếp. Vũ gieo vào tôi hy vọng rồi xóa sạch khi nó chưa kịp thành hình hài. Giờ người đàn ông hơn tuổi bố tôi khiến tôi đau nhói.
Ông đuổi theo níu tay tôi. Cầm, anh xin em, là do anh... Thật sự anh rất cô đơn. Anh cô đơn trong chính gia đình mình. Anh đã và đang tìm niềm vui, tất nhiên may mắn gặp được các em. Chính các em đã khiến anh hồi sinh, thấy cuộc đời có thêm ý nghĩa để sống tiếp. Hai khóe mắt ông rơi ra hàng nước mắt. Thật nực cười. Ông khóc trước đứa con gái hai mươi hai tuổi, ít hơn cả con út ông? Tôi quay đi để thấy phía sau là ngút ngàn gió, phía trước là bịt bùng cô đơn. Ông vẫn đứng đó, nhẫn nại, van vỉ. Phải đau khổ thế nào, bi kịch ra sao nên người đàn ông phong độ, giàu có ấy mới có thể rơi nước mắt? Hay chỉ là một trích đoạn của vở kịch đời. Lòng tôi bời bời xáo trộn.
***
Tôi không liên lạc với ông nữa. Cái Loan và cái Dung bị cho ra khỏi nhóm. Tôi với Yến hoàn thành nốt việc học ngành công tác xã hội, trả nợ môn và quay cuồng với chuyện kinh doanh trên mạng. Cả hai từng ngộ nhận rồi chán ngành mình học. Cứ nghĩ rằng đó là ngành đào tạo những người làm công tác chuyên giúp ích cho đời, góp phần bình đẳng và tiến bộ xã hội. Sau khi Vũ làm tôi đau đớn, tôi hoang mang về việc học. Nếu còn những người như Vũ làm sao có thể đưa xã hội bình đẳng. Giờ nghĩ về người đàn ông lớn tuổi, tôi hiểu nghề công tác xã hội không đơn giản đến thế. Ở nơi nào con người cũng có thể làm việc tốt. Nhưng trước hết mỗi người phải sống tốt đã.
Thi tốt nghiệp, ra trường một cách suôn sẻ. Tôi thuộc diện sáng dạ nên nếu tập trung thì sẽ qua môn. Ra trường chừng một tháng, tôi xin được việc ở một tổ chức đúng chuyên ngành tôi đã học. Làm dự án. Hỗ trợ các ông bà già neo đơn ở những trại dưỡng lão, trẻ em trong trung tâm bảo trợ. Do tiếp xúc với nhiều người lớn tuổi, cô đơn, mặt buồn như những hạt cơm nguội trong trại dưỡng lão, tôi chợt nghĩ đến ông. Tưởng nghĩ đến rồi thôi, mà lòng gằn lên những đợt sóng, không thể nào hãm lại. Buổi sáng tôi ra công viên dạo một vòng. Mùa thu chầm chậm trôi. Bất giác ông gọi phía sau. Vẫn là khuôn mặt ấy, phong độ ấy. Thời gian trôi nhanh quá.
Hơn một năm tôi mới gặp lại ông. Ông mời tôi cà phê. Tôi đặng nhận lời. Ông nói lời xin lỗi và kể chuyện gia đình, rằng con cái ông ba đứa có ba công ty riêng. Vợ ông cũng có công ty riêng. Bà đuổi theo lợi nhuận. Bà cuốn vào những mối tình tang phức tạp, quên gia đình, con cái. Tất nhiên quên ông. “Tôi muốn nói là bên ngoài có vẻ sang trọng thế này thôi, chứ trong gia đình, nội tâm tôi đầy giông bão. Vậy nên tôi xin em, hãy coi tôi như người bạn, hoặc làm con gái tôi cũng được. Tôi sẽ giữ đúng chừng mực, không bao giờ làm tổn thương Cầm”.
Lòng tôi chùng xuống trước những lời rất đỗi chân thành của ông. Quả là ông đã chẳng đòi hỏi gì ở tôi. Ông cần ở tôi những bữa đi ăn, quãng thời gian chuyện trò vui vẻ. Lời đề nghị ấy, tôi sẽ suy nghĩ tiếp. Cũng nên coi đây là việc tôi đang giúp người. Phải, tôi sẽ giúp ông. Ở thành phố mười triệu dân này, mỗi ngày con người đi ngang qua hàng trăm, nghìn người, đâu phải ai cũng sẽ neo lại để có thể quen và thân nhau. Rồi ngày sau thế nào để ngày sau phán quyết. Cái duyên gặp là cuộc đời đưa đẩy. Không có đúng sai. Phải không mùa thu dịu dàng?
Truyện ngắn của Trần Quang Lộc