Trung Quốc nhấn mạnh, đây là cải cách nhằm đảm bảo quyền lực tư pháp được thực hiện một cách công khai, công bằng và không thiên vị dưới sự giám sát của tất cả người dân.
Tư pháp công khai
Cải cách này bao gồm: tăng cường tính công khai trong quá trình thụ lý và xét xử của TAND, VKSND, các cơ quan công an và cơ quan hành chính tư pháp; đa dạng hóa các hình thức và phương tiện truyền tải thông tin tư pháp, từ việc công bố thông tin cho từng bộ phận riêng biệt cho đến phát hành thông tin thống nhất qua các kênh khác nhau như báo chí, tạp chí, Internet, tờ rơi…; tăng cường hiệu quả, đảm bảo công khai của hệ thống xét xử thông qua các đường dây nóng để người dân tố giác tội phạm, mời người dân và chuyên gia dự các phiên xét xử…
Tăng tính dân chủ
Trung Quốc đang phấn đấu xây dựng, cải thiện hệ thống hội thẩm nhân dân và giám sát nhân dân, đảm bảo cho sự phát triển của nền chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa, đề cao vai trò tham gia của dân trong quản lý công việc nhà nước trong khuôn khổ luật pháp. Năm 2004, cơ quan lập pháp Trung Quốc ban hành Quyết định cải thiện hệ thống hội thẩm nhân dân. Nhà nước đã mở rộng các nguồn lực của hội thẩm nhân dân tới mọi lĩnh vực, xác định hội thẩm nhân dân trong các vụ việc được lựa chọn một cách ngẫu nhiên từ bảng phân công. Hội thẩm nhân dân có quyền tương đương với thẩm phán trừ việc họ không thể giữ cương vị chánh án tòa án và thực hiện quyền bỏ phiếu độc lập đối với những phát hiện trong quá trình áp dụng luật pháp trên thực tế.
Về hệ thống giám sát nhân dân, năm 2003, VKSND đã phát động một chương trình thí điểm để thiết lập hệ thống giám sát nhân dân. Đến tháng 10/2010, hệ thống này đã triển khai toàn diện trong các cơ quan kiểm sát trên khắp cả nước. Người giám sát nhân dân được lựa chọn từ tất cả các thành phần xã hội, để giám sát và đánh giá các trường hợp lạm dụng quyền lực do VKSND thụ lý như: không lập hồ sơ điều tra, lập sai hồ sơ điều tra, rút hồ sơ hoặc cản trở việc truy tố.
Giám sát pháp lý của các cơ quan kiểm sát
Việc tăng cường giám sát quyền lực tư pháp được xem là trọng tâm của cải cách tư pháp tại Trung Quốc. Nước này đã có một loạt các biện pháp như: tăng cường giám sát pháp lý trong quá trình lập hồ sơ và hoạt động của các cơ quan điều tra. Bằng các biện pháp kiểm tra và phê chuẩn lệnh bắt giữ, xử lý kiến nghị của người dân, khiếu nại của đương sự, ý kiến của dư luận và giới truyền thông, VKSND và cơ quan công an có thể kịp thời phát hiện manh mối dẫn đến thất bại trong việc lập hồ sơ để điều tra, hoặc lập sai hồ sơ điều tra, qua đó các cơ quan này có thể xem xét và giải quyết các vụ việc theo quy định của pháp luật.
Đối với các bản án hình sự, dân sự và hành chính, trong trường hợp phát hiện các phán quyết và quyết định hòa giải đã có hiệu lực thi hành có sai sót hoặc có thể ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia hoặc công chúng hay trái ngược với các thủ tục pháp lý và ảnh hưởng đến tính công bằng của tư pháp, các cơ quan kiểm sát có quyền kiến nghị hoặc đưa ra các kiến nghị kiểm sát và các biện pháp giám sát khác. VKSNDTC, cùng với TANDTC và các cơ quan có liên quan đã xây dựng một số quy định về tăng cường giám sát pháp lý đối với các công chức tư pháp lơi là nhiệm vụ trong các hoạt động tố tụng. Theo đó, các cơ quan kiểm sát có thể điều tra, xác thực những vi phạm bị tố cáo nằm trong danh mục 12 hành vi lơ là nhiệm vụ (trong đó có cả bẻ cong luật pháp vì mục đích cá nhân) đối với các viên chức tư pháp, từ đó đưa ra các kiến nghị để trừng phạt các cá nhân, giảm thiểu tham nhũng trong ngành tư pháp và đảm bảo tính công bằng của pháp luật.
(Còn tiếp)
Hà Dung (giới thiệu)