Chưa có quy định, mỗi địa phương làm một kiểu
Việc hướng dẫn cụ thể điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thanh toán do tổ chức không phải là ngân hàng tham gia cung ứng, hoặc đưa ra quan điểm rõ ràng của cơ quan quản lý chuyên ngành về lĩnh vực này là cần thiết để tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức nắm bắt và thực hiện.
Trong thực tiễn, do chưa có quy định về điều kiện của nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực trung gian thanh toán trong các văn bản pháp luật chuyên ngành nên các cơ quan đăng ký đầu tư (Sở KH&ĐT Hà Nội, Sở KH&ĐT TP Hồ Chí Minh) đã chấp thuận đề nghị của một số tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài với các tỷ lệ khác nhau chủ yếu dựa trên đề xuất của các đơn vị này. Vì vậy, cần thiết phải có quy định cụ thể về tỷ lệ đối với nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực này nhằm bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch giúp cho doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình thực hiện.
Mặt khác, hoạt động trung gian thanh toán là hoạt động có liên quan đến hoạt động ngân hàng, tác động trực tiếp đến quyền lợi của người tham gia dịch vụ, cũng như ảnh hưởng đến an ninh, an toàn trong chính sách tiền tệ quốc gia. Vì vậy, cần thiết cơ quan quản lý nhà nước phải có chính sách phù hợp, trong đó có vấn đề quy định về tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.
Một trong những mục tiêu mà Ban soạn thảo Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt đặt ra khi xây dựng các quy định cho nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, là vừa bảo đảm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tận dụng công nghệ hiện đại tiên tiến, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức trong quá trình vận hành cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, tạo sự minh bạch và lành mạnh trong hoạt động thanh toán, đảm bảo nguyên tắc giữ chủ quyền của quốc gia, góp phần phục vụ cho công tác phòng, chống rửa tiền.
Tỷ lệ vốn điều lệ nhà đầu tư nước ngoài có thể nắm giữ là bao nhiêu?
Trong đề cương Dự thảo, Ban soạn thảo dự kiến dành riêng một điều để quy định về điều kiện và tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Theo đó, sẽ quy định hình thức đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài (đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán) và tỷ lệ tối đa phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài áp dụng đối với tổ chức không phải là ngân hàng đang làm thủ tục xin cấp Giấy phép cũng như tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép.
Lý giải về việc lựa chọn phương án có quy định điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài cụ thể về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ, Ngân hàng Nhà nước giải thích, đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, liên quan đến hoạt động ngân hàng và thị trường tài chính, ảnh hưởng đến sự ổn định và an toàn trong chính sách tiền tệ của quốc gia. Do đó, để tránh sự thao túng của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như để đảm bảo chủ quyền quốc gia trong hoạt động ngân hàng tài chính thì cần thiết quy định tỷ lệ tham gia góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài.
Đồng thời, qua đó, kiến tạo một môi trường kinh doanh phục vụ vì lợi ích quốc gia và tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp trong nước nắm bắt được cơ hội trong hoạt động kinh doanh của mình.
Thực tế hiện nay, một số ngành, phân ngành cũng đã quy định tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài như: hoạt động ngân hàng cổ phần không quá 30%, tổ chức tín dụng phi ngân hàng thực hiện theo quy định của công ty đại chúng không quá 49%,... Kinh nghiệm của Indonesia cho thấy, liên quan đến tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thanh toán đối với các tổ chức nhận tiền gửi, vận hành bù trừ, chuyển mạch, quyết toán cuối cùng,.., văn bản pháp lý của Ngân hàng Trung ương Indonesia có quy định tỷ lệ sở hữu của cá nhân, tổ chức pháp nhân trong nước tối thiểu chiếm 80% vốn sở hữu, do đó tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 20% vốn sở hữu.
Trong khi đó, theo cam kết với WTO, Việt Nam đã có cam kết chung về hiện diện thương mại đối với các ngành và phân ngành trong biểu cam kết, theo đó “Nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được phép góp vốn dưới hình thức mua cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam. Trong trường hợp này, tổng mức vốn cổ phần do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trong một doanh nghiệp không vượt quá 30% vốn điều lệ của doanh nghiệp đó, trừ khi pháp luật có quy định khác hoặc được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép. Một năm sau khi gia nhập, hạn chế 30% cổ phần nước ngoài trong việc mua cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được bãi bỏ, ngoại trừ đối với việc góp vốn dước hình thức mua cổ phần trong các ngân hàng thương mại cổ phần và với những ngành không cam kết trong Biểu cam kết...”.